Thứ Sáu ngày 24 tháng 2 đánh dấu đúng một năm kể từ khi quân đội Nga tràn qua xâm lăng Ukraine, cho đến nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu thực sự nào để mở ra một lối thoát cho cuộc xung đột. Không bên nào chứng tỏ là đã sẵn sàng để giành chiến thắng quân sự hoàn toàn, và tiến bộ trên bàn đàm phán dường như cũng khó xảy ra.

Kỷ niệm một năm chiến tranh Nga-Ukraine tại Kyiv – AP 

Mặc dù gần đây, không bên nào cho công bố số liệu, nhưng các nhà phân tích ước tính có khoảng 200,000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến cho đến nay. Nhìn qua phía Ukraine cũng đã chứng kiến khoảng 100,000 lính thiệt mạng hoặc bị thương trong chiến đấu và 30,000 thường dân thiệt mạng.

Trong khi đó, cả hai Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng không cho thấy có bất cứ dấu hiệu nhượng bộ nào hoặc tìm cách chấm dứt một trong những cuộc xung đột quân sự lớn nhất kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Ðối với những thường dân bị kẹt giữa hai lằn đạn, điều đó có nghĩa là họ còn tiếp tục phải chịu đổ máu và đau khổ do chiến tranh gây ra mà vẫn chưa có hồi kết rõ ràng.

Nga thất bại từ ngày đầu

Chỉ trong vòng vài ngày kể từ cuộc tấn công đầu tiên đúng một năm trước, chiến lược hiển nhiên của Nga là chiếm lấy thủ đô Kyiv nhanh lẹ và lật đổ chính phủ Zelensky nhưng đã phải đối mặt với một thực tế phũ phàng: Sự kháng cự của quân đội Ukraine mạnh hơn nhiều so với dự đoán, một phần nhờ vào nhiều năm được phương Tây huấn luyện và trang bị vũ khí cho. Trong khi đó thì các lực lượng của Moscow lại không đủ khả năng với nhiệm vụ được giao phó. Hình ảnh đoàn xe của quân đội Nga xếp thành một hàng dài đến 40 dặm bị kẹt dọc theo con đường xa lộ chính dẫn vào thủ đô Kyiv đã trở thành biểu tượng cho sự thất bại quân sự của điện Kremlin.

Sau thất bại đầu tiên, Nga chuyển mũi tấn công vào phía nam, nơi lực lượng của họ đã chiếm được thành phố Mariupol sau một cuộc bao vây tàn khốc trong nỗ lực để có thể kiểm soát được hành lang dọc theo bờ biển Hắc Hải nối liền bán đảo Crimea và vùng Donbas, hai khu vực mà Moscow đã xâm chiếm và sáp nhập vào năm 2014.

Xem thêm:   Qua sông chớ đoạn cầu

Tuy nhiên, cho đến cuối hè và bước vào mùa thu năm ngoái, lực lượng của Ukraine đã đánh trả lại trong một cuộc phản công mang lại kết quả bất ngờ, đánh bật lực lượng Nga ra khỏi một số khu vực phía nam và phía đông, đồng thời giải phóng thành phố trọng điểm Kherson.

Pháo được sử dụng tại khu vực Donbas – AFP

Chiến tranh bị bế tắc

Kể từ thời điểm đó, không bên nào có đủ khả năng để đạt được những bước tiến công đáng kể khác. Nga tiếp tục gây áp lực bằng các cuộc tấn công hoả tiễn và máy bay không người lái nhắm mục tiêu vào các thành phố và hạ tầng cơ sở của Ukraine. Nga cũng đã phát động một chiến dịch kéo dài trong nhiều tháng qua để cố chiếm cho bằng được thành phố Bakhmut ở phía đông, nhưng nỗ lực cũng không tạo ra được những khác biệt nào trên tấm bản đồ chiến thuật. Hơn một tuần lễ trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết một cuộc tấn công vào mùa xuân được dự kiến của quân đội Nga đã bắt đầu. Ukraine cũng đang tiến hành một cuộc phản công trong những tuần lễ tới.

Ðiều đáng chú ý là, mặc dù gặp nhiều thất bại, tham vọng của Putin vẫn không thay đổi kể từ khi ông ta xua quân qua biên giới Ukraine vào cuối tháng 2 năm ngoái. Thất bại nhục nhã của ông ta vì đã không chiếm được Kyiv trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến đã không ngăn cản ông ta tập hợp lại quân đội để chuyển hướng tấn công sang khu vực miền đông của Ukraine.

Theo ước tính của các chuyên gia, quân đội Nga đã mất khoảng 2,000 xe tăng, bằng một nửa tổng số xe tăng đưa vào chiến trường, và dường như họ đang lôi những loại xe tăng cổ lỗ sĩ thời Liên Xô ra khỏi kho chứa vũ khí cũ để sử dụng lại. Nhưng Putin cũng đã quay sang Iran để có nguồn cung cấp máy bay không người lái và các thiết bị quân sự khác, và giờ đây ông ta đang hy vọng rằng Trung Quốc sẽ chuyển vũ khí cho quân đội Nga.

