Cách đây khoảng 2 năm khi công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI tung ra sản phẩm chatbot ChatGPT và sự kiện này đã làm xôn xao thế giới kỹ thuật trong một thời gian và xác định vị trí tiên phong của Hoa Kỳ trong lĩnh vực kỹ thuật mới này. Rồi đùng một cái, hôm Chủ Nhật 26 tháng 1, công ty khởi nghiệp DeepSeek của Trung Quốc tung ra sản phẩm chatbot mô hình R1 hoạt động không thua kém ChatGPT khiến cho nhiều người nghĩ rằng khoảng cách biệt về kỹ thuật trí tuệ nhân tạo giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.
Câu hỏi ở đây là yếu tố nào đã khiến một công ty Trung Quốc chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt được những thành quả như trên: Kỹ sư của họ thật sự tài giỏi hay họ tìm được kẽ hở trong luật kiểm soát xuất cảng của chính phủ Hoa Kỳ và học lóm được những kỹ thuật mới của các công ty Mỹ? Câu trả lời có lẽ là cả hai.
Thành công bất ngờ của DeepSeek hé lộ cho thấy những vết nứt trong nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm kiềm chế tham vọng kỹ thuật của Trung Quốc, đưa ra những thách đố mới cho cả các giới chức ở Washington lẫn các công ty kỹ thuật ở Thung lũng Silicon phải xem xét lại các chính sách và đường lối nào hữu hiệu nhất để có thể duy trì vị trí tối thượng của Hoa Kỳ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Kiềm chế Trung Quốc
Chính phủ Biden đã cho áp dụng chính sách mà họ gọi là “sân nhỏ, rào cao” để đương đầu với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh kỹ thuật: Hoa Kỳ dựng lên những rào cản nghiêm ngặt để ngăn chặn các công ty Hoa Kỳ bán những loại chip tinh vi và các kiến thức kỹ thuật quan trọng khác mà Bắc Kinh có thể khai thác để tăng cường khả năng quân sự và tình báo của họ, nhưng mặt khác vẫn cho phép các hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường.
Những người ủng hộ chính sách này nghĩ rằng nó sẽ giúp Hoa Kỳ đi trước trong các lĩnh vực kỹ thuật như trí tuệ nhân tạo chẳng hạn.
Nhưng nay, công ty DeepSeek đã phá vỡ rào cản nói trên, tung ra một mô hình AI giá rẻ có thể sánh ngang với các thành tựu của các công ty Hoa Kỳ. Thành công của DeepSeek đã mở ra các cuộc tranh luận về việc liệu Hoa Kỳ có cần phải thay đổi chính sách hay tìm ra một giải pháp chung tốt nhất rút ra từ những quan điểm khác nhau để hướng tới tương lai.
Những người ủng hộ đường lối cứng rắn chống lại Trung Quốc cho rằng DeepSeek đã có thể đã lợi dụng những kẽ hở trong các lệnh cấm thời gian đầu khi chính phủ Biden đưa ra để tích lũy các con chip mà đáng lẽ ra họ không được phép mua. Một số người cho rằng cách hợp lý nhất để tiến về phía trước là Washington cần phải tăng gấp đôi các lệnh cấm thậm chí còn nghiêm ngặt hơn nữa để bảo đảm rằng các công ty Trung Quốc không thể tiếp cận được với những kỹ thuật tiên tiến của Hoa Kỳ trong tương lai.
Những người khác thì cho rằng sự tiến triển của DeepSeek sẽ khuyến khích Trung Quốc nỗ lực hơn nữa để tung ra các sản phẩm AI mới để cạnh tranh với các công ty Mỹ bằng sản phẩm giá rẻ của họ.
Thắt chặt thêm kiểm soát
Trong số các cố vấn của Tổng thống Trump cũng chia làm hai phe và vẫn chưa rõ quan điểm của ai sẽ thắng thế. Một tuần trước đó, trong một bản ghi chép, chính quyền Trump cho biết họ đang xem xét các chính sách để duy trì vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ trong các phát minh AI và sẽ đưa ra đề nghị một chiến lược mới trong khoảng thời gian 6 tháng.
Sự thành công bất ngờ của DeepSeek cũng tạo thêm lý do cho những giới chức có quan điểm diều hâu với Trung Quốc trong chính quyền Trump bảo vệ và thúc đẩy chính sách cứng rắn của họ đối với Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực an ninh và kỹ thuật.
Alexandr Wang, tổng giám đốc của Scale AI, một công ty khởi nghiệp AI có trụ sở tại San Francisco, đã lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ cần thắt chặt các lệnh hạn chế xuất cảng để cho phép các công ty Hoa Kỳ tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong kỹ thuật AI. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng bên cạnh các biện pháp kiểm soát xuất cảng, Hoa Kỳ cần phải nỗ lực hơn nữa trong các phát minh mới để vượt xa đối thủ của mình.
