Bác tôi thường xuyên gọi điện thoại phiền trách, nguyền rủa con cái bác là phường bất hiếu, không biết báo đền công ơn nuôi nấng của cha mẹ (theo cách suy nghĩ của bác). Còn các anh chị cũng than thở với tôi “cha mẹ đổi tính khó khăn, không chịu thông cảm con cái đang phải đối đầu với những khó khăn trong cuộc sống, lúc nào cũng đòi hỏi con cái phải hầu hạ, phục vụ. Không được như ý thì đi rêu rao con cái khắp nơi”. Sau một thời gian quan sát, tôi nhận xét cả hai bên đều cố chấp. Bác tôi thì muốn chứng tỏ quyền làm cha, làm mẹ. Anh chị thì chỉ muốn lo lắng, chăm sóc cha mẹ theo cách của mình chứ không tương nhượng những đòi hỏi quá đáng. Thế là mâu thuẫn xảy ra. Tôi muốn hòa giải hai bên, nhưng chưa biết phải làm sao. Xin quý độc giả chia sẻ kinh nghiệm và góp ý để tôi có thể làm nhịp cầu thông cảm.
Một độc giả

NÀNG

TKH: Chị ơi, không phải dễ để chị trở thành sứ giả hòa bình cho vấn đề nhiều nhiêu khê của gia đình này đâu. Tự vì, mọi rắc rối, lủng củng, mâu thuẫn đều bắt nguồn từ lòng tự ái quá cao. Ai cũng nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ, mình là người quan trọng nhất, mình là người hiểu biết và khôn ngoan nhất và nhất là người lớn tuổi thì chẳng khi nào chịu hạ mình hoặc lắng nghe “lũ con nít, hỉ mũi chưa sạch” “dạy dỗ” mình đâu.

1022-tinh-chang-y-thiep

Bảo Huân

Nếu tin dị đoan một chút (mà điều này tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp tương tự) thì hai người khắc tuổi, khắc khẩu với nhau nên dễ sinh chuyện. Cũng một câu nói, một hành động đó, nếu thằng A nói  thì lọt tai bà mẹ, nhưng nếu con B nói thì bà mẹ lại tức giận điên người. Thường người ta nói đó là cái “nghiệp”. Tôi tin vậy, nên đề nghị một giải pháp:

Hai bên không nên sống chung với nhau, mà người mẹ nên chuyển đến ở với đứa con nào bà thương nhất, hạp nhất (cũng là để tránh tội lỗi vì “khẩu nghiệp”). Chuyện này, các anh chị em phải nói chuyện riêng với nhau, đòi hỏi sự hy sinh của người anh, người chị hay người em sẽ gánh vác công việc nặng nề này. Tôi muốn nói đến chữ hy sinh về mặt tinh thần và chính người lãnh trách nhiệm này phải đứng ra mời mọc khẩn thiết nếu bà mẹ không muốn lắm, vì người già thường “ở đâu quen đó”.

Mong Phật Trời gia hộ cho từng gia đình gặp phải vấn nạn này, để con cái có thể “báo hiếu”, để cha mẹ được “an hưởng tuổi già” trong một gia đình mà mọi thành viên đều thương yêu, thông cảm nhau bằng lòng khoan dung.

CHÀNG

LP: Có một thời, tôi cũng có cách suy nghĩ và hành xử với con mình như bác của cô vậy. Không hài lòng với kiểu con cái ở đất Mỹ này, không nghe lời cha mẹ chỉ dạy (mà cũng kỳ, tụi nó gần 50 chục tuổi chứ có phải con nít đâu mà nhất nhất phải nghe lời mình, rồi nhiều khi mình nói cũng bù trất chứ có hay ho gì đâu). Thiệt ra, đâu phải tụi nó hỗn hào hay coi thường mình, mà vì hai thế hệ, hai quan điểm khác nhau thôi, nhưng vẫn cảm thấy bất mãn, mà hễ bất mãn thì nó làm cái gì mình cũng thấy khó chịu, không vừa ý, rồi đâm ra hằn học, gay gắt, lẫy hờn, câu nào nói ra cũng chua như giấm. Sau này, đi tham gia hội cao niên, tôi may mắn gặp được những bạn già tốt, tâm sự, chia sẻ cái hay, cái dở của những người thuộc hạng lão làng hay cố chấp, không chịu hoà mình vào cuộc sống trong một xã hội khác xa cái thời mình còn ở Việt Nam. Chúng tôi đã bàn luận với nhau nhiều ngày mới đồng ý rằng:

Mình phải thay đổi suy nghĩ, phải chấp nhận những điều trái ý, để cái tâm mình được vui, khi vui thì cảm thấy khỏe mạnh và khi khỏe mạnh sẽ thấy yêu đời và dễ dãi với người khác hơn. Nhìn chung chung, tụi trẻ ở đây nó đi làm vất vả, cuộc sống nhiều tranh đua, căng thẳng hơn mình hồi xưa ở quê nhà. Nghĩ lại thấy thương nhiều hơn giận. Từ đó, tôi thấy không khí gia đình vui vẻ hơn mà khi tôi vui vẻ, nhẹ nhàng thì con cái hình như cũng gần gũi, thân mật và hiếu thảo hơn.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi khuyên bác của cô nên tham gia các sinh hoạt cao niên để gặp bạn bè trang lứa trò chuyện, cùng nhau đi đây đi đó. Trung tâm nào cũng có tổ chức những buổi đi chơi, đi ăn trưa, quanh quẩn trong thành phố rất vui. Khi có bạn bè và sinh hoạt thoải mái, bác cô sẽ cảm thấy tâm an, không còn muốn dòm ngó, soi mói từng lời nói, từng cử chỉ của con cái mà sinh lòng bực bội.

Hy vọng, chút ý mọn này sẽ giúp cô làm được việc tốt lành.