Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Cơn dịch Covid vừa giảm sút, các sinh hoạt cộng đồng vừa rục rịch chuyển mình, thì đám bạn cũ đã ới nhau họp mặt. Lâu ngày không được gặp gỡ, “lời qua, tiếng lại” đủ mọi đề tài, nên không khí ngày “khai trương” có vẻ sôi nổi khi anh Liệt và anh Nghiêm tranh luận về vấn đề  Ăn và Nhậu. Anh Nghiêm nói:

– Nếu trong bữa tiệc mà không có món xôi, thì tôi không xem đó là tiệc.

Cũng như vậy, nếu ai mời tôi uống rượu mà không có vị ngọt, thì đó không phải là rượu!

Anh Liệt trợn mắt hỏi:

– Vậy ly đó là gì?

Anh Nghiêm trả lời với giọng cà giựt:

– Tôi đâu có uống mà biết. Không hiểu tại sao người ta có thể bỏ tiền mua cái thứ vừa cay, vừa đắng mà uống lấy uống để, đến nỗi say khướt, lăn quay.

– Anh mới là lạ. Sống hơn nửa đời người, nhất là tại cái xứ sở rượu bia tràn ngập nầy mà cho rằng, chỉ có loại rượu ngọt dành cho phụ nữ mới là rượu thì quả là đáng ngạc nhiên. Chắc anh cũng biết câu “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Ha! Ha! vậy là đời anh không hề có gió.

Anh Nghiêm nhăn mũi hỏi lại:

– Vậy “gió” của anh có phải “gió” kiểu này không?

Một ly nhâm nhi tình bạn

Hai ly uống cạn lòng sầu

Ba ly mũi chảy đầy râu

Bốn ly ngồi đâu gục đó

Năm ly cho chó ăn chè

Sáu ly vợ đè cạo gió (*)

Cả bàn cười rộ lên. Anh Trần xen vào:

– Chuyện rượu… “xưa rồi Diễm”. Mời hai ông nghe cụ Trần Tế Xương nói nè:

“Một trà, một rượu, một đàn bà,

Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta.

Chừa được thứ nào hay thứ ấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà!

Anh Nghiêm xua tay, lắc đầu:

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Trà thì tôi không thích, rượu thì nhâm nhi chút rượu ngọt mà anh Liệt cho rằng không phải rượu. Còn món thứ ba là đàn bà, mà đàn bà là mẹ của con tôi, có muốn chừa cũng không được.

– Nãy giờ, chúng ta nói về uống mà chưa nói về ăn. Nhất là người Việt chúng ta, cái gì cũng bắt đầu bằng chữ ăn, như ăn nói, ăn tiệc, ăn gian, ăn hối lộ… ngồi lại ghi chép cả ngày cũng chưa hết chữ ăn theo nghĩa dân gian. Tóm lại, cái thú ăn là một hoạt động gắn liền với con người. Chẳng những ăn để sống, mà còn tác dụng đến hạnh phúc mỗi người. Có người ăn không thiếu món gì, có người lại kỵ món Tây, món Tàu, có người lại phải kiêng cữ vì cao mỡ, cao máu, cao đường, như tôi đây. Còn anh Liệt thì sao?

– Tôi là dân nhậu, nên ăn xả láng. Nhưng phải là thức ăn Việt Nam. Mỗi lần đi chơi xa, việc đầu tiên là tôi phải tìm nhà hàng Việt, chứ nhà hàng Mỹ hay “fast food” là tôi không chơi. Phải là cơm, phở, mì, hay món ăn Tàu cũng được. Tôi khổ sở khi phải  ăn cưới ở khách sạn sang trọng. Cứ nhìn dĩa steak, cá salmon, hay gà, bài trí đẹp đẽ trước mặt là ngán tới cổ, nên chỉ khều khều chút bánh mì bơ dằn bụng cho cái bao tử khỏi làm reo, chứ thật ra trong lòng cứ lẩn quẩn niềm “khao khát”, phải chi có một tô phở  thì ngon biết bao!

