Trên sân cỏ đá banh thế kỷ 19 trở về trước, các tay thủ thành không mang bao tay, trái banh lại được may bằng da thật, nặng nề, khiến ngón tay thủ thành dễ bị gãy. Ngày nay, đôi bao tay là bạn không thể thiếu của các tay thủ thành, được làm bằng vật liệu nhựa dẻo, nhẹ, không thấm nước, chẳng những giúp chụp dính banh, mà còn giúp bảo vệ tối đa cổ tay và các ngón tay của người sử dụng.

Bộ “xương sống” của bao tay thủ thành hiện đại. Ảnh Youtube   

Ngược dòng thời gian, còn thấy bức ảnh dạo cuối thập niên 1890, ghi lại cảnh thủ thành người Scotland Archie Pinnell đang ngồi bên mành lưới, mang bao tay len. Khoảng giữa hai kỳ Thế Chiến ở Âu Châu, một số thủ thành có sáng kiến dùng băng keo y tế “Bandage” băng các ngón tay trước các trận banh. Nửa đầu thế kỷ 20, các thủ thành hầu như chỉ mang bao tay đan bằng len, chẳng những trơn trợt, lại mau thấm nước, gây cảm giác khó chịu, nhất là những lúc trời mưa hay có tuyết. Ðến giữa thập niên 1960, mới thấy các nhà sản xuất vật dụng thể thao bắt đầu thử nghiệm các chất liệu khác nhau để may bao tay, dẫn đầu là hiệu Uhlsport của Ðức, với các bao tay làm từ vật liệu tương tự như một số dụng cụ chơi trượt tuyết.

Carlo Ceresoli người Ý là một trong những thủ thành đầu tiên trên thế giới thử mang bao tay, như thấy trong trận “Battle of Highbury” ngày 14/11/1934 trên sân Arsenal Stadium, kết quả chủ nhà Anh Quốc hạ Ý 3-2. Ảnh ASSOCIATED PRESS

Thủ thành Hugo Lloris người Pháp quảng cáo hiệu bao tay Reusch. Ảnh www.footyheadlines.com

Giải World Cup 1970 ở Brazil lần đầu tiên có thủ thành Gordon Banks người Anh mang bao tay có dán những miếng cao su tương tự loại cao su dán mặt vợt Ping-Pong có gai. Sáng kiến này tức thì được khắp nơi bắt chước, gắn thêm cao su có gai lên lòng bao tay, các ngón tay, giúp các tay thủ thành chụp banh dính chắc hơn. Tại World Cup 1974, thủ thành Sepp Maier người Ðức đeo bao tay hiệu Reusch lần đầu tiên dùng chất liệu nhựa “Latex Foam” (loại dùng làm nệm giường) dính như keo và rất bền. Không biết có phải nhờ vậy mà Sepp Maier và Tây Ðức giật cúp vô địch, nhưng chắc chắn từ dạo đó bao tay “Latex Foam” trở thành phổ thông.

Thủ thành Eike Immel người Đức mang bao tay hiệu Reusch thập niên 1980. Ảnh BONGARTS/GETTY IMAGES

Thủ thành Sepp Maier người Đức đeo bao tay hiệu Reusch lần đầu tiên dùng chất liệu nhựa “Latex Foam” tại World Cup 1974 (Đức vô địch). Ảnh tribuna.com

Bước sang thập niên 1980, kỹ thuật bao tay đã tiến triển nhiều, ngoài “Latex Foam”, người ta còn thử nghiệm đủ loại chất liệu khác nhau, đặc biệt là các loại nhựa hỗn hợp. Tới lúc này, rất hiếm thấy có thủ thành nào không mang bao tay. Ðây là thay đổi đáng kể nếu nhớ lại, tới quá bán thế kỷ 20, phần lớn các thủ thành vẫn chưa có thói quen mang bao tay. Ðến thập niên 1940, chỉ có Amadeo Raul Carrizo, tay thủ thành người Argentina, trấn giữ khung thành cho đội đá banh nhà nghề River Plate, là người thường xuyên mang bao tay. Tới tận cuối thập niên 1960, hầu hết các thủ thành chỉ bất đắc dĩ phải mang bao tay trong thời tiết xấu. Thủ thành người Hòa Lan Jan Jongbloed là người trấn giữ khung thành cuối cùng không mang bao tay trong một trận chung kết World Cup, năm 1974, lúc Hòa Lan thua chủ nhà Tây Ðức 1-2.

Thủ thành người Bồ Đào Nha Ricardo tay không phá trái penalty tiễn chân Anh Quốc khỏi Tứ kết Euro 2004. Ảnh BONGARTS/GETTY IMAGES

Thủ thành Manuel Neuer (Bayern Munich, Đức) mang bộ bao tay đặc biệt năm 2013. Ảnh fansfoot.com

Những nhãn hiệu bao tay thủ thành thường thấy nhất gồm có Reusch, Uhlsport, Adidas (đều của Ðức), Stanno (Hòa Lan), Sondico (Anh), Nike (Hoa Kỳ)… Các đối thủ thành này cạnh tranh với nhau rất bạo liệt. Ðầu thế kỷ 21, thủ thành người Ðức Jens Lehmann từng bị dọa đuổi cổ khỏi đội banh Ðức Quốc nếu từ chối không dùng bao tay Adidas mà vẫn mang bao tay hiệu Nike. Hiệu Adidas cũng là nhà sản xuất bộ bao tay đặc biệt cho thủ thành Manuel Neuer (Bayern Munich, Ðức) mang năm 2013, chỉ có 4 ngón bên tay phải, với ngón trỏ và ngón giữa đang bị đau phải “nẹp” chung với nhau. Một câu chuyện khác thường được nhắc lại là trận Tứ kết Euro 2004, Anh và Bồ Ðào Nha vẫn hòa nhau sau 2 hiệp chánh và 2 hiệp phụ, phải đá Penalty thay phiên. Khi điểm số đang là 5-5, thủ thành người Bồ Ðào Nha Ricardo tung “đòn cân não”, cởi bỏ bao tay lúc tiền đạo Anh Darius Vassell bước ra. Khán giả đều thấy động tác dị thường và thình lình của Ricardo làm cho Vassell bị run chân, đá nhẹ hều để banh bị chận. Chẳng những tay không phá trái penalty, lượt kế tiếp, chính Ricardo đá tung lưới 6-5, tiễn chân Anh Quốc khỏi Euro 2004.

Các ngón tay thủ thành hiện đại được bảo vệ tối đa. Ảnh www.keeperstop.com

Thủ thành người Hòa Lan Jan Jongbloed #8 là người trấn giữ khung thành cuối cùng không mang bao tay trong trận chung kết World Cup 1974 Tây Đức hạ Hòa Lan 2-1. Ảnh www.pinterest.com

TTD