Bác tôi thường xuyên gọi điện thoại phiền trách, nguyền rủa con cái bác là phường bất hiếu, không biết báo đền công ơn nuôi nấng của cha mẹ (theo cách suy nghĩ của bác). Còn các anh chị cũng than thở với tôi “cha mẹ đổi tính khó khăn, không chịu thông cảm con cái đang phải đối đầu với những khó khăn trong cuộc sống, lúc nào cũng đòi hỏi con cái phải hầu hạ, phục vụ. Không được như ý thì đi rêu rao con cái khắp nơi”. Sau một thời gian quan sát, tôi nhận xét cả hai bên đều cố chấp. Bác tôi thì muốn chứng tỏ quyền làm cha, làm mẹ. Anh chị thì chỉ muốn lo lắng, chăm sóc cha mẹ theo cách của mình chứ không tương nhượng những đòi hỏi quá đáng. Thế là mâu thuẫn xảy ra. Tôi muốn hòa giải hai bên, nhưng chưa biết phải làm sao. Xin quý độc giả chia sẻ kinh nghiệm và góp ý để tôi có thể làm nhịp cầu thông cảm.

Một độc giả

CHÀNG

Bác Quân (FW): Theo nhận xét của tôi thì… hình như con cái sống bên Mỹ lâu, nó không có hiếu thảo khi cha mẹ già yếu như con cái ở Việt Nam. Qua bên đây, tụi nó ăn nên làm ra, mua nhà cửa xe cộ, không hề nhờ vả cha mẹ nên hay coi thường chữ hiếu. Hồi còn ở Sài Gòn, tôi đã 58 tuổi mà ba tôi bắt ngồi nghe ông giảng “moral”một tiếng đồng hồ vì tội mua xe mà không hỏi ý kiến của ông, tôi đâu dám hó hé, phân bua gì dù đó là tiền và xe của tôi. Ở xứ nầy, còn lâu con mới chịu như vậy. Nói vài câu không vừa ý là nó bỏ đi rồi.

1022-tinh-chang-y-thiep

Bảo Huân

Trường hợp của tôi cũng bất hạnh lắm. Hai đứa con, con trai cả là kỹ sư, cô con gái kế làm chủ mấy tiệm  nail. Ai cũng nói tôi có phước, tuổi già được nhờ con, hưởng nhàn sung sướng! Tôi qua đây diện vượt biển năm 1981, đi làm được 15 năm, hai đứa con ăn học thành tài, cũng vừa lúc tôi nghỉ hưu. Chúng nó lập gia đình, mua nhà ở riêng hết. Cách đây 6 năm, thằng con cả sinh con đầu, nên mời vợ chồng tôi về ở chung, cũng là vừa giúp nó trông cháu. Nghĩ thân già nay đau mai yếu, thôi thì về với nó một công hai chuyện. Mới về ở thì ôi thôi vui vẻ lắm. Bà nhà tôi lúc đó còn khỏe, nên nấu ăn cho cả nhà. Hai năm nay, mắt tôi yếu, chân đau nên không còn lái xe được. Bà nhà tôi sức khỏe cũng xuống dốc vì tay chân run. Nói là nói vậy, nhưng chúng tôi cũng là một lợi ích lớn cho chúng nó chứ có phải ăn bám đâu. Ở nhà giống như người giữ nhà, chúng nó đi làm, đi chơi miết, đâu có lo lắng gì nhà cửa. Vậy mà con cái trở mặt, đối xử tệ bạc lắm.

