Mấy ông chồng nhiều lúc cứ thích nói lý, đề cao cái đúng đắn của “lập luận”, nhiều lúc dễ làm các bà vợ cáu tiết và oải. Mà thường các nàng không thể giải thích tại sao mình lại bực bội hơn trước cái sự “hợp lý” cứng nhắc của ông chồng, để rồi bị cho rằng các bà là “crazy”.

Nhưng nếu xem xét trong những tình huống cụ thể thì việc nghi ngờ tính đúng đắn của logic cứng nhắc là rất có ý nghĩa. Bất kể khi một trong hai gặp khó khăn, những gì mà ông chồng, bà vợ tìm kiếm từ người bạn đời là sự thấu hiểu, thông cảm những gì họ đã trải qua. Ví như bà vợ run rẩy khi thấy một con chuột nhắt, thì ông chồng lại rất lý trí “Em cứ quýnh lên, nó có cắn chết ai đâu, la to nhức đầu!” Hay cô vợ cảm thấy kinh khủng về ngoại hình, dù chẳng có ai phán xét khắc nghiệt cả … Ông chồng sẽ rất ngớ ngẩn nếu cứ hồi đáp theo lý trí. Rất nhiều lúc, các nàng không tìm kiếm câu trả lời, bởi có những vấn đề có thể quá khúc mắc, mơ hồ để nói ra – mà điều phụ nữ tìm kiếm là sự trấn an, đồng cảm, và bình tâm trở lại. Nếu ông chồng cứ lý trí, “Mặt mũi em có sao đâu mà lo sợ xấu! Ai mà để ý!” – cái kiểu bày tỏ thái độ một cách quá logic, sẽ không được nhìn nhận là một hành động tử tế. Mà đó chỉ là sự thiếu kiên nhẫn được ngụy trang bằng “lý trí”.

Bảo Huân

Nên hiểu rằng, con người không ít khi có những nỗi sợ hãi, âu lo rất phi lý và họ cảm thấy bất ổn nội tâm. Ông chồng có thể lo lắng về tiền bạc ngay cả khi kinh tế gia đình vẫn ổn. Bà vợ trước chuyến du lịch có thể rối tung, cập rập như thể quên pack thứ gì đó – dù ông chồng đã check lại đủ mà thiếu thì có thể đến nơi rồi mua sau. Nếu không trấn an, cứ đáp lại cứng nhắc logic – thì dù nó đúng, nhưng không giúp ích và dễ gây tức giận và hơi coi thường nửa kia.

Xem thêm:   Chê

Ðàn ông hay đòi hỏi sự trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề – nhưng nhiều ông không hiểu rằng cái logic “common sense” cục mịch đấy thiếu đi những hiểu biết sâu xa về tâm lý. Cái kiểu thẳng tưng của ông chồng về nỗi bất an và cảm xúc biến thiên của bà vợ ngăn cản việc tìm hiểu, đồng cảm về bất kỳ nỗi sợ vô cớ của đàn bà – mà mấy ông lại thường thích phân tích tại sao không nên sợ, không nên lo lắng. Lý ra đàn ông nên dùng cái trí thông minh của họ vào nhiệm vụ trấn an hay “tham dự” vào câu chuyện để trải nghiệm những điều kỳ cục trong tâm trí bà vợ. Có vậy mới là chỗ dựa tinh thần.

Cả hai giới đều có những lúc điên rồ, đều muốn được an ủi, đều muốn bộc lộ những lo âu, sợ hãi phi lý nhất mà không bị phán xét, coi thường. Ðể rồi sau đó tất cả đều sẽ ổn, ai cũng có quyền dễ tổn thương, kể cả ông chồng logic, khi dám thổ lộ những điều ngớ ngẩn với bạn đời.

Tuy nhiên, việc tỏ ra logic, nhát gừng lắm khi không phải là tình cờ hay thiếu đồng cảm. Mà ổng đang tỏ ra khó chịu, bực bội và muốn “trả đũa”. Vợ hỏi, “Anh yêu, ăn tối chưa?” Ông chồng cộc lốc “Ăn rồi!” Khi cả hai đều logic, thì cái hiện tượng nhát gừng, “cô đọng” về mặt câu chữ sẽ xảy ra. Có thể hai người đã không nỗ lực đồng cảm, thấu hiểu nhau. Hoặc bà vợ có thể đã từng ngó lơ nhu cầu của ông chồng, và đến lượt thì ông “trả đũa” ngắn gọn, và lạnh như tiền.

Xem thêm:   Bản án treo

Khi gặp ông chồng quá lý trí thì đừng ngậm ngùi trước những lý lẽ của chàng – hãy mạnh dạn hỏi, “Sao anh lại cứng nhắc khi em đang bị tổn thương?” Hoặc nếu ông chồng chơi chiêu nhát gừng, hỏi gì đáp nấy không hơn thì nàng cần xuất chiêu nhu thắng cương, “Em đã làm gì sai phải không anh?”

TH