Hầu hết các thành phố tại Miến Điện rơi vào im lặng và ngưng hoạt động hôm 1 tháng 2 vừa qua. Các cửa hàng đóng cửa và hàng triệu người ở nhà không đi làm. Ngày hôm đó được coi là một “cuộc đình công thầm lặng” để đánh dấu đúng một năm cuộc đảo chính của quân đội đã kết thúc nền dân chủ sơ khai tại quốc gia vùng Đông Nam Á này.

Khẩu hiệu viết trên đường phố trong cuộc biểu tình tại Yangon – nguồn Reuters 

Theo lời Thura Aung, người tổ chức đình công tại thành phố Mandalay, nói với đài Á châu Tự do, “Ðã một năm rồi nhưng nhóm hội đồng quân nhân vẫn chưa kiểm soát được đất nước. Sức mạnh vẫn nằm trong tay người dân. Luật pháp và trật tự vẫn nằm trong tay người dân.”

Trong cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 năm 2021, rất nhiều giới chức dân cử, chính trị gia và bộ trưởng của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã bị quân đội bắt giữ. Nhiều cuộc biểu tình rầm rộ đã nổ ra khắp nơi trên đất nước Miến Ðiện chỉ ít ngày sau khi chính phủ của bà Aung San Suu Kyi bị lật đổ. Và trong khi lực lượng an ninh phần lớn cho phép người dân tổ chức những cuộc xuống đường ôn hoà trong mấy tuần lễ đầu thì nhóm quân phiệt đã phát động những cuộc đàn áp ngày càng tàn bạo hơn để dẹp người biểu tình vào thời điểm cuối tháng.

Kể từ đó đến nay, tình trạng bạo động trong nước ngày càng gia tăng, với nhiều cuộc đụng độ giữa các nhóm dân sự ngày càng có tổ chức hơn, như nhóm Lực lượng Phòng vệ Nhân dân, và phía quân đội đưa đến nhiều vụ đổ máu và tàn phá. Theo nhận định của đài BBC, nay cường độ và mức độ bạo động, cũng như sự phối hợp các cuộc tấn công của phe đối lập, cho thấy bản chất của cuộc xung đột đã chuyển “từ một cuộc nổi dậy sang thành một cuộc nội chiến”.

Dân quân thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhân dân của phong trào nổi dậy tại Miến Điện – nguồn Getty Images

Trong các cuộc đàn áp, quân đội đã quay mũi súng vào người dân đi biểu tình, cho dù đó là người thuộc sắc tộc Bamar đa số hay những sắc tộc thiểu số khác. Và khi sự kháng cự của người dân không có dấu hiệu giảm xuống, quân đội bắt đầu tấn công vào các thị trấn và làng mạc và tàn sát không nương tay bất kỳ người biểu tình nào mà họ nhìn thấy. Hành động này vô tình đã đẩy người dân Miến Ðiện, với đủ mọi thành phần sắc tộc khác nhau, vào một tình thế phải kết hợp lại. Nay họ đã nhận ra kẻ thù chung là quân đội và mục tiêu chung là giành lại quyền kiểm soát đất nước. Sự kết hợp này là một thành tựu đáng kể trong một đất nước với một lịch sử thù hận sắc tộc kéo dài qua biết bao nhiêu thế hệ trước đó.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Sự chuyển hướng này cũng được nhìn thấy trong các tổ chức chính trị. Sau vụ đảo chánh, các nhà lập pháp của đảng NLD bị lật đổ đã thành lập một chính phủ trong bóng tối có tên gọi là Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG). Họ hứa rằng chính phủ này sẽ khác, về hình thức cũng như nội dung, so với chính phủ vừa bị lật đổ. Bà Aung San Suu Kyi đã không đạt được lòng tin của các nhóm sắc tộc thiểu số, họ tỏ ra thất vọng khi bà không chịu phân bổ quyền lực từ chính phủ trung ương. Một số chính trị gia gốc Bamar cũng bị vỡ mộng khi thấy bà Suu Kyi điều hành đảng NLD có phần nào độc tài, từ chối phân chia quyền hành với những nhân vật bên ngoài cái vòng tròn nhỏ bao gồm số ít người thân tín.

Ngược lại, chính phủ bóng tối NUG nay đã chịu lắng nghe ý kiến phê bình, là một tập hợp với sự tham gia của nhiều người trẻ và người sắc tộc thiểu số, và tất cả mọi quyết định là dựa trên sự đồng thuận chung. Họ đã bãi bỏ một cách tượng trưng bản hiến pháp hiện thời, là hiến pháp được ban hành bởi chính quyền quân phiệt trước đó vào năm 2008, và hứa sẽ hình thành một nhà nước liên bang và cấp quyền công dân cho người thiểu số Rohingya. Với giọng điệu hòa giải và cách tiếp cận toàn diện này có thể nói đã đánh dấu “một kỷ nguyên chính trị mới”, như lời nhận định của một nhân vật có chân trong chính phủ NUG.