Xem thêm:   Việt Nam trong tầm ngắm

Mục tiêu của Putin vẫn không thay đổi là kiểm soát hầu hết hoặc toàn bộ Ukraine, và sáp nhập phần đất này vào chung với đế quốc Nga trong tham vọng của ông ta. Putin vẫn nghĩ rằng có thể chịu đựng được lâu hơn chính phủ Ukraine và các quốc gia hỗ trợ phương Tây. Nhiều giới chức chính quyền Hoa Kỳ và Châu Âu đang sẵn sàng chuẩn bị để ngồi vào bàn đàm phán, nhưng Putin thì không. Giải pháp duy nhất mà ông ta có trong đầu là sự đầu hàng của Ukraine.

Con đường ngắn nhất đi đến hoà bình là phải đánh bại được Putin, và để đạt được mục tiêu này, Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây phải tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine cả hai mặt quân sự và nhân đạo.

Trong một buổi lễ tưởng niệm tại nghĩa trang Bucha đánh dấu một năm chiến tranh – AP

Phải tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine

Trong chuyến đi không báo trước qua Ðông Âu tuần qua, Tổng thống Joe Biden đã đọc một bài diễn văn tại Ba Lan vào hôm thứ Ba 21/2 nói rất đúng rằng đối với những chế độ độc tài chuyên chế thì “không thể nhân nhượng được” mà “phải bị chống lại”.

Tuy nhiên, nói đến chiến thắng lúc này còn hơi sớm và Ukraine vẫn có thể bị thua – không phải do tinh thần chiến đấu của họ sa sút mà do chính những hành động mâu thuẫn của các quốc gia đồng minh, trong đó có Hoa Kỳ. Một thí dụ mới nhất, ông Biden vẫn còn do dự không cung cấp hệ thống hoả tiễn chiến thuật và các vũ khí tầm xa mà quân đội Ukraine rất muốn có để họ có thể tấn công sâu hơn vào các vị trí của Nga. Chính quyền Biden còn rò rỉ tin nói rằng hiện tại quân đội Hoa Kỳ không có bất kỳ thứ vũ khí gì dư thừa, nhưng sự thật là vũ khí tồn kho của đồng minh được ước tính lên tới hàng ngàn.

Xem thêm:   Vũ khí mới - Tàu ngầm không người lái

Ðây dường như là một thói quen trong suốt một năm qua. Chính quyền Mỹ đưa ra rất nhiều lý do tại sao một loại vũ khí nào đó – xe tăng, hệ thống hoả tiễn phòng thủ Patriot, Himars – không thể cung cấp cho Ukraine được. Hệ thống đó quá phức tạp. Việc huấn luyện sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng rồi sau đó, những phản đối này đột nhiên biến mất sau khi bị chỉ trích trong dư luận quần chúng và từ quốc hội, và Ukraine nhận được hàng. Tại sao không đưa ngay từ lúc đầu mà cứ lặp đi lặp lại hoài một thói quen xấu để rồi cuối cùng lại đưa.

Việc cung cấp cho Ukraine những vũ khí họ cần ngày càng trở nên cấp bách. Nếu Nga nhận được vũ khí từ Trung Quốc, cuộc chiến sẽ rơi vào bế tắc, thậm chí có thể còn đẫm máu hơn nữa, hoặc Ukraine thất bại. Hỗ trợ về mặt chính trị có thể bị lung lay ở các thủ đô của Châu Âu và ở Washington, thậm chí ngay cả khi sự tham gia của Bắc Kinh vào trong cuộc chiến cho thấy có thể làm tăng thêm rủi ro thất bại toàn cầu.

Cuộc chiến ở Ukraine nay không chỉ giới hạn ở khu vực Ðông Âu. Nga, Iran và Trung Quốc đang hợp tác với nhau – mà có người gọi đây là phe Trục mới thành hình – để tìm cách gây ảnh hưởng và thống trị thế giới càng nhiều càng tốt. Nếu Ukraine chẳng may bị sáp nhập vào Khối Thịnh vượng chung của Nga, thế giới sẽ phải chịu thoả hiệp với những chế độ độc tài chuyên chế.

Hỗ trợ cho Ukraine có những rủi ro thật sự, nhưng sự rủi ro lại càng lớn hơn nếu Ukraine bị bỏ rơi. Quân đội Ukraine đã chiến đấu anh dũng nhưng nếu thiếu những vũ khí tối tân của Hoa Kỳ và đồng minh cung cấp cho họ thì cuộc chiến này vẫn có thể kết thúc với Putin trở thành mối đe doạ lớn hơn nữa đối với Âu Châu, Trung Quốc mạnh hơn, và Hoa Kỳ yếu đi. Ðó không phải là thứ hoà bình mà bất cứ ai mong muốn.

VH