Ghen tuông phi lý thì thực sự độc hại và ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ. Nếu chỉ để gìn giữ “hòa bình” trong hôn nhân mà thỏa hiệp với nó thì sẽ là một núi phẫn nộ tích tụ. Chẳng tốt lành khi sống chung với nó mãi mà phải tìm được “thuốc chữa”.

Bảo Huân

  • Việc ghen tuông phi lý của bạn đời không phải lỗi của mình. Ðiều rất hiển nhiên nhưng nhiều người trong cuộc không mấy rành. Thường người ghen tuông phi lý sẽ đổ lỗi cho nửa kia. “Em sẽ không ghen nếu anh không nói chuyện với người đó!” hay “Anh sẽ chẳng ghen nếu em không làm dzậy!”… hoặc những câu biện minh “Em có ghen cũng là yêu anh thôi!” Ghen mà thao túng, đẩy trách nhiệm cảm xúc vào nửa kia, đổ lỗi sự ghen tuông vào “nạn nhân”. Hệ lụy là cả hai đều thua, kém chín chắn và thiếu trưởng thành. Hãy tự hỏi chính mình việc làm có thực vô tư hay không? Ví như ông chồng thích làm thơ, bà vợ thích học đàn… mà lại bị nghĩ là trò đàn đúm. Bà vợ thích công việc giao tiếp rộng, mà ông chồng cứ giữ rịt ở nhà… Nếu như trên thì ông chồng, bà vợ không thể ngừng những điều mình yêu thích chỉ để xoa dịu cơn ghen vô lý của nửa kia.
  • Ghen tuông luôn có căn nguyên từ nỗi bất an, mặc cảm. Nó hoàn toàn bình thường bởi ai cũng có mặc cảm về điều gì đấy. Nếu ông chồng cứ phục tùng cái tính ghen tuông phi lý của bà vợ, thì bả sẽ dễ trở thành “chuyên gia” trong việc lạm dụng cái chiêu bài ghen tuông – bởi nó tạo hành vi tưởng thưởng. Muốn thoát khỏi cơn ghen phi lý, thì nửa kia phải học cách đối diện với nỗi bất an chính mình. Nếu có đi gặp cô X, ông Y thì luôn có sự giải thích trước – không bất thình lình. Tránh ngưng việc mình cần làm, cũng đừng đi bừa mà bỏ mặc không giải thích.
  • Ðừng tin rằng cứ yêu nhiều vô là hết bị ghen. Thông điệp kiểu Hollywood – tình yêu sẽ chinh phục tất cả, nỗi sợ, bất an, mặc cảm, etc. Ðáng tiếc, đời không như là phim. Cứ “bù đắp” và quan tâm tuyệt đối mỗi khi ổng/bả nổi cơn ghen – thì nửa kia sẽ bị “thuốc” mà tin rằng cứ ghen nhiều là càng được quan tâm, để ý. Trấn an không có nghĩa là phủ lấp bằng “tình yêu”, mà phải khơi gợi từ bên trong, giúp nửa kia đối diện với cái bất an, mặc cảm của họ.
  • Mấu chốt là nếu nửa kia hiểu được vấn đề thì đã đi hơn nửa đoạn đường. Càng nhận thức được việc ghen tuông phi lý của mình, càng có khả năng thay đổi. Biết rõ cảm xúc của mình, sẽ biết cách tiết chế tốt hơn. Ðặc tính của người hay ghen có thể do lòng tự trọng thấp, tính chiếm hữu, quá lệ thuộc, cảm giác kém cỏi so với bạn đời.
Xem thêm:   Chê

Nếu chính mình hay ghen phi lý, hãy tránh những tình huống dễ nghi ngờ như lục lọi, theo dõi quá đà. Sự rình mò dễ tạo ra nhiều kịch bản ghen tuông ly kỳ rồi tự rơi vào cái vòng luẩn quẩn cực đoan – theo dõi sâu sát hơn thì ghen tuông càng lên đô! Ðủ tự tin thì bớt ghen hơn. Bày tỏ cảm xúc, nỗi bất an mà kiềm chế sự tức giận, buộc tội hay mỉa mai. Biết thể hiện cảm xúc lành mạnh, thì nửa kia sẽ không bị bối rối – và cả hai sẽ cùng vượt qua cơn sóng ghen tuông độc hại này. Kể cả với một bà vợ hay ông chồng ghen tuông điên rồ nhất – nếu biết nhìn nhận và “cùng hợp tác”, thì luôn có hy vọng về mối quan hệ hạnh phúc lâu dài.