Thằng con trai lúc nào cũng như kẻ cả của tôi. Ðào một khoảng cỏ, làm giồng trồng một mớ khoai lang nó cũng la cho là mất vẻ mỹ thuật của vườn nó. Ðóng một cây đinh trên tường để treo khăn, nó cũng nói làm hư nhà. Ðánh con mèo vài cái vì cái tội leo lên bàn ăn vụng, nó cũng phê phán tôi “bạc đãi thú vật cưng” của nó. Thậm chí đến miếng ăn của vợ chồng già cũng bị nó dòm ngó, kiểm soát. Bà nhà tôi mà chấm muối khi ăn trái táo xanh thì nó la bài hãi rằng “Sao má cao máu mà không chịu kiêng cữ”. Trời ơi! ăn có một muỗng muối ớt mà nó làm như bả ôm bom tự sát vậy, có đáng buồn không chớ? Hồi chúng còn nhỏ, thèm ăn gì là mình mua hay nấu ngay cho chúng ăn, bây giờ chúng ngăn cản mình đủ thứ, có quan tâm gì đến miếng ăn của cha mẹ đâu.

Còn nhiều chuyện nữa, kể biết đời nào cho hết. Những tâm sự nầy không biết nói với ai, nhân dịp đọc được mục tâm tình này, tôi viết góp vào đây cho nhẹ bớt. Tôi mong các bạn trẻ nào có đọc được thì hãy thức tỉnh mà thương yêu, kính trọng cha mẹ. Dù cha mẹ già yếu trở thành gánh nặng các bạn, nhưng hãy nhớ rằng người có công sinh thành, dưỡng dục.

Hồi các con tôi còn nhỏ, sau khi Sài Gòn bị Cộng Sản chiếm, tôi không còn được dạy học  nữa, phải làm việc lao động thật vất vả. Chở than, chở gạo bằng xe đạp thồ, tối con mắt mới kiếm được chút lời cho vợ con đủ ăn. Có ngày chạy xe ôm suốt, nhịn đói, nhịn khát để dành tiền mà vượt biên. Những lúc khó khăn có bao giờ tôi có ý nghĩ cho con vào trại mồ côi đâu. Vậy mà bây giờ, chúng nó cứ hăm he “Ba không ăn uống kiêng cữ, có ngày bị nằm một chỗ, con không lo nổi đâu, phải đưa ba vào dưỡng lão đó”. Qua tới Mỹ, tôi cũng phải đi làm công nhân cho hãng điện tử, buổi tối và cuối tuần giúp bà nhà may quần áo để có tiền lo cho chúng nó học hành, mong sau nầy lớn lên nó có công việc tốt, mình cũng được nhờ con cái lúc tuổi già. Vậy mà nó đâu có lo cho mình đàng hoàng. Ở nhà chúng giống như quản gia vậy thôi, chứ không có quyền hành gì hết.

Mấy đứa cháu ở Việt Nam còn lo chăm sóc, lễ phép với chúng tôi hơn các con tôi nhiều. Hai năm trước tôi về thăm, vợ chồng đứa cháu, con em tôi cứ hết lòng nài nỉ, bác về Việt Nam nghỉ hưu, tụi cháu chăm sóc cho, nhà cửa có sẵn, bác không phải lo lắng gì. Ngày nào tụi nó cũng bóp tay, bóp chân, đấm lưng, lo ăn sáng, ăn trưa không thiếu món ăn gì. Hai đứa con tôi nghe kể, đã không biết học hỏi cái hiếu hạnh của người ta, lại còn mai mỉa “cháu của ba có hiếu quá hén, ba má về bển ở thử coi tới lúc hết tiền, nó còn tử tế vậy không?”.

Tôi mong các bạn trẻ khi đọc được dòng tâm sự nầy, nên xét lại cách cư xử với cha mẹ mình. Có cha mẹ ở bên cạnh là một niềm hạnh phúc lới nhất trong đời, nên khi cha mẹ già yếu phải hầu hạ, cơm dâng, nước rót, phải nể nang, tôn trọng ý kiến hoặc lời khuyên dạy của cha mẹ  mới xứng đáng là “Con Rồng Cháu Tiên” có nền văn hóa lâu đời, đừng bắt chước cái xấu của người Mỹ, cha mẹ già không nhờ được thì cho vào nhà dưỡng lão. Tội nặng lắm các cháu ơi!!!