Trong cuộc sống gia đình, dù hạnh phúc đến mấy cũng  sẽ có lúc vợ chồng bất đồng ý kiến và đưa đến việc cãi vã, giận hờn. Ở vào trường hợp này, bạn có phải là người làm hòa trước không? Và bạn sẽ làm hòa bằng cách nào?

Chàng

NNN:  Đối với việc làm hoà sau những lần cãi nhau thì tôi có kinh nghiệm đầy mình. Vợ chồng chúng tôi đã sống với nhau mười lăm năm, nhưng kể từ năm thứ mười trở đi tự dưng thường hay khắc khẩu. Nguyên nhân cãi nhau thường  chỉ vì chuyện thằng con đang tuổi teen. Bắt đầu từ mái tóc dựng đứng có thêm vài cọng vàng hoe cuả nó. Thoạt tiên, tôi cũng khó chịu và nơm nớp lo sợ không biết nó theo băng đảng nào đây! Nhưng từ từ theo dõi và nghĩ lại câu nói của nó cũng có phần đúng  “Tóc con có một chút vàng vàng cho đẹp  giống tụi bạn thì cũng như mẹ vẽ mắt vậy, chứ  con có theo băng đảng nào đâu”. Bà xã tôi thì khăng khăng không chấp nhận một chút vàng  vàng, đỏ đỏ nên khi tôi lên tiếng biện hộ cho thằng con thì bị kết tội “con hư tại cha” và cuộc khẩu chiến  được khai hỏa khi tôi hậm hực chê bai “bà lạc hậu quá”. Đại loại là như vậy và rất nhiều chuyện khác nữa mà đa số là  những chuyện không đâu, nhưng nói qua nói lại sinh ra chạm tự ái vì hiểu lầm nhau.

Sau cuộc cãi vã là chiến tranh lạnh, có khi ngồi cùng bàn ăn mà người nào cũng lạnh như cục nước đá, cùng nằm một giường mà ranh giới hai bên phân chia rõ rệt, kết quả là sáng hôm sau mặt đứa nào cũng khờ căm vì thiếu ngủ. Bên nào cũng cố thủ chờ đối phương hạ giọng trước, có khi  kéo dài cả ba ngày. Bà xã tôi thuộc loại “lì” nên phòng thủ rất kiên cố. Tôi  thì nghĩ  mình là đàn ông, lại  là người hào phóng với bạn bè, tại sao lại không độ lượng với vợ con? Thế là tôi  làm hòa trước  (có chết chóc gì đâu!). Cách tôi thường làm là chờ  lúc “nàng” đang bận tay ở bồn rửa chén, tôi bước đến phía sau, ôm nhẹ chiếc lưng thon và hôn lên mái tóc bồng bềnh như mây chiều. Nếu “nàng” đứng yên thì tôi sẽ quay ra trước, nhìn vào mắt  “nàng” cười duyên một cái. Nếu “nàng” tỏ vẻ phản kháng thì tôi lui lại… chờ dịp khác. Bảo đảm mười lần như một, nghĩa là lúc nào  cử chỉ hòa hoãn của tôi cũng được đối phương đón nhận, vì  thật ra đâu ai muốn chiến tranh lâu dài.

Từ kinh nghiệm đó, tôi luôn luôn làm hòa trước. Thứ nhất là để vui nhà, vui cửa cho con cái an tâm học hành, thứ hai là để chứng tỏ mình là một người chồng bao dung, độ lượng.

T.Trần: Trước kia, chẳng bao giờ  tôi làm hòa trước nếu tôi nghĩ rằng mình không có lỗi (dĩ nhiên trong mười trận cãi nhau, không lần nào tôi nghĩ mình có lỗi). Nhà tôi cũng vậy. Do đó, mỗi lần cãi nhau là cuộc chiến ở độ âm (nghĩa là lạnh hơn nước đá nữa) tiếp nối sau đó. Khi “chiến tranh âm độ” xảy ra thì mọi sinh hoạt vẫn bình thường ở các phòng ăn, phòng khách, ngoại trừ phòng ngủ. Ở đây sặc mùi không khí chiến tranh. Không ai nhìn ai và tuyệt đối không đụng chạm nhau. Tình trạng khó chịu nầy sẽ tự chấm dứt  khi  đối phương mỏi mệt vì phải luôn ở trong tư thế chiến đấu. Lúc ấy thì hòa bình đến bằng cách nào tôi không nhớ, nhưng chắc chắn rằng không có người thắng cũng chẳng có kẻ thua!

