Có một lần tôi đến nhà người bạn sau rất nhiều năm không gặp.  Hai anh em trò chuyện vui như pháo nổ và anh quên mất chuyện phải đi rước con gái vì xe của nó hôm đó đang nằm ở shop sửa xe. Con bé chờ hoài không thấy ba đón nên đã nhờ một người bạn chở về. Khi thấy con gái, anh mới sực nhớ, vội vàng chạy ra mở cửa và nói “Xin lỗi con, bạn của ba đến thăm bất ngờ làm ba quên mất việc phải đi đón con”. Con gái anh nhỏ nhẹ đáp “Dạ không sao đâu ba” sau khi vòng tay lễ phép chào tôi với nụ cười thật hiền lành, dễ thương. Hình ảnh dễ thương đó đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng tốt đẹp. Sau đó không lâu tôi đã áp dụng khi nói lời xin lỗi với thằng con trai út khi tôi không dằn được cơn tức giận và rầy la nó trước mặt một đứa bạn cùng lớp. Thật ra, tôi đã đắn đo, ngại ngùng cả ngày. Phải đợi đến tối, khi cả gia đình đọc kinh xong tôi mới ngập ngừng “Ba xin lỗi con vì chuyện hồi chiều”. Thằng con ngước nhìn tôi. Trước tiên là ngạc nhiên, sau cùng là ánh mắt cảm động. Tôi thật vui khi làm được điều đó. Nhưng khi thằng con đi ngủ rồi tôi bị mẹ và vợ phản đối kịch liệt. Mẹ tôi nói “Đời bây giờ ngược ngạo, cha mẹ mà đi xin lỗi con cái, rồi nó sẽ leo lên đầu, lên cổ mày, đố mà dạy nó được”. Vợ  tôi thì  cằn nhằn “Bày đặt học đòi văn minh, bắc thang cho nó leo, mai mốt không dạy được thì đừng có nói sao mình vô phước”.

Những lời đó làm cho tôi hoang mang, không biết mình đúng hay sai. Xin những người đang làm cha, làm mẹ cho vài  lời  “chỉ giáo”. Chân thành cám ơn. Lữ Lân

Bảo Huân

Bảo Huân

CHÀNG

Ông Tư: Anh Lữ Lân thân mến, cám ơn anh đã đưa ra đề tài thú vị này. Nếu tôi không lầm thì đây là lần đầu tiên anh đã can đảm “xin lỗi” con trai út của anh. Anh viết “thằng con ngước nhìn tôi. Trước tiên là ngạc nhiên, sau cùng là ánh mắt cảm động”. Xin được chúc mừng anh đã thắng được cái “tôi” của mình, đã biết nhận “lỗi” và đã xin lỗi với con anh. Việc làm này không phải cha mẹ nào cũng làm được. Không dễ chút nào anh ạ.

Hơn 20 năm về trước, lúc ấy tôi làm nhân viên địa ốc với một ông broker người Mỹ đã từng chiến đấu bên Việt Nam. Khi tôi mới chân ướt chân ráo bước vào nghề, ông đã nói với tôi: “Nếu không hiểu, không biết điều gì thì ông cứ mạnh dạn mà hỏi. Người Việt Nam các ông thường thì không biết cũng nói là biết”.

Ông Mỹ này nói về người mình không sai. Cách đây vài năm, cậu tôi từ quê nhà du lịch sang Mỹ thăm con cháu. Cậu tôi là giáo sư Ðại Học, tôi đưa cậu vào Fry’s, đến chỗ bày bán máy chụp hình, giá cả đã biết rồi, cậu tôi muốn biết thêm những chi tiết khác. Tôi không biết nên định gọi nhân viên bán hàng đến hỏi, cậu tôi ngăn không cho tôi gọi và nói “Gọi làm chi, để người ta biết mình không biết”.

Tôi hơi dài dòng một chút để muốn nói là ít có ai nhận sự thật là mình dở, mình không biết và nhất là nhận mình có lỗi. Thường thì cha mẹ không chịu nhận lỗi và xin lỗi với con mình, mặc dù biết mình có lỗi. Cha mẹ dạy con, khi làm lỗi thì phải biết xin lỗi, nhưng khi cha mẹ làm lỗi thì không chịu nhận lỗi và không xin lỗi con. Như vậy có bất công và làm ngược lại những gì mình đã dạy không?

Anh Lữ Lân thân mến, anh làm rất đúng, anh đã làm gương cho con anh và cho những cha mẹ khác trong ấy có tôi. Cám ơn anh.

 

Đ Đ Điện: Vài dòng xin thưa cùng ông T.M. Lư, vì có đôi điều tôi mạn phép không đồng ý với ông:

  1. Ông có viết “Nhà nào có người cha cứng rắn, cầm giữ kỷ cương thì con cái nếu không bác sĩ cũng nha sĩ…”. Hình như ông quá chủ quan khi phát biểu suy nghĩ này. Vì trong dòng họ tôi, có những người cha phải mất con vì sự “cứng rắn vô lý”. Cái phước mà ông T.M. Lư có được là con cái của ông hiếu thảo, hiền lành. Còn người chú họ của tôi bất hạnh hơn ông, vì con của chú cũng ra bác sĩ, một nghề mà thằng em bác sĩ của tôi than thở rằng “con đã học xong bác sĩ cho ba, nhưng nói thiệt con không thích chút nào, chắc có ngày con sẽ điên vì chịu không nổi áp lực”. Thế là một ngày trời trong, mây tạnh, tôi được tin thằng em tự tử. May mắn là gia đình phát hiện kịp thời, nhưng không may mắn là bây giờ nó đang ở bệnh viện tâm thần. Một người chú khác của tôi thì đứa con gái bỏ nhà đi hoang vì sự cứng rắn quá đáng của cha mẹ.
  2. Ông có viết “Nhà nào có người cha cứng rắn, cầm giữ kỷ cương thì con cái nếu không bác sĩ cũng nha sĩ…”. Có lẽ, đối với ông cũng như hầu hết người Việt chúng ta, chỉ có những nghề mang chữ sĩ thuộc ngành y mới đáng trọng vọng. Một người bạn của tôi đã có lần nói trên bàn tiệc sau khi nghe một người bạn khác “nổ” về gia phả nhà ông rằng: “Con cháu tôi toàn là  “sĩ”, thử hỏi trên đời này, nghề nào ngon lành, được mọi người nể trọng, kính phục bằng bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ…”. Câu hỏi bạn tôi đặt ra là “Nếu không có thầy giáo, cô giáo, thì cái đám sĩ đó lấy đâu ra kiến thức để trở thành người được xã hội trọng vọng?”. Và anh bạn tôi cho rằng nghề giáo mới là nghề đứng đầu thiên hạ.

Ðúng ra, nghề nào cũng đáng trọng tùy theo quan niệm của mỗi người, cũng như việc cha mẹ xin lỗi con, đúng hay sai cũng tùy theo cách nhìn, cách nghĩ của từng cá nhân. Ðiều đáng lưu ý, quan tâm ở đây là làm sao cho cha mẹ và con cái thương yêu nhau trong tình cảm thuận hòa.

Kính chào ông.