80% người Mỹ bị loãng xương là phụ nữ, vì xương nhỏ hơn nam giới và dễ bị tổn thương bởi những thay đổi nội tiết tố gây biến đổi xương khi bước vào tuổi trung niên.
Tuy không thể cảm nhận được, nhưng tất cả xương của bạn thường xuyên bị gãy và tự xây dựng lại trong một tiến trình gọi là tái tạo (remodeling), dẫn đến toàn bộ cấu trúc xương được thay thế hoàn toàn khoảng 10 năm một lần. Đến chừng 50 tuổi, cơ thể phụ nữ đạt được sự cân bằng giữa lượng xương bị mất và tái tạo. Nhưng khi estrogen suy giảm, khi xương già đi và mất khoáng chất, chúng dần trở nên xốp và dễ gãy hơn, dẫn đến loãng xương và tăng nguy cơ bị gãy. Những bước sau đây có thể giúp giữ cho khung xương cứng cáp và mạnh mẽ.
NGĂN NGỪA
Tập luyện
Tập tạ sẽ kích thích các tế bào xây dựng xương hoạt động nhiều hơn và giúp duy trì sức mạnh của xương, làm giảm nguy cơ gãy xương. Hoặc tập thái cực quyền (tai chi), có thể cải thiện khả năng giữ thăng bằng và sức khỏe – chìa khóa để ngừa té ngã gãy xương.
Thực phẩm
Cơ thể cần canxi để hình thành xương mới và vitamin D để hấp thụ lượng canxi đó; thực phẩm chứa cả hai là sữa và cá hồi đóng hộp có xương. Hạnh nhân, bông cải xanh và các sản phẩm từ đậu nành đều giàu canxi; pho mát, trứng, gan bò và ngũ cốc cung cấp vitamin D.
Ngủ đủ
Nghiên cứu gần đây cho thấy những phụ nữ sau mãn kinh ngủ 5 giờ hoặc ít hơn mỗi đêm có mật độ khoáng chất trong xương (thước đo sức mạnh của xương) thấp hơn những người ngủ 7 giờ. Thiếu ngủ có thể cản trở tiến trình tái tạo xương diễn ra trong khi ngủ. Uống nhiều cà phê làm caffeine cao quá mức cũng làm giảm mật độ xương.
CHỮA TRỊ
Bổ sung bằng phụ dược
Nếu ăn uống không đủ canxi và vitamin D, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng phụ dược (supplements). Họ thường sẽ đề xuất liều hàng ngày 500 mg canxi và 400 IU vitamin D.
Ngừa mất xương
Các loại thuốc như alendronate (Fosamax), risedronate (Actonel) và axit zoledronic (Reclast) có thể làm chậm tiến trình mất xương và giảm nguy cơ gãy xương – mức độ thay đổi tùy theo bệnh nhân. Chích denosumab (Prolia) sáu tháng một lần có thể hữu ích.
Dùng thuốc tái tạo
Thuốc cũng có thể giúp tái tạo xương đã mất. Thuốc tự chích hàng ngày như teriparatide (Forteo) và abaloparatide (Tymlos) kích thích xương tăng cường mật độ và sức mạnh. Bác sĩ có thể chích romosozumab (Evenity), với liều lượng hai lần chích một tháng, có vai trò kép – vừa giúp tăng hình thành xương vừa làm chậm tiến trình mất xương. Cần thảo luận với bác sĩ về các tác dụng phụ bất lợi như chóng mặt, đau đớn và trầm cảm.
(theo Prevention)