Đụng độ trên đường phố – nguồn NYT

Kể từ cuộc đảo chính đến nay, ít nhất có bốn nhóm nổi dậy đã cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các chính trị gia đảng NLD đang lẩn trốn quân đội, đề cử các thành viên của họ vào chính phủ NUG, tham gia các cuộc đàm phán về một hiến pháp mới và làm việc với chính phủ trong bóng tối để cung cấp viện trợ nhân đạo cho người tị nạn. Họ cũng hợp tác trên chiến trường, giúp chính phủ NUG có được vũ khí và cố vấn cho các nhân vật lãnh đạo chính phủ bóng tối về chiến lược quân sự. Số lượng dân quân gốc Bamar trung thành với chính phủ bóng tối, được gọi là Lực lượng Phòng vệ Nhân dân, đã tăng lên. Các nhóm nổi dậy nhận trách nhiệm huấn luyện những người nổi dậy này và thậm chí chiến đấu cùng với họ. Mức độ hợp tác này giữa người Bamar và các nhóm sắc tộc thiểu số là điều chưa từng có trong lịch sử của Miến Ðiện.

Xem thêm:   Chó...

Trong khi đó thì quân đội Miến Ðiện hiện đang phải chiến đấu trên nhiều mặt trận: trong thành phố, nơi các nhóm chiến đấu ẩn náu đánh bom gần như mỗi ngày; ở vùng trung tâm miền xuôi, nơi sinh sống của người gốc Bamar, với nhiều cuộc đụng độ vũ trang mà trước đây chưa từng xảy ra; và ở một số vùng ngoại vi do các sắc dân thiểu số kiểm soát. Tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng. Nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Chính phủ quân phiệt đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng và có thể không còn đủ khả năng để trả lương cho các công chức còn tại vị. Có thể nói Miến Ðiện đã bước vào giai đoạn hỗn loạn không còn cai trị được nữa.

Chợ đóng cửa tham gia cuộc đình công thầm lặng – nguồn AP

Mặc dù chính quyền quân phiệt không còn làm chủ được tình hình nhưng điều này không có nghĩa là họ có khả năng bị các lực lượng nổi dậy đánh bại nay mai, ít nhất là theo cách hiểu thông thường. Quân đội vẫn có trong tay nhiều lính và vũ khí hơn. Các lực lượng chống đối bị phân tán mỏng trên khắp nước, và chưa được đặt dưới bất kỳ cơ cấu chỉ huy thống nhất nào. Cho đến nay người ta vẫn chưa thấy phong trào nổi dậy có được sự hướng dẫn bởi một chiến lược quân sự lớn nào. Ðể giành được chiến thắng, phong trào nổi dậy sẽ không thể chỉ dựa vào các đoàn quân kháng chiến tiến về thủ đô.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Thay vào đó, chiến thắng sẽ phải bao gồm áp lực phối hợp từ nhiều phía, buộc quân đội phải rút ra khỏi nhiều khu vực trên khắp nước, một tiến trình sẽ làm suy yếu tinh thần và gây chia rẽ giữa những người đứng đầu của chính phủ quân phiệt, cuối cùng có thể dẫn đến chia rẽ nội bộ. Tuy nhiên, kết quả nói trên có thể sẽ phải mất nhiều năm mới đạt được, và có lẽ cũng còn tuỳ thuộc ở chính phủ trong bóng tối hiện nay có thuyết phục được các nhóm sắc tộc thiểu số, mà nhiều người trong số đó vẫn còn đang chờ lành lại vết thương quá khứ do thù hận sắc tộc gây ra, đặt tin tưởng nơi họ. Một điều rõ ràng là trong cuộc đấu tranh giành lòng tin và sự ủng hộ của khối người gốc Bamar đa số cũng như âm mưu chia rẽ sắc tộc của chính quyền quân phiệt đã bị thất bại.

Và cuộc đình công thầm lặng trong tuần qua, dù chỉ kéo dài trong một ngày, là một lời nhắc nhở và cũng là bài học cho chúng ta thấy là người dân Miến Ðiện đã vượt qua khỏi sự sợ hãi của chính họ, biết đoàn kết và hợp lực vào cùng một khối để đòi lại quyền tự do mà họ bị cướp mất đúng một năm trước đây.

VH