– Tôi kể anh nghe chuyện anh bạn tôi về cái vụ ăn nhé. Tháng Sáu vừa qua, khi tụi nhỏ nghỉ hè, chúng tôi cùng đi Universal Resort Orlando. Buổi tối đầu tiên, hai gia đình vào nhà hàng Mỹ ăn tối. Trong thực đơn có món steak nổi tiếng, mọi người ai cũng muốn ăn, chỉ có anh bạn tôi – giống như anh – cứ muốn thức ăn Việt hay Tàu thôi. Anh ấy nói, không thích và cũng chưa bao giờ ăn thức ăn Mỹ, nhưng con anh nằn nì “Bố phải thử một lần cho biết”. Anh ấy nhìn dĩa steak chẳng chút thú vị, nhưng chiều con, nên miễn cưỡng cho miếng thịt thơm lừng vào miệng, nhai chầm chậm, từng miếng, từng miếng một, chăm chú lắng nghe, đầu gật gù nhè nhẹ khi nhắm chút rượu đỏ. Buồn cười là cả bàn hồi hộp theo dõi, như đang xem một đoạn phim hấp dẫn. Và thật bất ngờ khi anh đưa cao ngón tay cái để cho điểm. Ăn xong, anh nói với vợ “Vậy là anh đã lãng phí bốn mươi lăm năm, vì không chịu thưởng thức món tuyệt chiêu này. Từ đây về sau, nhất định anh sẽ thử mọi món ăn khác, chứ không phải duy nhất là cơm và phở ”.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Bảo Huân

Bạn thân mến,

Qua câu chuyện Ăn và Nhậu trên, ta cũng không thể cho rằng, không biết thưởng thức một món ăn ngon hay không biết uống rượu là đã hoang phí đời sống mình, đánh mất một niềm hạnh phúc. Bởi vì, mỗi người có  một quan niệm sống khác nhau về ăn, nhậu. Chẳng hạn, nhìn một người tu hành chỉ biết ăn chay, uống nước lã,  có ai dám cho rằng người ấy không hạnh  phúc?. Nói đến phe có  tinh thần ăn uống, người ta hay lý luận  “Ăn để sống. Muốn sống phải ăn. Muốn ăn được thì phải ngon. Không ngon thì không ăn được. Mà không ăn được thì hết sống.

Như vậy, muốn sống được thì phải ăn ngon”. Chính vì thế những người khỏe mạnh, yêu đời, luôn là những người ăn ngon. Một người làm việc vất vả, hay mệt mỏi sau chuyến đi dài mà được bữa ăn ngon (cảm giác giống người bạn mà anh Nghiêm kể lại về bữa ăn tối trong chuyến du lịch, khi khám phá món ăn mới) sẽ tốt biết bao cho sức khỏe và tinh thần. Ngược lại, anh Liệt thì buồn bã, gượng gạo trên bàn tiệc sang trọng.

Theo một nhận định về thức ăn được đăng tải trên Net “Mạnh dạn bước ra khỏi ranh giới an toàn và sẵn sàng thử nghiệm các món ngon vật lạ cũng là cách tận hưởng cuộc sống. Khi đi du lịch đến một vùng đất mới với món ăn thức uống hoàn toàn xa lạ, bạn hãy chăm chỉ tìm hiểu và cho phép mình nếm thử tất cả các món ăn đặc sản. Kiến thức ẩm thực của bạn sẽ ngày càng phong phú và bạn sẽ tận hưởng được thú vui ăn uống ở bất kỳ nơi nào bạn đến”.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Bàn về Rượu, có lẽ cụ Trần Tế Xương đã từng khổ sở vì “nát rượu”, nên mới muốn chừa. Ðúng vậy, không biết bao nhiêu người vì nghiện rượu mà hư cả cuộc đời – nhất là ở Việt Nam – và đó cũng là lý do khiến dư luận lên án rượu. Ðó là mặt xấu của uống rượu bia. Nhưng thật ra, rượu bia cũng góp phần tích cực trong cuộc sống con người. Ðối với một số nước Tây Phương, rượu bia là nguồn lợi kinh tế đáng kể. Ðối với quan hệ bạn bè, xã giao, thì câu nói “Miếng trầu là đầu câu chuyện”  dường như đã lạc hậu. Bây giờ thì “ bàn nhậu mới dễ tậu bạn bè”. Chắc bạn cũng từng kinh nghiệm, một bàn tiệc “trước lạ, sau… rất mau quen”, sẽ xôm tụ với những tiếng cười rôm rả, khi mọi người cùng nâng ly với nhau. Trong khi một bàn tiệc, dù đã quen nhau trước, nhưng rồi sẽ lặng lẽ tan hàng nhanh, sau một hồi không ai cụng ai – vì chỉ có nước lạnh và nước ngọt!.

Ðôi điều lan man cho vui, chứ như anh Nghiêm, không có xôi và rượu ngọt, thì xem như ăn cơm nhà, cũng đâu có hại gì ai. Còn anh Liệt phải uống thứ rượu cay, vì “biết uống thứ nầy mới là đàn ông, như cờ phải có gió mới tung bay”. Nghĩ cũng hay, miễn lá cờ đừng bay mất bỏ cột cờ trơ trọi nghe anh bạn!.

(*) Sưu tầm trên Net