Sau hơn mười hai năm chúng tôi vẫn sống bên nhau, thỉnh thoảng cãi vã và cứ để mọi bất đồng từ từ chìm xuống một cách tự nhiên chứ không cùng ngồi xuống, mổ xẻ vấn đề để  tìm giải pháp sửa đổi. Dù biết rằng vợ chồng không thể tránh khỏi những lúc xào xáo, nhưng  trải qua một thời gian dài tôi nhận thấy  một điều vô cùng nguy hiểm là tình yêu có phần hao mòn vì những cuộc chiến tranh như thế. Thời gian càng lâu thì cơ hội mất mát càng nhiều. Ngay lúc đó, thường người ta  khao khát một chút ngọt ngào để quên đi nét mặt quạu quọ, đằng đằng sát khí cuả bà vợ nhà và gia đình có thể sụp đổ bởi một nụ cười, ánh mắt xa lạ.

Vợ chồng không thể vì những duyên cớ nhỏ mà bỏ nhau. Tôi nghĩ vậy nên sau nầy cố gắng dẹp bỏ tự ái, làm hòa trước. Từ đó, thời gian căng thẳng giữa hai vợ chồng được thu ngắn lại và  nhà tôi hình như cũng trở nên đằm thắm,  dịu dàng hơn. Thật là một kết quả bất ngờ.

Nàng

Thúy Khanh: Có người hóm hỉnh ví thời gian đầu chung sống của một cặp vợ chồng với một cuộc chiến âm ỉ giữa hai thế lực mà bên nào cũng tự cho mình là có bản lĩnh, có chính nghĩa hơn phía bên kia.

Vào thời gian mới về chung sống với chồng, phải thú nhận là tính tình tôi nóng  như  lửa, nhất định không chịu phục tùng, chẳng bao giờ chịu xuống nước làm hòa trước, quyết chí giận mấy ngày mấy đêm cho bõ ghét! Thế rồi bỗng một hôm, tôi chợt nhận ra rằng anh ấy không còn gay gắt với những lời lẽ tấn công như trước nữa mà thay vào đó là sự im lặng, nhẫn nhịn. Sự thay đổi đột ngột đó khiến tôi phải suy nghĩ lại (Phải chi anh ấy thay đổi sớm hơn thì hay biết mấy!)

Thêm vào đó, chính vì sự yên vui của các con ngày càng khôn lớn, tự nhiên vợ chồng tôi đối xử với nhau tế nhị hơn, hòa thuận hơn. Nhờ thế, cả hai cảm thấy gần gũi, yêu thương nhau nhiều hơn.  Cụ thể là sau mỗi lần cãi vã, giận hờn, nhìn thấy cảnh anh ấy ngồi ủ rũ, mắt lơ đãng nhìn vào màn ảnh Tivi, tôi cảm thấy lòng ray rứt, hối hận, bèn xui cậu con trai út mời bố ăn cơm (thay vì hậm hực nghĩ “bỏ đói một bữa cho biết thân” như trước kia.)

Thường thì tôi hay tìm cách làm hòa khi anh ấy vừa bước chân về đến nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi. Thật vậy, không có gì thoải mái cho bằng được người bạn đời đón tiếp bằng lời nói, cử chỉ dịu dàng, nhanh chóng xóa tan bầu không khí căng thẳng đã qua. Đôi khi tôi cũng hào hứng thực hiện một màn làm lành khá độc đáo, tuy không nói thành lời nhưng rất hữu hiệu. Đại khái là làm bộ như đang ngủ mê, gác tay hay gác chân lên người anh ấy. Nếu như được đồng tình thì cả hai cùng cộng hưởng. Bằng ngược lại thì đâu có sao, chỉ tại mình vô tình thôi mà, chẳng có gì phải mất mặt bầu cua cả!  

Dù đang sống nơi xứ Âu – Mỹ, dù đời sống có văn minh, bình đẳng với nam giới đến đâu đi chăng nữa, thiết nghĩ phụ nữ Việt Nam chúng mình cũng nên xử sự mềm mỏng, khéo léo với ước mong được vui sống hạnh phúc bên người bạn đời và các đứa con đáng yêu của chúng ta.

(Kính mời quý độc giả tiếp tục đóng góp ý kiến về email: Ngân Bình: nganbinh13@yahoo.com)

alt

Bảo Huân

NB