Với chiến thắng của ông Donald Trump để trở lại nắm quyền tại Toà Bạch Ốc và việc ông đề cử hai nhân vật có quan điểm diều hâu đối với Trung Quốc là Marco Rubio (Ngoại trưởng) và Mike Waltz (Cố vấn An ninh Quốc gia) cho thấy trước mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ còn căng thẳng hơn và mang tính đối đầu hơn.

theatlantic.com 

Theo nhận định của một số chuyên gia về đối ngoại, mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc vào thời điểm hiện tại hoàn toàn khác so với thời điểm khi ông Trump nhậm chức lần đầu vào năm 2017. Trước nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, giới lãnh đạo tại Washington đã cố gắng bỏ qua những quan điểm dị biệt với Bắc Kinh để nhằm tìm cách đưa Trung Quốc dần đi vào một hệ thống trật tự toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo.

8 năm sau, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã cùng gặp nhau ở một điểm chung về một lập trường cứng rắn hơn nhiều, mà phần lớn là từ kết quả trực tiếp của những lời tuyên bố và hành động mạnh mẽ chống lại Bắc Kinh của ông Trump – và cũng từ những chính sách đối đầu quyết liệt không kém từ phía Trung Quốc. Tổng thống Biden trong gần 4 năm qua cũng vẫn tiếp tục duy trì các chính sách đối đầu với Bắc Kinh từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, mặc dù ông Biden cũng nói tới ưu tiên cho sự ổn định trong mối quan hệ giữa hai quốcgia.

Ông Trump ít có khả năng sẽ đưa ra những lời tuyên bố mang nặng tính cách ngoại giao như vậy. Trong các bài phát biểu trong thời gian vận động tranh cử, đôi khi ông mô tả Trung Quốc như là mối đe dọa hàng đầu và gợi ý sẽ áp thuế 60% đối với tất cả hàng nhập cảng từ Trung Quốc.

Mặc dù đã có những căng thẳng trong quá khứ, qua cuộc điện đàm, ông Tập Cận Bình đã gửi lời chúc mừng chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử vừa qua và nói với tổng thống đắc cử rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ được hưởng lợi từ sự hợp tác chung và sẽ bị thiệt hại nếu phải đối đầu với nhau.

Xem thêm:   Thế-giới đó-đây...

Trước đó, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Mao Ninh cũng đã thận trọng đưa ra lời kêu gọi về lợi ích chung giữa hai quốc gia cho dù ai là tổng thống.

Người dân Hồng Kông theo dõi bầu cử Hoa Kỳ – AFP

Đối đầu Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu

Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, với cuộc chiến thương mại chống lại Bắc Kinh là điểm nổi bật trong thời gian ông tại nhiệm. Ông Trump thường có những lời tỏ ra thân thiện khi nói về Tập Cận Bình và thể hiện sự nồng nhiệt trong các cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp giữa hai bên.

Tuy nhiên, giọng điệu đó thay đổi khi ông Trump phát động cuộc chiến thương mại vào tháng 1 năm 2018 và càng cứng rắn hơn khi xảy ra đại dịch Covid-19, có xuất xứ từ Trung Quốc, sau đó lan sang Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 2020, khiến Tổng thống Trump khi đó cáo buộc Bắc Kinh cố tình phát tán thứ mà ông gọi là “bệnh dịch” sang Hoa Kỳ.

Khi Tổng thống Biden nhậm chức, ông vẫn giữ nguyên lập trường của ông Trump về Trung Quốc, cũng như thuế quan nhập cảng. Tuy nhiên, giọng điệu ông Biden bớt gay gắt hơn và nói rằng ông muốn có mối quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh ngay cả khi ông thực hiện các biện pháp như hạn chế quyền tiếp cận các kỹ thuật mang tính nhạy cảm để nhằm kiềm chế nền kinh tế của Trung Quốc.

