Kể từ khi chiến tranh tại Ukraine nổ ra, tất cả mọi diễn biến của cuộc chiến đều được người dân Đài Loan theo dõi rất sát. Hầu hết đều bày tỏ sự đồng cảm của họ đối với chính nghĩa bảo vệ đất nước của dân tộc Ukraine. Tuy nhiên, khi nói đến tương lai của chính đảo quốc này thì quan điểm của họ lại rất khác nhau.
Ðối với một số người dân, bài học rút ra từ cuộc chiến là ngay cả một kẻ thù dường như bất khả chiến bại vẫn có thể bị đánh bại nếu toàn thể xã hội cùng sát cánh bên nhau, và là nguồn cảm hứng cho nỗ lực của chính Ðài Loan nhằm chống lại cuộc xâm lăng có nguy cơ xảy ra từ Trung Quốc. Một số khác thì rút ra bài học ngược lại từ hình ảnh của những thành phố Ukraine bị thiêu rụi bởi bom và hoả tiễn Nga. Họ nói rằng bất cứ điều gì cũng tốt hơn là chiến tranh, và Ðài Loan nên làm tất cả những gì có thể để tránh chọc giận Bắc Kinh, ngay cả nếu cần thì phải chấp nhận thỏa hiệp.
Hai quan điểm gần như trái ngược này sẽ được đưa ra thi thố trong cuộc bầu cử tổng thống của Ðài Loan, diễn ra vào tháng 1 năm 2024, và sẽ định hình chính sách cải tổ hệ thống phòng thủ của Ðài Loan trong việc bảo vệ nền dân chủ của đảo quốc trong khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng tạo thêm áp lực. Sự quyết tâm tự bảo vệ của người dân và chính sách tăng cường sức mạnh quân sự của chính phủ Ðài Loan sẽ là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mức độ cam kết mà Hoa Kỳ sẽ can dự về mặt quân sự nếu Bắc Kinh cố tình chiếm lấy hòn đảo, với dân số 24 triệu người, tương đương bằng một tỉnh nhỏ của Trung Quốc – và cũng là nơi sản xuất chất bán dẫn tân tiến nhất của thế giới.
Trước đe doạ từ Bắc Kinh
Trong khi Ðài Loan vẫn luôn sống dưới sự đe doạ bị xâm lăng kể từ khi đảng Cộng sản Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát đại lục vào năm 1949, với việc Nga tấn công vào Ukraine đã khiến nhiều người dân Ðài Loan nghĩ rằng chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào mà không cần báo trước. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã gia tăng bằng những lời lẽ hăm doạ nhắm tới Ðài Loan, nhắc lại nhiều lần rằng họ sẽ không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được điều mà họ gọi là việc “thống nhất đất nước”. Bắc Kinh cũng đã tăng cường các cuộc diễn tập thăm dò bằng hải quân và không quân xung quanh hòn đảo với mục đích nhằm làm hao mòn hệ thống phòng thủ của Ðài Loan.
Ðứng trước sự đe doạ đó, chính sách quốc phòng của Ðài Loan gần đây cũng đã có một số thay đổi. Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã cho gia tăng thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc bắt đầu từ năm tới, từ bốn tháng lên thành một năm, và tăng ngân sách chi tiêu quân sự với việc chính phủ Ðài Bắc đặt mua thêm vũ khí mới từ Hoa Kỳ, chẳng hạn như loại hoả tiễn chống hạm Harpoon. Trong khi bà Thái không được quyền tái tranh cử, ứng viên tổng thống của đảng cầm quyền của bà – đương kim Phó Tổng thống Lại Thanh Ðức (Lai Ching-te) – đã đưa ra những cam kết tương tự trong việc bảo vệ quyền tự trị của đảo quốc và chống lại sự đe doạ ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.
Trong khi đó thì phe đối lập là Quốc dân đảng lại theo quan điểm khác. Họ tin rằng họ có thể đối thoại với Trung Quốc. Ðối với họ, đối thoại chắc chắn sẽ làm giảm căng thẳng, bảo đảm không có chiến tranh xảy ra do cố ý hay tình cờ.
Riêng với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo nước này cũng đang theo dõi một cách đầy lo ngại trong khi quân đội Nga vấp phải hết thất bại này tới thất bại khác tại Ukraine, với con số thương vong khá cao, và một loạt những thất bại đó đã góp phần gây ra cuộc binh biến ngắn của tổ chức bán quân sự Wagner vào cuối tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, theo nhận định của một số giới chức Hoa Kỳ, cho tới nay vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy lãnh tụ Tập Cận Bình tỏ ra ít quyết tâm hơn trong việc chiếm lấy Ðài Loan chỉ vì những khó khăn mà Nga đang gặp phải.
