Trong suốt tuần qua người dân Miến Điện đã đổ xuống đường biểu tình chống lại cuộc đảo chánh của quân đội tước lấy quyền lãnh đạo của chính phủ do dân bầu và bắt giam nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.

nguồn EPA/Shutterstock 

Ðể dẹp người biểu tình, cảnh sát đã sử dụng đạn cao su và vòi rồng bắn vào đoàn biểu tình gây thương tích cho nhiều người và gây thêm lo ngại đàn áp sẽ gia tăng trong những ngày sắp tới. Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về hành động của cảnh sát trong mấy ngày qua, nói rằng việc sử dụng vũ lực một cách không thích hợp là không thể chấp nhận được, và chính phủ Hoa Kỳ cũng đã lên án hành vi bạo lực đối với người biểu tình.

Hàng nhiều chục ngàn người đã tham gia vào các cuộc xuống đường tuần hành chống lại việc quân đội tước quyền lãnh đạo xảy ra vào hôm 1 tháng Hai, cũng là ngày bắt đầu cho nhiệm kỳ hai của chính phủ do bà Suu Kyi lãnh đạo. Vụ đảo chánh đã chấm dứt tiến trình dân chủ tại Miến Ðiện bắt đầu từ một thập niên trước và đặt quốc gia này trở lại dưới sự kiểm soát của quân đội, và cũng chính họ đã từng nắm quyền cai trị Miến Ðiện trong suốt nhiều thập niên kể từ khi giành được độc lập từ tay người Anh vào năm 1948. Trong những năm quân đội thống trị trước đây, lực lượng an ninh đã phải sử dụng đàn áp, bắt bớ, dùi cui, dân quân và súng để dập tắt các cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ của người dân trong nước.

Yêu sách của người biểu tình là đòi quân đội phải thả ngay bà Suu Kyi. Trong bài diễn văn đọc vào tối hôm Thứ Hai 8/2, người cầm đầu cuộc đảo chánh là tướng Min Aung Hlaing nói rằng cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức trong tương lai, tuy nhiên ông tướng không cho biết thêm chi tiết cuộc bầu cử sẽ theo hình thức nào và ai sẽ được quyền ra ứng cử.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy là những giới chức thẩm quyền quân đội có thể sử dụng vũ lực mạnh hơn để đàn áp các cuộc biểu tình đã ngày càng thu hút đông người tham gia hơn. Trong khi các cuộc xuống đường gia tăng tại nhiều thị trấn và thành phố trên khắp Miến Ðiện, một thông điệp có thể xem như một lời cảnh cáo đã xuất hiện trên đài truyền hình nhà nước, nói rằng quân đội sẽ có hành động để chống lại những cá nhân nào đang làm xáo trộn sự ổn định của đất nước và những người vi phạm pháp luật sẽ không được dung thứ. Liền sau đó, giới chức thẩm quyền đã ra lệnh cấm biểu tình ở một số nơi tại hai thành phố lớn nhất nước là Yangon và Mandalay.

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

Mặc dù vậy người dân vẫn tiếp tục xuống đường. Tại Yagon, bất chấp lệnh cấm tụ tập, người biểu tình đứng dàn hàng đối mặt với cảnh sát và binh lính, hô to những khẩu hiệu. Tại thủ đô Naypyitaw, cảnh sát đã sử dụng vũ lực để giải tán đám đông và tình hình trên đường phố trở nên bạo loạn.

Người biểu tình chống cuộc đảo chánh của quân đội Miến Điện – nguồn Zuma Press

Cuộc đảo chánh và việc bắt giữ bà Suu Kyi được giới quan sát quốc tế cho là do từ kết quả của cuộc bầu cử hồi tháng 11 với đảng Liên minh Quốc gia cho Dân chủ (NLD) của bà đã thắng áp đảo. Kết quả của cuộc bầu cử đã gây bất ngờ cho đảng đối lập được sự hậu thuẫn của quân đội. Theo giới chức của đảng này, những cuộc thăm dò nội bộ trước đó được dự kiến là họ có thể đạt được nhiều phiếu hơn so với kết quả chính thức. Tướng Min Aung Hlaing, người lãnh đạo quân đội, cũng bày tỏ tin tưởng rằng đảng đối lập sẽ gặt hái được kết quả tốt hơn so với thực tế.

Theo một số phân tích gia từng nghiên cứu về quân đội Miến Ðiện, khi giới tướng lĩnh quân đội quyết định chuyển sang dân chủ hoá đất nước một thập niên trước, họ dự kiến là họ vẫn có thể kiểm soát được tiến trình chuyển hướng này, và việc bà Suu Kyi lên nắm quyền không nằm trong kế hoạch. Trong cuộc bầu cử năm 2015, họ đã chịu khoan nhượng, nhưng lại thất bại nặng nề thêm lần nữa trong cuộc bầu cử vừa qua thì họ nhận ra một điều rõ ràng rằng đảng NLD sẽ còn cầm quyền lâu dài.

Xem thêm:   Biden & Trump

Trong năm năm qua, đảng của bà Suu Kyi vẫn thường xuyên lo ngại về một cuộc đảo chánh sẽ xảy ra. Bà Suu Kyi và tướng Hlaing mặc dù phân chia quyền lực nhưng rất hiếm khi họ gặp mặt, và việc liên lạc giữa họ đôi khi là qua các phụ tá.

