Quá kiểm soát hay thao túng con cái đều độc hại, nó ngăn trở đứa trẻ trưởng thành một cách tích cực. Dưới đây là gì những “police parents” hay thể hiện.

So sánh con mình với anh chị em ruột, họ hàng, bè bạn của chúng. Ðừng cố biến những mối quan hệ của con trẻ thành sự ganh đua với ai, như lấy góc nhìn chủ quan của cha mẹ mà so sánh một đứa con thành đạt của bà bạn thân, hay đứa anh giỏi môn khoa học mà coi thường đứa em chỉ có năng khiếu về nghệ thuật. Ðừng cố áp đặt con bằng những chiến thuật ép buộc của mình. Ðiểm A không phải là tất cả!

Bảo bọc con cái thái quá khiến đứa trẻ bị lệ thuộc về cảm xúc, năng lực giải quyết vấn đề; với đứa trẻ thành niên là cả sự lệ thuộc về tài chính. Ðiều này ngăn chặn nỗ lực độc lập của con trẻ, tệ hơn nữa là dùng sự lệ thuộc này để thao túng con cái phải làm theo ý của mình. Ðừng chuyện gì cũng “nhúng mũi” và giải quyết giúp con. Daddy’s girl hay Mama’s boy chính là những đứa bé bị bảo bọc thái quá, không có khả năng tự giải quyết vấn đề khi chúng trưởng thành.

Làm con cái luôn mặc cảm có lỗi khi không nghe lời là một điều vô cùng nguy hại. Nó tiêu diệt tinh thần phản kháng, và mang tâm lý nặng nề cho đứa trẻ khi cảm thấy không nghe lời cha mẹ. Hãy dạy cho đứa trẻ biết nói “KHÔNG”, biết đồng ý và biết cả từ chối đúng mực. Một đứa trẻ chỉ biết tuân phục lời cha mẹ dễ trở thành người bị lạm dụng về mặt tình cảm. Nó có thể bị một ông bạn bá vơ của ông bố kêu thử ngụm rượu, hay bạn của thằng anh dụ rít một hơi thuốc mà không đủ bản lãnh từ chối. Khi không nhận thức đủ về sự đúng/sai, đứa trẻ dễ bị lợi dụng.

Xem thêm:   Sau tháng 4 buồn

Ðặt ra những kỳ vọng không thực tế. Nghiêm khắc một cách phi lý có thể tạo ra một áp lực tinh thần và thể chất lên con trẻ. Quá tải các lớp ngoại khóa, thể thao, piano, … những thứ có thể chúng không thực sự đam mê, cướp mất sự khám phá của đứa trẻ về tiềm năng thực của chính chúng.

Tầm thường hóa, gạt đi những nhu cầu, ý kiến của con trẻ. Rất phổ biến với kiểu cha mẹ ái kỷ, luôn đổ lỗi, không nhận phần trách nhiệm mỗi khi làm tổn thương con cái. Ðừng vội kết tội con cái khi chúng không nghe theo lời mình, hay lờ đi những gì con muốn bộc lộ cho dù đó là điều hơi trái ý mình.

Biện bạch sự bạo hành dù là tinh thần hay thể xác như là phương thức dạy dỗ. Hãy biết rằng bạo hành không phải là phương pháp kỷ luật lành mạnh, đặc biệt là với những đứa trẻ cá tính hay cứng đầu.

Coi con cái như một món đồ phô trương. Hãy đối xử với con trẻ như một con người. Cha mẹ tốt cho phép sự tự do sáng tạo để con trẻ thực sự muốn trở thành “Who they are.” Ðừng luôn chắc rằng mình biết điều gì tốt nhất cho chúng!

Bảo Huân

TH