Địa hình Đài Loan
Ðài Loan có được một hàng rào phòng thủ thiên nhiên kiên cố – với khoảng 100 dặm mặt biển – ngăn chia Ðài Loan với lục địa Trung Hoa, khiến cho bất cứ cuộc xâm lược nào cũng trở nên phức tạp hơn nhiều so với chiến thuật của Nga là xua các đoàn xe tăng vượt qua biên giới Ukraine hồi tháng 2 năm 2022. Các tàu và máy bay chở quân của Trung Quốc sẽ là mục tiêu của các loại hoả tiễn phòng thủ của Ðài Loan, và con số thương vong ban đầu của bất kỳ lực lượng xâm lược nào mà Trung Quốc tung ra có khả năng sẽ lên rất cao.
Tuy nhiên, địa hình của Ðài Loan là một hòn đảo cũng khiến việc bảo đảm nguồn cung cấp đạn dược và các nguồn cung cấp quan trọng khác, chẳng hạn như nhiên liệu để cho các nhà máy điện hoạt động, sẽ trở nên phức tạp hơn. Kích thước khá nhỏ của hòn đảo – chỉ chiếm khoảng 6% diện tích bề mặt của Ukraine – khiến cho việc hoạch định một chiến lược có chiều sâu sẽ khó khăn hơn nếu quân đội Trung Quốc thành công trong việc thiết lập một số tuyến đầu trên bãi biển, như hầu hết dự đoán của các nhà phân tích quân sự cho biết sẽ diễn ra.
Thử thách của Đài Loan
Hoa Kỳ không có nghĩa vụ ràng buộc phải bảo vệ Ðài Loan và từ lâu đã duy trì chính sách với một chiến lược không rõ ràng về vấn đề này, nhưng Tổng thống Biden đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo rằng, không giống như ở Ukraine, quân đội Hoa Kỳ sẽ can thiệp trực tiếp nếu Trung Quốc cố ý chiếm lấy hòn đảo này bằng vũ lực. Tuy nhiên, trước khi quân đội Mỹ kịp đưa quân tới, Ðài Loan sẽ phải tự mình chống lại những đợt tấn công đầu tiên của Trung Quốc. Nhiều giới chức và phân tích gia Hoa Kỳ cho biết, cho đến nay, mặc dù đã có những cải cách và tiến bộ gần đây, Ðài Loan vẫn chưa thực sự sẵn sàng.
Mặc dù đã được tăng cường trong năm qua, ngân sách quân sự của Ðài Loan vẫn chỉ bằng 2.4% tổng sản lượng GDP – so với hơn 3% của Hoa Kỳ, 4% của Ba Lan và khoảng 5% của Israel. Các giới chức phương Tây cho biết tính chuyên nghiệp và động lực của quân đội Ðài Loan mới chính là mối lo ngại. Trường đào tạo sĩ quan chính của đảo quốc nguyên thuỷ được thành lập với tên gọi Học viện Quân sự Hoàng Phố ở miền nam Trung Quốc vào thập niên 1920, phụ thuộc rất nhiều vào các giảng viên của Liên Xô. Các nhà phân tích quốc phòng cho biết, học thuyết và văn hóa quân sự kiểu Xô Viết lỗi thời cho tới nay vẫn tồn tại một phần lớn trong hàng ngũ quân đội Ðài Loan.
Ý thức từ người dân Đài Loan
Một vấn đề khác là trong thời gian Ðài Loan dưới sự cai trị độc tài của Tưởng Giới Thạch và quân đội Quốc dân đảng, người dân không mấy tin tưởng vào quân đội.
Kể từ khi đảng DânTiến của Tổng thống Thái Anh Văn, lên nắm quyền từ năm 2016, nổi lên từ cuộc vận động tranh cử ủng hộ dân chủ đối lại với kiểu cai trị của Quốc dân đảng thời thập niên 1980, một phần đã lôi cuốn và gây được ý thức của người dân Ðài Loan về sự khác biệt giữa họ với người dân đại lục.
Trong mấy năm qua, mối quan hệ quân sự-dân sự của Ðài Loan đã có nhiều thay đổi và tiến bộ. Quân đội hiểu rõ hơn trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ nền dân chủ của đất nước. Chính phủ cũng đang hiện đại hóa các chương trình đào tạo và huấn luyện, một phần bằng cách đưa các giảng viên ngoại quốc tới giảng dạy và cử một số đơn vị Ðài Loan tham gia các cuộc tập trận ở Hoa Kỳ.
Ý chí và quyết tâm của người dân Ðài Loan trong việc bảo vệ quyền tự do và dân chủ của họ sẽ được thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vào đầu năm tới. Chiến đấu hay thoả hiệp là quyết định của họ. Mà thoả hiệp, trong trường hợp này, cũng đồng nghĩa với đầu hàng. Họ chỉ có hai lựa chọn: một, trở thành một Ukraine kiên cường; hai, trở thành một Hồng Kông trước những viễn ảnh tăm tối.
VH