Tập Cận Bình vừa trở thành vị nguyên thủ quốc gia tại vị lâu nhất của Trung Quốc kể từ chiến thắng của đảng cộng sản vào năm 1949 sau khi quốc hội bù nhìn nước này chính thức trao cho Tập thêm 5 năm trong chức vụ chủ tịch vào hôm thứ Sáu 10/3. Việc tái bổ nhiệm Tập vào chức chủ tịch nước là điều hẳn nhiên và mang tính hình thức vì ai cũng đoán biết trước sẽ xảy ra sau khi Tập được trao cho nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là người đứng đầu đảng cộng sản vào mùa thu năm ngoái, một ngoại lệ chưa từng xảy ra kể từ thời Mao Trạch Đông.

Một trật tự mới – AgWeb.com   

Việc Tập Cận Bình chính thức trở thành chủ tịch Trung Quốc cho nhiệm kỳ ba có thể được coi như hoàn tất quá trình chuyển đổi sang thập niên thứ hai dưới sự lãnh đạo của Tập và đồng thời nhân vật này cũng đang tìm cách tái khẳng định mình như là một chính khách toàn cầu. Tuy nhiên, nhiệm kỳ ba của Tập bắt đầu với rất nhiều thử thách trong vấn đề đối ngoại trong khi một số những liên minh mới đang thành hình từ Âu sang Á và trong một ý nghĩa nào đó đang ngày càng đẩy Trung Quốc gần sát lại với Nga.

Từ cuộc xâm lược Ukraine

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã đưa đến những kết quả ngược lại với chính sách đối ngoại của Moscow mà họ từ lâu tìm kiếm bằng cách thúc đẩy những nước láng giềng gần với Ukraine mau chóng xin gia nhập tổ chức NATO. Sau khi gia tăng việc xây dựng quân đội, Trung Quốc hiện cũng đang phải chứng kiến điều tương tự với các liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Thái Bình Dương ngày càng thắt chặt mối quan hệ hơn.

Mạng lưới quan hệ mới

Việc nối lại quan hệ giữa Seoul và Tokyo, được phản ảnh trong một kế hoạch được Seoul công bố vào hôm thứ Hai 6/3 để bồi thường cho những người dân Nam Hàn bị bắt buộc phải làm việc tại Nhật Bản trong Thế chiến II, đánh dấu một biến chuyển mới nhất về việc các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ ở Châu Á đang xây dựng một mạng lưới quan hệ theo hướng ngược lại nguyện vọng của chính quyền Bắc Kinh

Xem thêm:   Chó...

Phi Luật Tân dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đang cho phép quân đội Mỹ được phép ghé vào các căn cứ của họ nhiều hơn. Ðài Loan đưa thêm lính Mỹ vào lãnh thổ của họ để giúp huấn luyện quân sự. Úc Ðại Lợi trở thành đồng minh thân cận hơn với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh để mua tiềm thuỷ đĩnh nguyên tử hiện đại chưa từng bán cho bất kỳ quốc gia nào khác. Và Nhật Bản tăng gần gấp đôi chi tiêu cho quốc phòng và liên kết các hoạt động quân sự của họ với Hoa Kỳ, gọi Trung Quốc là thách thức an ninh lớn nhất của họ.

Trung quốc sát lại với Nga – asian times

Thiện chí của Nhật và Nam Hàn

Cho đến tận bây giờ, những bất hoà chưa giải quyết xong giữa hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực, Nhật Bản và Nam Hàn, vẫn là điều gây khó xử đối với Washington.

Kế hoạch đưa ra hôm thứ Hai có lẽ vẫn không giải quyết được tất cả các tranh chấp đang chia rẽ Tokyo và Seoul. Và nó phụ thuộc phần lớn vào ý chí của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (Doãn Tích Duyệt), người mới nhậm chức vào năm ngoái và rất muốn hàn gắn lại mối quan hệ với Tokyo. Chính sách của Seoul thường thay đổi qua lại tùy thuộc vào đảng nào lên nắm quyền.

Tuy nhiên kế hoạch này mở ra một con đường để giải quyết mối đe dọa có thể gây thêm bất hoà giữa hai nước, đó là khả năng sung công tài sản của Nhật Bản ở Nam Hàn để trả cho các nguyên đơn trong vụ kiện về lao động cưỡng bức người Ðại Hàn ở Nhật Bản trong Thế chiến II.

