Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

– Trinh, Trinh.

– Trời, bồ đi đâu mà mấy ngày nay tôi gọi hoài không bắt máy. Hôm qua, gặp ông Toàn ở quán “cơm chỉ”, ổng nói “lúc này bà xã tôi không rảnh để nấu ăn, vì bả bận trừ gian diệt bạo”. Sốc thiệt nha, tôi liền hỏi “Ủa, Liên trở thành nữ hiệp sĩ hồi nào, sao tôi hổng biết?”. Ổng trả lời với giọng chán chường “Muốn biết, hỏi bả đi. Chán mớ đời!”. “Chuyện gì vậy? Nói nghe coi”.

Kéo tay tôi ngồi xuống chiếc ghế dài đặt dọc theo lối vào chợ, Liên cười giòn:

– Ối, ổng mỉa mai tôi đó mà.

– Nhưng bồ làm gì mà ổng mai mỉa?

– Ừ… thì…

Ðang nói, Liên đổi giọng rù rì:

– Bồ có hay mở “you tube”, xem các mục giải trí không?

Tôi tròn mắt, lắc đầu:

– Không!

– Bồ có xem các “game show” trên truyền hình Việt Nam không?

– Không!

– Bồ có bao giờ xem phim tập Việt Nam không?

– Không!

Liên lắc đầu, nhíu mày:

– Nói chuyện với bồ chán phèo, cái gì cũng không là sao?

– Trăng sao gì, công việc làm không hết, tin tức báo chí còn không đủ giờ để theo dõi, giờ đâu mà tìm tòi đủ trò như bồ. Nhưng chuyện đó có liên quan gì đến bốn chữ trừ gian diệt bạo.

Liên ngả người ra sau, cười thích thú:

– Ha! Ha!!! bồ biết không, sau khi xem các mục đó, “cư dân mạng” thường ghi  lời bình luận ở phía dưới, nhưng có những bình luận đọc xong sốc liền. Không biết tại sao có những người cứ thích làm tổn thương người khác bằng những lời phê phán ác độc. Bồ biết tính tui mà… thấy chuyện bất bình không thể làm ngơ, nên tui phải xăn tay áo để trừ gian diệt bạo.

Thấy mặt tôi ngớ ra, Liên mở điện thoại, những ngón tay trắng muốt thon dài, sơn màu đỏ chói, lướt dài trên chiếc điện thoại mới toanh.

– Nè! đây là mục “Những người nổi tiếng”, đang sôi nổi về nguồn tin cô ca sĩ đang lên như diều gặp gió, vừa kết hôn với đại gia. Người đưa tin thêu dệt, thêm bớt với nhiều chi tiết vô căn cứ và cái gọi là “cộng đồng mạng” tha hồ bàn tán, suy diễn đủ chuyện. Ðã không chúc mừng người ta thì thôi, đằng này họ lôi chuyện quá khứ của cô dâu, chú rể, rồi tấn công tơi bời bằng những lời chỉ trích đầy ác ý. Bồ đọc thử xem nè: “Thật là xứng đôi vừa lứa, một thằng bỏ vợ, một con ham tiền”. “Ðàn ông mê sắc là không nên nết. Chờ đến ngày nó bị trả báo, bị con này lấy hết tiền rồi đuổi khỏi nhà cho đáng đời”. Bồ thấy không, chuyện thiên hạ, mắc mớ gì mà nguyền rủa người ta. Chướng mắt nên tôi ra tay. Ðây là phần phản pháo của “Trừ gian diệt bạo”. Là biệt danh của tôi đó nhe. “Ai cũng có quyền lựa chọn cuộc sống của mình. Nếu sai thì tự họ lãnh hậu quả. Bạn có tốt chưa mà lên giọng kết án người khác. Ðừng bươi móc, đừng làm tổn thương người ta. Bớt sân si, bớt tạo nghiệp để còn hưởng phước sau này.” Còn một chương trình khác thì họ chĩa mũi dùi về phía MC “MC cần ngoại hình, mà em… răng đã vẩu, giọng nói còn chua lè. Thôi về chăn heo đi em”. Thử tưởng tượng, nếu mình là người nhận những lời chê bai thậm tệ ấy thì chỉ có nước nhảy lầu vì uất ức. Thế là mình phang ngay “Ðúng là ghen ăn, tức ở. Có phải không được như người ta rồi ghen tỵ không? Ðể thì giờ lo chuyện nhà đi bạn”. Bồ thấy tôi nói đúng không?

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Trinh phì cười:

– Ðúng thì có đúng, nhưng  bồ cũng về mà lo chuyện nhà đi. Sắp lên hàng lão làng rồi mà cũng tính nào tật nấy, tối ngày làm chuyện bao đồng.

– Haha… tại vì  tôi thấy tội cho “nạn nhân”, chẳng chọc ghẹo gì ai, tự dưng lại bị ném đá. Người nói thì cứ nói cho sướng miệng. Người gõ thì cứ gõ cho sướng tay. Chẳng biết có khi nào họ nghĩ, những lời bình phẩm ác nghiệt đó ảnh hưởng đến tinh thần của người khác đến chừng nào không. Có người bị chỉ trích gièm siểm hơn mấy trăm lần, chịu đời sao thấu.

Trinh cười:

– Ai biểu họ nổi tiếng làm chi!

– Thiếu gì trường hợp họ là bạn bè, là người thân của nhau, nhưng khi có chuyện mích lòng cũng đem nhau ra rủa sả hết lời. Hoặc nhiều khi chỉ là để chọc ghẹo cho vui, nhưng người chọc thì vui mà người bị ghẹo thì héo hắt, u sầu.

