Chờ mãi, cuối cùng cũng được xem ‘Dune’ của đạo diễn Denis Villeneuve, nhưng chỉ là trên màn ảnh nhỏ ở nhà qua HBO Max. Xem xong mới tiếc, phải chi coi trên màn ảnh lớn trước với âm thanh nổi cho nó đã!

Denis Villeneuve, người Gia-Nã-Ðại gốc Pháp, từng làm bộ phim khoa học giả tưởng ‘Blade Runner 2049’ (2017) và nổi tiếng với phong cách làm phim nghệ thuật, được các nhà phê bình chấm điểm cao. Có thể nói ‘Dune’ là một bước tiến xa hơn ‘Blade Runner’ về cả kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Nhưng so với những phim giả tưởng thời nay, ‘Dune’ sử dụng rất ít CGI (computer-generated imagery) mà dựa vào tình tiết và nhân vật để dẫn dắt người xem vào thế giới nội tâm nhiều hơn. Vì lý do đó, nhiều người cho là tiến độ của phim hơi chậm, nhất là nếu họ quen coi những phim hành động kiểu như Avengers hay Spiderman.

Trong văn học Mỹ, có thể nói “Dune” (1965) của Frank Herbert là quyển tiểu thuyết khoa học giả tưởng tầm vóc nhất, nổi tiếng nhất, và có ảnh hưởng lớn nhất. Là một sản phẩm của thập niên 1960, nó lồng các yếu tố tâm linh, tôn giáo, triết lý Ðông Phương, chính trị quốc tế, môi trường học v.v. vào trong một câu chuyện hư cấu của thế kỷ thứ 110, trên một hành tinh xa lắc xa lơ tên Arrakis. Khác với những truyện khoa học giả tưởng cùng thời, Herbert không chú trọng nhiều đến các công nghệ kỹ thuật tưởng tượng trong tương lai, mà dành nhiều thì giờ hơn cho các kỹ năng “mềm” như thần giao cách cảm, sử dụng dược liệu (drug) để du hành không gian v.v.

Có lẽ vì vậy mà thời bấy giờ chẳng nhà xuất bản nào chịu in “Dune”. Frank Herbert phải đi chào hàng khắp nơi, cuối cùng chỉ có Chilton Books, chuyên in sách sửa xe hơi, nhận xuất bản “Dune” giùm cho ông. Nhưng cũng vì quyết định ấy mà tổng biên tập của Chilton sau đó bị mất việc. Thế nhưng chỉ một năm sau “Dune” đã đoạt giải văn chương Nebula Award — tiểu thuyết hay nhất trong năm, và từ đó đến nay được xem như một tác phẩm kinh điển của thể loại khoa học giả tưởng. Ít ai biết George Lucas đã vay mượn nhiều ý tưởng trong “Dune” để dựng chuyện phim ‘Star Wars’. Và đây cũng không phải lần đầu tiên “Dune” được mang ra làm phim.

Ca sĩ Sting (phải) trong phim ‘Dune’ (1984) của David Lynch. Nguồn: Universal Pictures

Vào thập niên 1970, đạo diễn Alexandro Jodorowsky của Pháp đã thử lửa một lần nhưng bất thành. Trong số những người được ông mời đóng phim có cả Alain Delon, hoạ sĩ Salvador Dali, ca sĩ Mick Jagger của ban nhạc Rolling Stones… Nhưng sau vài năm dàn dựng, dự án phải bị dẹp bỏ vì quá tốn kém — mà có lẽ cũng không ai muốn xem một cuốn phim dài 10 tiếng đồng hồ.

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Năm 1984, David Lynch mang ‘Dune’ lên màn ảnh lớn lần đầu tiên và kết quả là bị các nhà phê bình chê dữ dội. Bắt chước Jodorowsky, Lynch cũng mời ca sĩ Sting của ban nhạc The Police thủ một vai, nhưng cũng không thành công gì hơn. Từ đó đến nay đã gần 40 năm, thỉnh thoảng lại có người làm một series nho nhỏ dựa trên cốt truyện của Herbert, nhưng không ai đủ can đảm để (bỏ tiền ra) dựng “Dune” thành phim vì nó quá khó, quá lớn, quá phức tạp.

‘Dune’ của Villeneuve cũng bị một số người cho rằng vẫn chưa lột tả được hết mọi khía cạnh tâm lý, chính trị và xã hội trong nguyên bản. Ðiều đó hoàn toàn đúng. Nhưng ta cũng có thể phản biện rằng muốn được vậy phải đầu tư gấp năm bảy lần số tiền $170 triệu đã bỏ ra, và cuốn phim sẽ phải dài cỡ 10 tiếng đồng hồ (như Jodorowsky từng muốn làm) chứ không thể nào gom vào chỉ hai tiếng rưỡi như ta thấy. Ðiều đáng mừng là bộ phim này được gọi là ‘Dune: Part One’, có nghĩa là nhà sản xuất Warner Brothers đã có ý định sẽ còn nữa. Tuy nhiên, phải đợi sau khi phim thứ nhất này trình làng và được khán giả chiếu cố nhiệt tình WB mới dám bật đèn xanh cho ‘Part Two’ bấm máy. Show biz là thế. Mà ta cũng không thể trách các nhà đầu tư, nhất là trong thời điểm đại dịch, kinh tế bấp bênh như lúc này.