Chính quyền Trump có thể thắt chặt các biện pháp kiểm soát thông qua các hạn chế bổ sung đối với quyền tiếp cận các thiết bị bán dẫn của Trung Quốc hoặc bằng cách yêu cầu các công ty sản xuất chip bổ sung thêm khả năng theo dõi vị trí của các thiết bị bán dẫn sau khi được bán ra để kiểm soát xem Trung Quốc có mua lại các thiết bị này qua một trung gian hay không.
Các giới chức Hoa Kỳ cũng có thể áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với các công ty sản xuất chip để buộc họ phải tuân thủ đúng theo các lệnh kiểm soát của chính phủ.
Mô hình R1
Sau khi ứng dụng chatbot của DeepSeek được tung ra đã vượt qua ChatGPT của OpenAI để giành vị trí số 1 trên Apple Store, và khiến thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ bị bốc hơi $1 nghìn tỷ chỉ trong ngày thứ Hai 17 tháng 1 trong đó có đại công ty Nvidia sản xuất chip AI bị mất hơn $500 tỷ. Tuy nhiên, mấy ngày sau đó thị trường tăng và ổn định trở lại. Tổng thống Trump gọi đó là “lời cảnh tỉnh”(wake-up call). Nhà đầu tư nổi tiếng Marc Andreessen mô tả đó là “khoảnh khắc Sputnik”, gợi lại cuộc cạnh tranh kỹ thuật thời chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong cuộc chạy đua thám hiểm không gian.
Theo đánh giá của các chuyên gia AI, mô hình R1 của DeepSeek được mô tả hoạt động có mức hiệu quả ngang bằng hoặc gần ngang bằng các mô hình AI hàng đầu của Hoa Kỳ trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp. Có điều R1 được sản xuất với chi phí chỉ bằng một phần rất nhỏ: ít hơn $6 triệu, theo DeepSeek, so với $100 triệu trở lên của các đối thủ cạnh tranh tại Hoa Kỳ.
Đối với các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ, cho tới thời điểm này, vẫn chưa hoàn toàn biết rõ sự thành công của DeepSeek phụ thuộc bao nhiêu vào việc được tiếp cận với các kỹ thuật của Hoa Kỳ và bao nhiêu đến từ các sáng kiến của riêng công ty. OpenAI cho biết vào hôm thứ Tư 29 tháng 1 rằng họ đang điều tra xem DeepSeek có sử dụng mô hình AI của OpenAI để đào tạo chatbot mới của họ hay không và Microsoft cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều nhóm người sử dụng ChatGPT có liên hệ với DeepSeek đã tải xuống rất nhiều dữ liệu của OpenAI.
Kẽ hở của Hoa Kỳ
Trong một bài báo nghiên cứu hồi tháng 12, DeepSeek cho biết họ đã sử dụng hơn 2,000 con chip H800 của Nvidia để đào tạo một trong những mô hình AI của họ. Nvidia đã tung ra thị trường chip H800, phiên bản rút gọn của con chip mạnh nhất của công ty vào thời điểm đó, để tuân thủ luật kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ được chính phủ Biden ban hành để nhằm làm chậm tiến trình phát triển kỹ thuật của Trung Quốc. Một năm sau, các giới chức Hoa Kỳ đã cấm hoàn toàn con chip này, nhưng DeepSeek đã có khoảng một năm để mua và tích lũy các con chip tinh vi này.
Các nhà nghiên cứu trong ngành như Dylan Patel, nhà sáng lập công ty nghiên cứu chip SemiAnalysis, cho biết chính sách của chính phủ Biden đã làm chậm tiến trình phát triển của Trung Quốc trong một số lĩnh vực kỹ thuật, trong đó bao gồm việc phát triển sản xuất chip tinh vi. Tuy nhiên, Patel cho biết các chính sách kiểm soát xuất cảng của Biden bị cản trở bởi sự chậm trễ và có kẽ hở, cho phép Trung Quốc tiếp tục tiếp cận trong một thời gian khá lâu với một số loại kỹ thuật cao bị cấm.
Hoa Kỳ đã thắng trong cuộc chạy đua không gian với Liên Xô hơn nửa thế kỷ trước. Cuộc chạy đua kỹ thuật AI với Trung Quốc lần này gay go hơn nhiều và cả hai bên đều nhận thức rằng ai thắng trong cuộc đua này sẽ trở thành cường quốc số 1 thế giới trong tương lai.
VH