Philippines là đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ tại Á Châu. Vịnh Subic từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở ngoại quốc. Mặc dù trải qua nhiều sóng gió vì những lý do chính trị nhưng liên minh này vẫn tồn tại cho đến 4 năm trước thì mối quan hệ suýt nữa thì tan vỡ.
Chính phủ Philippines tuyên bố muốn rời khỏi hiệp ước phòng thủ lâu năm giữa hai quốc gia. Tổng thống lúc đó là ông Rodrigo Duterte muốn thay đổi chính sách và ủng hộ việc xây dựng mối quan hệ thân thiện với Bắc Kinh.
Hiện nay, liên minh này đang đứng ở vị thế vững vàng nhất so với nhiều thập niên qua. Bước ngoặt đáng chú ý là kết quả của một loạt sự kiện, trong đó chính yếu là chính sách đối ngoại nghiêng về Châu Á của Hoa Kỳ, Manila có một nhà lãnh đạo mới và các hành động gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Philippines ở khu vực Biển Đông.
Có khoảng 16,000 binh lính Hoa Kỳ và Philippines đang được huấn luyện trong cuộc tập trận thường niên mang tên Balikatan, bắt đầu vào ngày 22/4 và sẽ có sự góp mặt của bệ phóng hoả tiễn tinh vi Himars và hoả tiễn phòng không Stinger của Mỹ. Mục đích của cuộc tập trận này là để bảo đảm rằng cả hai quân đội có thể hoạt động nhịp nhàng và đồng bộ trong trường hợp phải cùng nhau tham chiến.
Nối lại quan hệ
Hồi đầu tháng 4, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có chuyến công du thứ hai tới Toà Bạch Ốc trong vòng chưa đầy một năm. Vài ngày trước đó, tàu hải quân và máy bay của quân đội Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Philippines đã tổ chức tập trận chung ở Biển Đông – nhằm phô trương sức mạnh lực lượng để ủng hộ Manila. Vài tuần trước đó, trong chuyến đi tới Philippines, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã ca ngợi điều mà ông gọi là sự mở rộng phi thường trong mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Sự thay đổi này đánh dấu một thắng lợi to lớn trong chiến lược của chính phủ Biden nhằm chống lại Trung Quốc bằng cách củng cố mối quan hệ và hợp tác an ninh với các đồng minh của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Năm ngoái, chính phủ Manila cho phép quân đội Hoa Kỳ được sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự của Philippines, nâng tổng số lên thành 9 căn cứ. Một vài căn cứ trong số đó nằm ở những địa điểm có thể rất quan trọng nếu xung đột nổ ra ở Biển Đông hoặc ở eo biển Đài Loan, là hai điểm nóng nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Các căn cứ này không do Hoa Kỳ kiểm soát, nhưng chúng là những địa điểm mà quân đội Mỹ sẽ được quyền sử dụng trong thời gian xảy ra chiến tranh để dàn trải lực lượng, làm nơi phóng phi cơ và hoả tiễn, đồng thời tạo thêm phức tạp đối với các tính toán chiến lược của Bắc Kinh.
Washington hiện đang chi ra hàng chục triệu đô la vào việc nâng cấp các đường băng, xây dựng nhà kho, kho chứa nhiên liệu và doanh trại tại nhiều địa điểm. Chính phủ Biden cũng đang yêu cầu để được nhận thêm $128 triệu từ ngân sách cho các công việc xây dựng nói trên.
Các địa điểm này thể hiện nỗ lực của hai bên trong việc xây dựng các cơ sở quân sự để quân đội hai nước có thể hoạt động và cùng nhau tập luyện. Điều này rất quan trọng vì Hoa Kỳ chỉ có một số ít căn cứ hiện đang hoạt động trong khu vực.
Vị trí chiến lược của Philippines
Theo nhận định của một số chuyên gia nghiên cứu, Philippines là một lựa chọn hoàn hảo là vì vị trí của quốc gia này nằm ở trung tâm của chuỗi đảo thứ nhất, là ám danh quân sự của Hoa Kỳ nhằm chỉ dải lãnh thổ trải dài từ quần đảo Nhật Bản qua Đài Loan đến Philippines và Biển Đông.
Quân đội Hoa Kỳ đang ngày càng quen thuộc hơn với các căn cứ quân sự của Philippines thông qua lịch trình tập trận dày đặc. Tham gia vào cuộc tập trận Balikatan là một nhóm thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được thiết kế để sẵn sàng tung ra đối trận trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc và để dễ dàng di chuyển từ đảo này sang đảo khác một cách nhanh chóng. Các thành viên của Trung đoàn Thủy quân Lục chiến Duyên hải của Hoa Kỳ sẽ huấn luyện trên các đảo của Philippines chỉ cách Đài Loan chưa đầy 100 dặm.
