Năm 1985, mười bảy năm sau thời gian tôi phục vụ ở chiến trường Việt Nam, tôi và vợ tôi thực hiện chuyến đi Washington. Cuối cùng thì tôi đã được viếng thăm Bức Tường. Tôi xin nhà tôi để được đi một mình. Nàng vui vẻ chiều ý tôi và ở lại trong motel ngồi xem truyền hình đợi tôi về. Motel chúng tôi ngụ chỉ cách Ðài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam có một quãng đường và tôi thả bộ tới đó.

Quá xúc động vì cuộc viếng thăm, tôi đã quên không mang theo máy ảnh, nhưng vẫn nhớ cặp kính râm tuy hôm đó mát trời. Tôi không muốn người ta nhìn thấy tôi khi không giữ được nước mắt.

Thắm Nguyễn

Ðúng như người ta đã nói, một sự im lặng trang nghiêm bao phủ cảnh quan 200 feet mỗi bề. Mọi người đều tự động ngưng nói chuyện khi bước qua đường ranh vào khu tưởng niệm. Tôi tới bên Bức Tường, yên lặng đứng ngắm nhìn những người đàn ông đàn bà chung quanh. Có kẻ lấy ngón tay vuốt ve hàng chữ tên của người thân, những người khác thì bày đồ tưởng niệm ở ngay bên dưới. Phần đông chỉ đứng nhìn, cái nhìn của họ như vượt qua hàng ngàn dặm và nhiều năm cách xa nơi chốn này. Chẳng bao lâu tôi cũng theo đường bay của những người này.

Sau khi một hướng dẫn viên chỉ cho tôi biết cách tìm ra một cái tên, tôi đã lần lượt đọc thấy hết tên này tới tên khác, những người bạn đã cùng chiến đấu bên cạnh tôi ở những năm tháng ấy. Nhìn những cái tên khắc trong đá cẩm thạch, tôi mừng là đã mang cặp kính râm theo. Mắt tôi đầy lệ. Lâu nay tôi vẫn cố nghĩ chắc có sự nhầm lẫn chứ các đồng đội của tôi không thể nào chết được. Bây giờ thì tôi không thể nào chối bỏ sự thật – họ đã chết. Buổi trưa hôm đó đứng trước bức tường đá đen tôi đau không kể xiết. Thôi hết rồi không còn gì nữa hết.

Xem thêm:   Dòng chữ trên tường

Một lát sau khi nỗi xúc động trong tôi lắng dịu, tôi bước lui một quãng để nhìn toàn cảnh khu tưởng niệm. Tôi bỏ kính ra và nhìn kỹ những người chung quanh. Họ đều ở tuổi trung niên, không có vợ đi theo, và tất cả đều mang kính râm.

NS (theo Stephen C. Klink)