Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Hơn một năm virus Covid hoành hành, cuộc sống bình thường của người dân bị thay đổi rất nhiều. Tuần rồi, nghe tin vui, giãn cách xã hội được nới lỏng, vì phần lớn dân chúng đã được chích ngừa đầy đủ, nên việc họp mặt gia đình, bạn bè cũng được mở rộng.

Nhân dịp này, tôi mời vài cặp bạn thân đến nhà để xả bầu tâm sự, sau một năm chuyện trò, thăm hỏi qua điện thoại. Cuộc hội ngộ vui như ngày Tết, người nào cũng tay xách, nách mang, nào là thịt thà, rượu bia, hoa trái ê hề. Thôi thì, đủ mọi chuyện vui buồn trong gia đình, giữa vợ chồng, con cái, và cả những chuyện “bây giờ mới biết” khi bị bó chân trong nhà một thời gian khá lâu.

Anh Ban, người ồn ào nhất trong nhóm, lúc nào cũng trào lộng:

– Ai nói gì thì nói chứ tôi cám ơn “em” Covid-19 lắm (!). Ban đầu thì hơi khủng hoảng, nhưng nhờ “em” mà tôi được ở nhà chăm sóc “người tình mũm mĩm nầy” (anh vỗ vai chị vợ bên cạnh, đang cười híp mắt). Cũng nhờ chính phủ trả cho hai đầu lương, vừa thất nghiệp, vừa trợ cấp liên bang, rồi nào là gói cứu trợ sáu trăm, ngàn tư, lại không được đi mua sắm, đi nhà hàng, khỏi tốn tiền xăng nhớt, vậy là có dịp đếm tiền mệt nghỉ. Một năm ở nhà mà lợi tức gấp đôi năm đi làm. Nói thì bị thiên hạ chửi, nhưng tôi vẫn cám ơn “em” Covid. Hehe!!!

– Xí, ông lúc nào cũng nghĩ đến tiền mà không hề quan tâm đến cái khác. Nhìn lại ông và tôi đi. Ở nhà, cứ ăn rồi ngủ, nên bây giờ cái bụng chang bang, tướng đi ủn ỉn như đôi lợn béo, ăn diện sao cũng thấy “phản nghệ thuật”. Nhìn kìa, dáng thon thả của chị Tính thấy mà bắt ham.

– Nói thiệt với em, chứ từ trước tới giờ anh chưa bao giờ chê chán người tình “búp bê mũm mĩm”của anh à nha. Hehe!!!

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Chị Luông hắng giọng:

– Ông nào ngồi trước mặt vợ cũng hiền lành, đạo đức như thánh nhân. “Không cần biết, em là ai” (*), anh cũng một mực yêu em, chung thủy với em từ đầu tới cuối, nhưng ra đường thấy gái sexy, chân dài tới nách, là nhìn không chớp mắt. Ðàn ông các anh, “virus” phản trắc đầy người.

– Em ơi! đừng quơ đũa cả nắm. Ðàn ông, cũng có người nầy người khác, riêng anh đây một mực chung tình, ra đường cứ nhìn thẳng mà đi. Ðôi khi bị xui xẻo, nên tự nhiên… có mấy cô đỏng đảnh đi trước mắt, phải vội lấy kính đen mang vào.

Chị Luông trừng mắt nhìn chồng:

– Mang kiếng đen làm gì? Ðể tôi không thấy cặp mắt dê xồm của ông hả?

Một trận cười hả hê vang lên. Chủ nhà rộn ràng mời mọc:

– Ông bà ơi, cho tôi can! Nào, mời mọi người nâng ly, chúc mừng chúng ta vẫn còn nguyên vẹn trong cơn đại dịch.

Tiếng cụng ly côm cốp, tiếp theo là những câu chuyện, những tiếng cười vang lên như pháo nổ. Chỉ riêng anh chị Thắng, thỉnh thoảng nói cười cho có lệ, hầu như họ chú tâm vào chiếc điện thoại đang nằm trước mặt hơn là góp chuyện với bạn bè. Một điều rất khác lạ so với biệt danh “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ” mà cả nhóm đặt cho chị Thắng từ mười năm trước khi cả nhóm thường tụ họp hát karaoke. Chị Thắng liến thoắng, hoạt bát ngày nào, bây giờ đã khác. Ðôi môi chị lúc nào cũng cười mỉm mà không biết chị cười vì câu chuyện vui của bạn bè trên bàn tiệc, hay cười với ai đó trên chiếc điện thọai chị đang chăm chú theo dõi. Không dằn được sự tò mò, tôi khều chị hỏi nhỏ:

– Ủa! “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ” bộ bữa nay biến thành “Bà Bắc Kỳ già nua” rồi hay sao mà im lìm vậy?

Chị chưa kịp trả lời, tôi đã hỏi tiếp:

– Bộ có chuyện gì quan trọng lắm sao mà chị cứ phải theo dõi điện thoại vậy?