Tiến trình dân chủ hoá Miến Ðiện được thiết lập từ một thập niên qua dựa trên một thoả thuận là quyền lực được phân chia, với bà Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân sự trên thực tế, nắm quyền điều hành một chính phủ trong đó phía quân đội vẫn nắm giữ những vị trí then chốt như an ninh và quốc phòng.

Thoả thuận này nay đã đổ vỡ.

Học sinh, nhà hoạt động chính trị, bác sĩ, công nhân và nhân viên chính phủ cùng tham gia biểu tình – nguồn Getty Images

Cuộc đảo chánh vừa qua mà nhiều người lo ngại có thể kết thúc sự nghiệp chính trị của bà Suu Kyi và chấm dứt luôn cơ hội để đất nước Miến Ðiện dân chủ hoá, và sự kiện này khơi lại ký ức về những thăng trầm ngay từ những năm đầu khi bà Suu Kyi dấn thân vào con đường tranh đấu. Năm 1990, đảng vừa mới thành lập lúc đó của bà Suu Kyi cũng đã thắng lớn trong một cuộc bầu cử nhưng sau đó đã bị quân đội huỷ bỏ và tiếp tục nắm quyền cai trị thêm hai thập niên nữa. Vào thời điểm đó, các tướng lĩnh đã giam lỏng bà tại gia trước cuộc bỏ phiếu – là bước đầu đưa đến nhiều năm dài bị quản thúc trong cuộc sống cô lập – trong khi lần này, họ chờ cho đến sau khi có kết quả bầu cử mới ra tay.

Năm 2017, quân đội Miến Ðiện phát động chiến dịch bị thế giới lên án coi đó là hành động thanh tẩy chủng tộc với những cuộc bắn xả vào đám đông, đốt làng, hãm hiếp phụ nữ và xua đuổi gần một triệu dân thiểu số Hồi giáo Rohingya phải chạy qua nước láng giềng Bangladesh lánh nạn. Sự im lặng của bà Suu Kyi, và hơn nữa trong lần xuất hiện tại Toà án Công lý Quốc tế năm 2019, bà nói rằng vụ này đã bị thổi phồng quá mức, đã làm cho uy tín của bà giảm sút mạnh trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên, ở trong nước thì sự ủng hộ dành cho bà lại tăng. Trên thực tế, bà Suu Kyi có lẽ là niềm hy vọng lớn nhất có thể mang lại nền dân chủ cho Miến Ðiện. Nay niềm hy vọng đó đã bị dập tắt.

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Sự chuyển đổi của Miến Ðiện từ chế độ quân phiệt sang dân chủ bắt đầu một thập niên trước được coi là một chiến thắng chiến lược cho Washington ngay trong sân sau của Trung Quốc. Một phần là vì muốn giảm bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh, Miến Ðiện đã mở rộng cửa quan hệ ngoại giao và thương mại với phương Tây.

Cảnh sát sử dụng đạn cao su và vòi rồng để giải tán người biểu tình – nguồn AFP/Getty Images

Vụ đảo chánh vừa qua, diễn ra trong bối cảnh đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng tăng cường độ, đã làm nổi bật thêm về sự đối nghịch chiến lược đối ngoại của hai cường quốc. Và đồng thời nó đẩy Miến Ðiện lên vị trí tuyến đầu của một cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng căng thẳng để giành vị trí lãnh đạo toàn cầu.

Ðối với Bắc Kinh, nước láng giềng Miến Ðiện là cửa ngõ chiến lược đi vào Ấn Ðộ Dương, và là nguồn tài nguyên về khoáng sản, gỗ và nhiều thứ khác. Ống dẫn dầu và khí đốt của Trung Quốc từ tỉnh Vân Nam nằm sâu trong nội địa chạy xuyên qua Miến Ðiện dẫn tới Vịnh Bengal – là lộ trình Bắc Kinh muốn chuyển đổi thành một hành lang kinh tế rộng lớn hơn với sự kết nối giữa đường bộ và đường xe lửa.

Ðối với Washington, Myanmar là nơi mà các giới chức Hoa Kỳ nhìn thấy như là cơ hội để biến một quốc gia lạc hậu thành một đối tác, giành chiến thắng cho nền dân chủ và làm xói mòn ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tình hình tại Miến Ðiện đang đặt ra một tình huống khó xử về tiến trình dân chủ và nhân quyền tại quốc gia này, đồng thời cũng là thử thách đối với chính phủ Joe Biden. Tuy nhiên, nếu không phản ứng khéo léo và cấp thời, khả năng can dự của Hoa Kỳ sẽ giảm nếu để cho Miến Ðiện rơi dần trở lại vào quỹ đạo của Trung Quốc. Phản ứng của Mỹ đối với cuộc đảo chánh cần phải tính đến bối cảnh chiến lược ở châu Á. Ðiều đó sẽ đòi hỏi một chính sách ngoại giao thực tế chứ không chỉ là những lời phản đối suông rồi sau đó không làm gì hết.

VH