Câu nói của Liên khiến Trinh nhớ lại một câu chuyện xảy ra rất lâu.

Lần đó, Trinh theo dì Tư về Việt Nam thăm bà ngoại. Trước khi trở sang Mỹ, dì dắt Trinh đi thăm một người bạn thời trung học. Bạn của dì Tư nghèo khổ, cằn cỗi đến tội nghiệp. Không chồng, không con, dì ấy chỉ có gánh cháo làm phương tiện sinh sống. Lúc dì Tư tặng  một bao thư tiền làm quà, dì nhất định từ chối. Mãi đến khi dì Tư sắp khóc, dì mới ngập ngừng cầm lấy với đôi mắt nhòa lệ. Dì nghẹn lời trong câu hối tiếc:

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Từ trước đến giờ Tư luôn là người an ủi, quan tâm và lo lắng cho mình. Nếu hồi xưa mình nghe lời Tư, gạt bỏ những lời thị phi tàn nhẫn thì bây giờ có lẽ mình cũng có trình độ, có công việc làm ổn định.

Dì Tư ôm chặt lấy bạn, bàn tay vỗ nhẹ trên chiếc lưng đã hơi còng:

– Số phận cả Thân ơi. Bỏ hết đi, đừng nghĩ ngợi gì nữa. Giữ gìn sức khỏe, lần sau mình sẽ đến thăm bạn.

Trên đường về dì Tư kể, ngày còn trẻ dì Thân là một cô gái kém nhan sắc nhưng tính tình hiền lành, dễ thương và rất nhút nhát. Ðã vậy, cha mẹ của dì Thân rất khó khăn, cổ hủ. Thời ấy, bạn bè trong trường đều mặc áo dài ngắn qua gối, nhưng dì Thân thì lúc nào cũng lệt bệt chiếc áo dài cũ kỹ dài tận gót chân. Tóc cũng không được cắt ngắn, uốn quăn, mà phải để dài qua lưng rồi kẹp lại bằng chiếc kẹp ba lá. Phía trước thì chải phùng lên một cục, xức dầu láng mướt. Buồn vì không được chải chuốt theo thời trang như bạn bè, lại còn bị con trai chọc ghẹo, đặt cho biệt danh “máy đuôi tôm chạy  dầu dừa” để ám chỉ mái tóc thoa dầu rất quê mùa, dì Thân mặc cảm nên lúc nào cũng co rút, sợ sệt. Càng co rút lại càng bị bọn con trai trêu đùa tàn nhẫn. Nỗi buồn, nỗi sợ ngày càng ám ảnh nặng nề, cuối cùng dì bỏ học, trốn về quê sống với ngoại và tự mình cắt đứt con đường học vấn để được an thân bên ruộng rẫy, nương dâu. Dì Tư thở dài:

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Dù biết đó chỉ là những nghịch ngợm của thời tuổi trẻ, nhưng mỗi lần nhớ đến Thân, dì không thể không trách giận những con người vô tâm đó, vì họ đã mang đến cho cô con gái vừa mới lớn sự hao tổn tinh thần, đến nỗi đánh mất cả tương lai vì cái mặc cảm đeo đẳng suốt cuộc đời.


Bạn thân mến,

Sống trong thời đại khoa học kỹ thuật tiến bộ, con người hưởng được biết bao điều lợi ích trên mọi phương diện. Người biết tận dụng sẽ được chạm vào thế giới như vật dụng trong lòng bàn tay. “Youtube” là nền tảng đơn giản nhất đã góp phần mang những lợi ích về truyền thông đến mọi tầng lớp, mọi sắc dân ở khắp nơi chỉ cần qua chiếc điện thoại. Không ai có thể phủ nhận sự ích lợi rất tích cực của “Youtube”.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, kể từ khi “Google” trả tiền quảng cáo theo lượt người vào xem, “Youtube” không còn dừng lại ở chức năng giải trí, học tập hay truyền thông đơn thuần. Nhiều người làm “video” trên “Youtube” đã bất chấp mọi thứ, không cần biết đúng hay sai, truyền đạt những đề tài khích động chỉ để có nhiều lượt xem hầu trục lợi. Thời chưa có “internet”, khi người ta nói xấu nhau, chọc ghẹo, hay vô tư chĩa những lời độc địa vào ai đó, chỉ lan truyền loanh quanh trong một vài nhóm người gần gũi, thế mà đã cũng đủ giết chết một con đường tươi sáng một cô học trò tội nghiệp như câu chuyện của Dì Thân.

Ngày nay, với nền tảng truyền thông xã hội rộng rãi khắp thế giới, vì mục đích kiếm tiền các “Youtuber” thiếu lương tâm đã gieo rắc những tin xấu, thêm sự tương tác của người xem bằng bình luận sôi nổi. Tốt như người “trừ gian diệt bạo” tên Liên trong câu chuyện, chỉ lo “tám” để ông chồng bị đói thôi còn xí xóa được. Nhưng hùa vào, tận tình vun thêm cái xấu thì tác hại cho nạn nhân không khác gì vũ khí điên cuồng của Putin dội vào đất nước Ukraine.

Ước gì, mọi người mang đến niềm vui cho nhau qua Youtube, Facebook… bằng những lời trao đổi lịch sự, nhẹ nhàng, để tất cả đều có được cuộc sống thoải mái, tươi vui.

Bảo Huân