Trung Quốc, Đông Á và nhiệm kỳ hai Donald Trump

Xem thêm:   Khi tiền bỏ chạy

Trước thềm cuộc bầu cử 2024, nhiều giới chức Trung Quốc và ngay cả người dân thường cũng bày tỏ rằng họ không thấy có sự khác biệt trong các chính sách đối ngoại với Bắc Kinh giữa ông Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ.

Các giới chức Trung Quốc đặc biệt phản đối những gì họ coi là sự đạo đức giả của chính quyền Biden khi tuyên bố mong muốn cải thiện mối quan hệ trong khi ban hành các chính sách cứng rắn đối với họ.  Và hệ thống truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục mô tả Hoa Kỳ là kẻ hung hăng luôn tìm cách chống Trung Quốc, và tình trạng này có khả năng sẽ chỉ tăng thêm trong nhiệm kỳ hai của ông Trump.

Có điều Trung Quốc có thể hưởng lợi nếu chính sách của chính quyền Trump làm suy yếu mối quan hệ đối với các quốc gia liên minh với Hoa Kỳ. Một điểm đặc biệt khiến Bắc Kinh cảm thấy khó chịu trong những năm gần đây là chính sách đối ngoại của chính quyền Biden đã thúc đẩy các đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Âu và châu Á hướng tới lập trường đối đầu hơn với Trung Quốc.

Việc ông Trump có những lời lẽ khen ngợi Tập Cận Bình và kêu gọi tăng thuế quan đối với các đồng minh và yêu cầu họ chi nhiều hơn cho quốc phòng đã tạo ra sự bất an ở châu Á, nơi nhiều quốc gia láng giềng của Trung Quốc, trong đó có Nam Hàn, Nhật Bản và Philippines, phụ thuộc rất nhiều vào sự hậu thuẫn của Washington.

Marco Rubio, chính khách diều hâu đối với Trung Quốc – AFP

Chiến thắng của ông Trump ít nhiều cũng đã gây ra sự lo lắng đặc biệt ở Đài Loan, một quốc gia dân chủ đang phải đối mặt với mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh. Ông Biden ít nhất đã 4 lần nói rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công, mặc dù mỗi lần như vậy thì các cố vấn của ông lại phải tìm cách làm giảm bớt đi cường độ của những lời tuyên bố nói trên, lý do là vì từ lâu Hoa Kỳ vẫn duy trì một chính sách mơ hồ đối với Đài Loan.

Xem thêm:   Người so với người

Ngược lại, ông Trump đã từng chỉ trích đảo quốc dân chủ này, kêu gọi họ phải chi trả nhiều hơn cho việc phòng thủ và tự vệ. Ông cũng cáo buộc Đài Loan, quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất chất bán dẫn, là đã lấy mất đi nhiều việc làm của người dân Mỹ.

Mặc dù nhiều cố vấn về chính sách đối ngoại của ông Trump đã có những chuyến thăm cấp cao tới Đài Loan và chỉ trích chính quyền Biden đã không làm đủ để hỗ trợ cho Đài Loan, và bản thân ông Trump, trong những cuộc phỏng vấn gần đây, cũng đã nói tới khoảng cách địa lý gần gũi của Đài Loan với Trung Quốc đại lục – và khoảng cách xa của Đài Loan với Hoa Kỳ – là điều cần quan tâm về vấn đề an ninh của Đài Loan.

Tổng thống Lại Thanh Đức của Đài Loan cũng đã gửi lời chúc mừng ông Trump trên mạng xã hội X, bày tỏ sự tin tưởng rằng mối quan hệ giữa Washington và Đài Bắc, “được xây dựng dựa trên các giá trị và lợi ích chung, sẽ tiếp tục đóng vai trò là nền tảng cho sự ổn định của khu vực”.

Một điều hầu như ai cũng đồng ý rằng ông Trump là một người rất khó đoán, có những tuyên bố gây nhiều tranh cãi nhưng hành động thì trái hẳn lại, và điều này khiến không chỉ những chính quyền thù địch mà ngay cả đồng minh của Hoa Kỳ lắm khi cũng đứng ngồi không yên. Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Đông Á trong 4 năm tới chắc chắn sẽ còn nhiều điều bất ngờ.

VH