Kế hoạch này kêu gọi Nam Hàn thành lập một quỹ tài chánh để thanh toán cho các nguyên đơn. Về phần mình, Nhật Bản cho biết họ sẽ chính thức lên tiếng xin lỗi về chính sách thuộc địa của họ trên bán đảo Triều Tiên và cho biết họ sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất cảng mà Nhật Bản áp đặt lên Nam Hàn vào năm 2019 liên quan đến các vật liệu cần thiết cho việc sản xuất chất bán dẫn.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Trong cuộc họp báo hôm 1 tháng 3, Tổng thống Yoon nói rằng sự hợp tác với Tokyo và Washington ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ông mô tả Nhật Bản như “một đối tác chia sẻ cùng những giá trị chung với chúng ta.” Sự hợp tác này không chỉ trong những lãnh vực như kinh tế và ngoại giao mà còn bao gồm luôn cả an ninh khu vực trước sự đe doạ của Trung Quốc ngày càng tăng.

Phản ứng ở Châu Âu

Một sự tái tập trung tương tự vào các giá trị chung cũng đã diễn ra ở Châu Âu, khu vực mà cho đến năm ngoái Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn luôn tìm cách thu hút sự ủng hộ qua việc hứa hẹn cung cấp nguồn khí đốt và dầu mỏ rất dồi dào của Nga.

Sau khi ông Putin quyết định xâm lăng Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Ðức đã vội vã tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Phần Lan và Thuỵ Ðiển tuyên bố kế hoạch gia nhập liên minh NATO. Và Ukraine, trong khi vẫn đang tiếp tục chiến đấu cùng với sự hỗ trợ vũ khí của Hoa Kỳ và Châu Âu để chống lại cuộc xâm lược, cũng đã bắt đầu tiến trình gia nhập Liên minh Châu Âu – điều đi ngược lại với mục tiêu lâu nay của Moscow là đưa Ukraine vào vùng ảnh hưởng của họ.

Nam Hàn và Nhật Bản tìm cách thắt chặt mối quan hệ song phương – AP

Trung quốc và các nước Châu Á

Nhìn qua Châu Á, Trung Quốc cũng đang chứng kiến một số mục tiêu đang vuột khỏi tầm tay của họ. Hy vọng của Bắc Kinh về việc giữ chân Nhật Bản lâu nay có khuynh hướng hòa bình tiếp tục đứng bên lề bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào thì nay hầu như đã tiêu tan sau khi Tokyo xác định lại các chính sách của họ để cho phép quân đội Nhật Bản được phép hành động tấn công như bắn hoả tiễn vào căn cứ của kẻ thù nếu cần thiết. Trong thời gian gần đây, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn đã tổ chức các cuộc tập trận chung thường xuyên hơn.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Và các công ty Nhật Bản đã bắt đầu giảm bớt các cam kết của họ ở Trung Quốc, đôi khi bằng cách tạo ra sự tách biệt lớn hơn giữa hoạt động của họ ở Trung Quốc và những nơi khác trên thế giới. Tokyo đã đồng ý tham gia vào các biện pháp hạn chế do Hoa Kỳ khởi xướng đối với việc xuất cảng thiết bị sản xuất chất bán dẫn loại tối tân sang Trung Quốc.

Chính sách ngoại giao của Phi Luật Tân dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte nghiêng nhiều về phía Trung Quốc thì nay mối quan hệ đó ngày càng lạnh nhạt hơn dưới sự lãnh đạo của ông Marcos.

Hồi tháng trước, các giới chức Phi Luật Tân cho biết lực lượng duyên phòng Trung Quốc đã sử dụng vũ khí bắn tia laser cấp quân sự để gây rối một nhiệm vụ tiếp tế của Phi Luật Tân gần một đảo san hô đang có tranh chấp trong khu vực Biển Ðông. Với hành động gây hấn của Trung Quốc sẽ chỉ khiến chính quyền Marcos mới lên cầm quyền ở Phi Luật Tân bắt buộc phải chọn Hoa Kỳ là đồng minh để đối đầu lại với Trung Quốc.

Ông Emanuel, đại sứ Hoa Kỳ tại Tokyo, cho biết việc Trung Quốc liên tục áp dụng chính sách áp lực kinh tế và cách giải quyết đại dịch Covid-19 của nước này đang ngày càng thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ và các đồng minh.

Liên minh Nga Trung

Tập Cận Bình đang chuẩn bị một chuyến công du thăm Moscow trong những tháng tới và điều này cho thấy Trung Quốc không còn đứng ở vị trí trung lập như họ vẫn thường tuyên bố mà nghiêng hẳn về phía Nga trong khi cuộc chiến tại Ukraine vẫn còn đang tiếp tục.

Nhìn từ những góc độ này cho ta thấy một trật tự mới đang thành hình từ Âu sang Á kể từ khi Nga xâm lăng Ukraine cách đây hơn một năm: Một bên là Hoa Kỳ và đồng minh Âu-Á; một bên là Nga và Trung Quốc.

Thượng đỉnh G7 tại Đức năm 2022 – DW.com

VH