Nếu mọi người tạm gác quan điểm chính trị sang một bên và đặt tổ quốc lên trên hết, thì ủng hộ cho đảng nào trong cuộc bầu cử vừa qua cũng vẫn có thể tự hào về một cuộc chuyển giao quyền lực một cách hoà bình từ một đảng này qua một đảng khác, thể hiện dấu hiệu của sức mạnh của một nền dân chủ thực sự trưởng thành.

Quang cảnh tại Washington DC trong ngày tuyên thệ nhậm chức tổng thống 2021 nguồn Business Insider 

Buổi lễ diễn ra tại mặt tiền của toà nhà quốc hội Capitol được mô tả mang một bầu không khí trang nghiêm. Những nghi thức đã gửi đi thông điệp đến toàn thể quốc dân cũng như với thế giới bên ngoài về cái sức mạnh được xây dựng trên những định chế vững chắc làm nền tảng cho nước Mỹ, mặc dù vừa trải qua một cuộc bầu cử gay cấn và có phần gay gắt, thậm chí rối loạn.. Người ngoài thường đánh giá sai về những sinh hoạt chính trị ồn ào và đôi khi tưởng như hỗn độn của nước Mỹ, và cho rằng đó là nhược điểm của một thể chế dân chủ. Nhưng thường những “người ngoài” luôn phải hối hận về sự sai lầm của họ.

Nước Mỹ vẫn luôn thay đổi để vươn lên. Nếu người lãnh đạo đất nước không đáp ứng được nguyện vọng của số đông, thì trong vòng 4 năm sẽ có sự lựa chọn khác.

Trong bài diễn văn nhậm chức của ông Biden, chủ đề chính nói chung là lời kêu gọi sự đoàn kết. Ðể có thể đoàn kết như lời ông kêu gọi, người ta còn chờ xem cách ông vận hành ra sao, những chính sách nào trong 4 năm tới. Bất cứ một tổng thống nào mới nhậm chức cũng đều gặp ít nhiều thử thách, và một cường quốc như nước Mỹ thì sự thử thách càng khốc liệt hơn. Với riêng ông Biden, những thử thách mà ông sắp phải đối diện có lẽ còn khó khăn hơn nữa.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và văn bản luận tội Tổng thống Trump – photo Alex Brandon / Associated Press

Trước hết hãy nói đến lời kêu gọi đoàn kết. Trong suốt chiến dịch tranh cử từ sơ bộ cho đến cuộc tổng tuyển cử, và kể cả từ khi giành chiến thắng, ông Biden vẫn luôn nói tới đoàn kết quốc gia, hứa sẽ cùng làm việc chung với người của đảng Cộng hoà và vượt ra khỏi tình trạng chia rẽ chính trị của mấy năm gần đây.

Xem thêm:   Hậu quả của chính sách một con

Nói thì như vậy nhưng đây không phải  là dễ dàng. Trước cuộc bầu cử, một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy gần 90% cử tri bầu cho ông Trump nói rằng nếu như ông Biden thắng thì điều này sẽ mang lại sự tổn hại lâu dài cho đất nước, và ngược lại, cũng gần bằng tỷ lệ đó với những cử tri bầu cho ông Biden nói như thế nếu như ông Trump thắng.

Nay lại còn có thêm vụ đàn hặc Tổng thống Trump lần thứ hai được phát động từ phía đảng Dân chủ sẽ gây thêm nhiều khó khăn hơn nữa cho nỗ lực đoàn kết quốc gia. Những người của đảng Dân chủ nói rằng việc kết tội ông Trump vì đã “kích động nổi dậy” trong cuộc biểu dương trước khi cuộc tấn công vào Ðiện Capitol là việc làm cần thiết. Nếu như bị kết tội, mặc dù điều này được cho là khó có thể xảy ra, sẽ ngăn cản cựu tổng thống tái tranh cử. Một số nhân vật lãnh đạo của đảng Cộng hoà đã cảnh cáo rằng, nếu ông Biden để cho phía đảng Dân chủ tiếp tục tiến hành vụ đàn hặc thì họ coi đó như là dấu hiệu lời kêu gọi đoàn kết của ông chỉ là những lời nói suông.

Buổi lễ nhậm chức trước toà nhà quốc hội – nguồn New York Times

Ông Biden nhậm chức trong bối cảnh trận đại dịch vẫn đang hoành hành khắp nơi, đe dọa sức khỏe của người dân và kinh tế quốc gia, và mối đe doạ này sẽ là ưu tiên cần phải giải quyết càng sớm càng tốt.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Ông Biden và quốc hội mới, nay dưới sự kiểm soát khít khao của đảng Dân chủ, đã cùng đồng ý đưa ra thêm kế hoạch kích thích kinh tế, và riêng về phía Toà Bạch Ốc thì muốn chính phủ liên bang nắm giữ vai trò giám sát tích cực hơn trong việc phân phối và cung cấp thuốc chủng ngừa vi khuẩn corona. Trong khi chính sách trước đây của ông Trump là để các tiểu bang tự điều hành việc tiêm chủng, tuy nhiên chính sách này nay mai sẽ mất hiệu lực.

Công việc tiêm chủng hiện nay đã bị chậm trễ hơn so với kế hoạch ban đầu, và chắc chắn nó sẽ còn gặp nhiều gập ghềnh vì bị lệ thuộc vào việc cung cấp thuốc từ các công ty bào chế.

Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris – nguồn Getty Images

Tuy nhiên, thử thách lớn nhất của chính phủ Biden sắp tới chính là đối đầu với Trung Quốc. Hành vi của Bắc Kinh trong mấy năm gần đây đã đưa đến mức độ báo động mà cho dù là chính sách của đảng nào thì cũng cần có một chiến lược.

Mặc dù chính cá nhân ông Biden đã từng trực tiếp tham gia trong việc hoạch định chính sách về Trung Quốc dưới thời Barack Obama, và dù có ảo tưởng đến mấy thì chính ông và các cố vấn phải biết rằng Hoa Kỳ sẽ không thể quay trở lại với chính sách bắt tay hoà hoãn hợp tác với Bắc kinh như trước đây nữa. Tổng thống Trump và các cố vấn của ông đã hành động, nhưng đó chỉ là những bước đầu.

Xem thêm:   Biden & Trump

Một loạt những hành động của Trung Quốc – ăn cắp tài sản trí tuệ, hoạt động thương mại bất lương, gia tăng chi tiêu quân sự, bắt nạt các nước láng giềng, đàn áp Hồng Kông, xâm lấn nguy hiểm Biển Ðông, không ngần ngại làm bất cứ điều gì (gây áp lực, tin tặc) để đạt được ưu thế trong lãnh vực kỹ thuật.

Cái khó là làm thế nào tìm được một chính sách có sự ủng hộ của lưỡng đảng để vừa có thể đối đầu với Trung Quốc vừa không gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu trong khi vẫn duy trì được trật tự an ninh thế giới. Ðây không phải là công việc trong vài ngày hay vài tháng mà là công việc của cả một nhiệm kỳ.

VH