Trong một tín hiệu tích cực khác, một bệ phóng hoả tiễn tầm trung mới nhất của quân đội Hoa Kỳ đã được đưa tới Philippines trong tháng 4 vừa qua để thực hiện việc lắp đặt đầu tiên trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Từ khu vực phía bắc Philippines, hệ thống vũ khí mang tên Typhon này có thể bắn tới các mục tiêu bao gồm Đài Loan, các căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông, các địa điểm dọc theo vùng duyên hải Trung Quốc và thậm chí một số cơ sở hạ tầng quân sự nằm sâu hơn trong lãnh thổ đại lục.
Cuộc đối đầu Philippines-Trung Quốc
Tất cả các diễn tiến nói trên đã diễn ra đặc biệt nhanh chóng chỉ trong thời gian một năm qua. Trung Quốc đang ngày càng gây khó khăn cho Philippines trong việc tiếp tế cho tiền đồn quân sự mà Manila duy trì và trấn đóng trong khu vực Biển Đông, trên một rạn san hô mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền. Các tàu tuần duyên và dân quân hàng hải của Trung Quốc, trong hai trường hợp, đã cố tình gây va chạm với các tàu tiếp tế của Philippines và dùng vòi rồng bắn vào họ, khiến một số thủy thủ Philippines bị thương vào tháng 3 vừa qua.
Để đối lại, Philippines đã cho phổ biến các đoạn phim quay lại cảnh tấn công của Trung Quốc cho thế giới biết và tìm cách xích lại gần Hoa Kỳ hơn. Đổi lại, Washington đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ việc làm của Philippines để chứng tỏ Hoa Kỳ là một đồng minh đáng tin cậy, đủ sức để ngăn chặn Trung Quốc gây thêm áp lực và bảo đảm Biển Đông vẫn tiếp tục là khu vực tự do hàng hải.
Nhìn lại quá khứ
Năm 2012, Trung Quốc bất ngờ đưa hải quân tới chiếm giữ một địa điểm ở khu vực Biển Đông và sự kiện này đã tạo ra thử thách cho mối quan hệ đồng minh Hoa Kỳ-Philippines. Ở đằng sau hậu trường, Hoa Kỳ đã có các cuộc đàm phán với Trung Quốc để giải quyết tình trạng đối đầu kéo dài trong nhiều tuần lễ giữa các tàu Trung Quốc và Philippines liên quan đến bãi cạn Scarborough. Kết quả là Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát địa điểm này khiến Manila bực tức và cảm thấy Hoa Kỳ đã không làm đủ để bảo vệ đồng minh của họ.
Mối quan hệ ngày càng xấu đi sau khi ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền ở Philippines vào năm 2016. Duterte đã không giấu diếm sự thiếu tin tưởng vào đồng minh Hoa Kỳ, ra lệnh hạn chế các cuộc tập trận quân sự giữa hai bên và ngăn việc Hoa Kỳ cho nâng cấp các căn cứ quân sự của Philippines. Ông Duterte còn cố tình đánh giá thấp tình trạng căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông, là nơi lúc đó Trung Quốc đang thực hiện việc xây dựng để biến các bãi san hô thành căn cứ quân sự của họ.
Đến khi Hoa Kỳ bắt đầu coi Trung Quốc là mối đe dọa số 1, chính quyền Donald Trump đã tìm cách giải quyết một số bất bình kéo dài giữa hai nước. Năm 2019, Washington đã đưa ra lời khẳng định rõ ràng rằng hiệp ước phòng thủ chung được áp dụng trong trường hợp nếu Philippines bị tấn công ở Biển Đông – một quan điểm mà chính quyền Biden cũng đã lặp đi lặp lại hàng chục lần kể từ đó.
Hướng tới tương lai
Cuộc bầu cử năm 2022 của ông Marcos mở ra cơ hội – và Hoa Kỳ đã nắm ngay lấy. Tổng thống Biden đã gặp trực tiếp ông Marcos bên lề một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc ít tháng sau đó, đánh dấu cuộc gặp mặt đầu tiên trong tổng cộng 7 cuộc gặp cho đến nay giữa Marcos và Biden hoặc với Phó Tổng thống Kamala Harris. Một loạt các giới chức quân sự và ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã được gửi tới Philippines kể từ năm 2022.
Hoa Kỳ có bầu cử tổng thống vào cuối năm nay và cho dù ai thắng – Biden hay Trump – thì cả hai đều hiểu rõ được tầm mức quan trọng của liên minh quân sự để chống lại Trung Quốc tại Biển Đông. Để đối đầu với một nước lớn như Trung Quốc thì cần có một đồng minh mạnh như Hoa Kỳ hỗ trợ và chính phủ Philippines biết được điều đó khi đứng ở vị trí một nước nhỏ. Khi nào thì Hà Nội mới hiểu ra điều này thay vì cứ theo đuổi mãi chính sách đu dây và nhượng bộ.
VH