Hiệp sĩ Duncan Idaho (Jason Momoa). Nguồn: Warner Brothers

Nói một cách tổng quát, Villeneuve đã thành công với phiên bản ‘Dune’ rút gọn này. Những ai đã đọc quyển sách và quen thuộc với câu chuyện sẽ thấy nhà soạn kịch bản đã giản lược khá nhiều tình tiết chồng chéo, chỉ giữ lại những phần cốt lõi. Một số nhân vật phụ đã được loại bỏ hoàn toàn. Nội dung xoay quanh cuộc chiến giữa nhà Atreides và các thế lực xấu được bàn tay của “The Emperor” dung dưỡng. Bối cảnh là hành tinh sa mạc Arrakis, nơi duy nhất có một thứ hương liệu gọi là “spice”, cần thiết để điều khiển các chuyến viễn hành xuyên vũ trụ — space travel. Nhưng muốn khai thác “spice” không phải chuyện dễ vì thời tiết nơi đây vô cùng khắc nghiệt, lại thêm có những con giun cát (sandworms) khổng lồ dài cả 400m.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Trên hành tinh Arrakis còn có một giống dân bản địa gọi là Fremen, đã thích nghi với khí hậu nơi đây và sống lẩn khuất khắp nơi. Bao nhiêu đời qua họ từng bị đô hộ bởi các đoàn quân viễn chinh đến để khai thác “spice” đồng thời đàn áp họ. Chỉ đến khi nhà Atreides được giao phó trách nhiệm cai quản Arrakis người Fremen mới được đối xử tốt hơn, và công tử Paul Atreides được người Fremen xem như thiên sứ đến để giải phóng họ theo như sấm truyền. Frank Herbert đã dùng Fremen và Arrakis làm ẩn dụ cho nạn thực dân và các vấn nạn về môi trường mà thời đại của ông đang phải đối phó. Chính những đề tài chính trị, xã hội, tôn giáo này đã biến “Dune” từ một quyển tiểu thuyết hư cấu thành một tác phẩm vượt thời gian, vẫn còn được giới học giả mổ xẻ đến tận ngày nay.

Cái hay của Villeneuve là ông đã lược bỏ được những tình tiết phức tạp trong câu chuyện của Herbert để cho những ai chưa đọc sách vẫn có thể hiểu được. Và cũng nhờ vậy mà ông có nhiều thì giờ hơn để khai triển phần nội tâm của các nhân vật chính như Paul Atreides (Timothee Chalamet) và mẹ của cậu, Lady Jessica (Rebecca Ferguson). Trong số các vai phụ, gây ấn tượng nhất phải nói có tài tử Jason Momoa trong vai Duncan Idaho, và tài tử Thuỵ Ðiển Stellan Skarsgard trong vai phản diện Baron Vladimir. Ngoài ra, sự có mặt khi ẩn khi hiện của Zendaya trong vai cô gái Fremen tên Chani cũng tăng phần hấp dẫn cho ‘Part Two’, nghe nói sẽ trình chiếu năm 2023.

Bác sĩ Liet-Kynes (Sharon Duncan-Brewster). Nguồn: Warner Brothers

Âm thanh trong phim được cắt ráp tuyệt vời. Có những màn mà tiếng súng và tiếng bom ăn khớp với hình ảnh và nhạc đệm đến kinh ngạc. Nhà soạn nhạc lừng danh Hans Zimmer – ‘The Lion King’, ‘Gladiator’, ‘Dunkirk’, ‘Blade Runner 2049’ -đã giúp đưa ‘Dune’ của Villeneuve lên một tầng cao mới với những dòng nhạc hết sức sáng tạo và độc đáo. Zimmer đã dùng nhạc cụ dân tộc như của người Trung Ðông hoặc Tô Cách Lan để kết tạo những âm thanh thích hợp với tình huống trong phim. Sẽ không ai ngạc nhiên nếu ông thắng thêm một tượng Oscar nữa sau ‘Lion King’.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Như đã nói ở trên, Villeneuve là một nhà làm phim có con mắt thẩm mỹ cao độ. Mảng trang phục cũng là một điểm son khác trong ‘Dune’. Từ cách ăn vận của gia đình Atreides đầy quyền thế, đến y phục nghèo nàn của bộ lạc Fremen hay những bộ đồ họ tự chế để đi trong sa mạc, nhất thảy đều được thiết kế kỹ càng, đẹp mắt nhưng không quá chói lọi làm người xem bị phân tâm. Rất có thể ‘Dune’ sẽ được đề cử giải trang phục cho Oscar vào năm tới.

Nếu như thế hệ trước có Tolkien và ‘The Lord of the Rings’ của Peter Jackson, thì thế hệ ngày nay có Herbert và ‘Dune’ của Denis Villeneuve. Cả hai đều là những sản phẩm giải trí thuộc hàng thượng thặng, dựa trên những tác phẩm văn chương để đời.

Chấm điểm: A

Y phục của nhóm nữ tu Bene-Gesserit đầy bí quyền. Nguồn: Warner Brothers

PA