Chị Thắng ngước lên nhìn tôi, có vẻ ngập ngừng. Anh Thắng xen vào:

– À, à… tụi tôi đang xem facebook. Mấy người bạn ở VN cho biết, mọi người đang lo ngại Covid bùng phát mạnh, vì du khách bên Tàu qua nhiều quá.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Nói xong, anh chị vói tay, gắp qua loa vài món ăn rồi lại tiếp tục chăm chăm vào màn hình điện thoại, tiếp tục ngơ ngác, lúng túng khi có ai bất ngờ gọi tên:

– Phải không, anh Thắng?

– Có đúng không, chị Thắng?

Bạn bè không ai nói gì, nhưng tôi cảm nhận có chút gì không thoải mái, khi anh Khiêm nhìn theo anh chị Thắng đang bước ra cửa và chép miệng:

– Tội nghiệp ông bà Thắng ngồi chơi mà không yên, cứ phải quẹt qua, quẹt lại y hệt mấy thằng nhóc nhà tôi.

Có lẽ, chị Thắng cũng cảm thấy áy náy vì sự thay đổi của mình, nên tuần sau chị gọi cho tôi để giãi bày:

– Kể từ ngày xảy ra đại dịch, hai vợ chồng tôi vừa được nghỉ ngơi, vừa được lãnh tiền nhiều hơn đi làm, nên tha hồ mà hưởng thụ cuộc sống. Nhưng sau một thời gian xem phim bộ triền miên cũng chán, anh Thắng bắt đầu lên mạng theo dõi cuộc bầu cử sôi động cũng như tình hình bệnh dịch, sau đó tìm tòi, lục lạo tin tức trường xưa, bạn cũ. Ban đầu một vài giờ mỗi ngày, dần dần không còn giờ giấc và đâm ra nghiện luôn, nên ôm computer suốt ngày. Tôi bỗng trở thành người cô đơn. Nghe tôi than thở, bà chị chỉ cách chơi facebook. Và nhờ nó mà tôi liên lạc được nhiều bạn bè, rồi thì chuyện trên trời dưới đất, chuyện thời sự, chuyện tâm tình, chuyện thẩm mỹ, chuyện nấu nướng, chuyện ông kia, bà nọ… riết rồi tôi cũng nghiện giống chồng luôn. Và bây giờ, anh Thắng có niềm vui của anh, tôi có niềm vui của tôi.

Chị Thắng kết thúc câu chuyện bằng tiếng cười giòn tan:

– Chị thấy đó, giờ đây vợ chồng tôi, chỉ cần ta với ta không ai phiền đến ai.

Chẳng biết câu nói này có giải đáp được câu hỏi của chị Khánh –  người đã kể cho tôi nghe câu chuyện trên đây: “Thật tình, tôi không biết bạn tôi sống như vậy có hạnh phúc hay không?”.


Bảo Huân

Bạn thân mến,

Hạnh phúc trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó. Cảm xúc nầy rất khác nhau, tùy thuộc vào năng lực, nhận thức của mỗi con người. Do đó, không thể phê phán cách sống của người nào đó hạnh phúc hay không. Ở đây, người viết chỉ xin góp vài cảm nghĩ cho vui.

Có lẽ, anh chị Thắng ở nhà nhàn rỗi quá, thừa thãi thời gian bên nhau đến nỗi không còn chuyện gì để nói cho nhau nghe, như ý nhạc của cố nhạc sĩ Y Vân trong nhạc phẩm Buồn “Buồn như khi gặp mặt, không còn chuyện để vui”. Vì vậy, lướt facebook để tìm niềm vui cùng bạn bè trong thế giới ảo là một hạnh phúc rất riêng của mỗi người. Ðiều đó, ngẫm ra không hại chi ai, chỉ có chút khúc mắc là nỗi băn khoăn của bạn bè khi ngồi chung nhau mà hình như xa cách. Dù sao, đó cũng là một hiện tượng xã hội của thời đại công nghiệp truyền thông. Hình ảnh một cặp tình nhân hay nhóm bạn thân trong nhà hàng, mỗi người chăm chú nhìn vào điện thoại, im lặng để thưởng thức món ăn hay “món” gì khác nên chỉ có tiếng bát đũa va chạm, chứ không có tiếng xì xào trò chuyện, gây ồn ào làm phiền hà người chung quanh. Trông có vẻ lịch sự lắm, nhưng hình như không còn sự gần gũi, thân tình của ngày xưa.

“Một vài người tạo ra hạnh phúc bất cứ nơi nào họ tới, lại có những người khác, khi có họ lại mất vui”, câu nói của Oscar Wilde (*) cũng là một hiện thực đáng cân nhắc, phải không bạn?

Thôi thì, mỗi người một cách khác nhau, nhưng hơn nhau ở chỗ là biết chấp nhận những điều không thay đổi được của người thân, thử nghe lời khuyên của thầy Thích Nhất Hạnh: “Ðôi khi hạnh phúc khiến bạn cười, và đôi khi việc cười cũng khiến bạn hạnh phúc. Cách để hạnh phúc nhanh nhất là cứ ngồi cười một mình, khả năng 50% là bạn sẽ hạnh phúc ngay sau đó”.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

 (*) Oscar Wilde là một nhà thơ và nhà soạn kịch (1854-1900)

 (*) Lời bài hát “Vì đó là em” của nhạc sĩ Diệu Hương