Lời Giới Thiệu: HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Sau mấy lượt “dzô dzô” đầy “khí thế”, các ông đã từng có một thời tuổi trẻ chiến đấu ngoan cường để bảo vệ lý tưởng tự do, có vẻ gay cấn hơn trong mục tranh luận về cuộc chiến khốc liệt tại Ukraine.

– Thật không ngờ,  Nga có sức mạnh quân sự gấp mấy lần so với Ukraine mà lại thất bại cay đắng. Chắc lão Putin cũng mang tâm trạng như Tào Tháo lúc đang uống rượu đế, nhai “kê lặc” (gân gà) trong một trận đem binh đánh Lưu Bị. Tào Tháo còn có Dương Tu đem chém cho đỡ quê rồi lui binh. Còn Putin chém ai đây để bỏ chạy mà không mất sĩ diện.

– Theo tôi, Nga không bao giờ bỏ cuộc. Một tên đồ tể như Putin, đã lỡ leo lưng cọp thì sẽ chơi liều mạng. Quân đội và vũ khí của Nga trội hơn quá nhiều, trong khi Ukraine chỉ có tinh thần chiến đấu kiên cường và phải nhờ vào sự yểm trợ vũ khí của Âu Châu và Mỹ, nên sẽ bị hạn chế rất nhiều.

– Tổng thống Zelensky đã nói “… Chúng ta không có lợi thế về kỹ thuật so với kẻ thù của mình. Chúng ta không cùng đẳng cấp ở đó”. Biết đâu, Nga dám chơi một quả bom nguyên tử chiến thuật tại Ukraine, liệu quân đội Ukraine có còn chiến đấu được không? Hoa Kỳ và NATO sẽ phản ứng thế nào? Vì sợ chiến tranh thế giới thứ ba với bom nguyên tử, Mỹ và NATO có dám đáp trả không? Vì vậy, tôi nghĩ cuối cùng Nga sẽ thắng. Ðúng không?

– Ông sai rồi, đại nghĩa luôn thắng hung tàn. Ukraine có chính nghĩa làm sao thua được. Coi bộ ông “cuồng Nga” dữ hén!

– Ê! đừng chụp mũ bậy bạ nghe.

– Xin lỗi à nha, tôi đâu có dư tiền để mua mũ chụp cho ông. Rõ ràng ông vừa nói “cuối cùng Nga sẽ thắng”.

Anh Hậu xua tay:

– Bây giờ, tình thế đã chuyển biến khác với dự đoán của mọi người. Mục tiêu ban đầu của Nga là tiếp quản hoàn toàn Ukraine, nhưng không nuốt được nên Nga buộc phải thay đổi chiến lược, chỉ cố gắng chiếm giữ vùng Donbas. Các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk có các phiến quân thân Nga hỗ trợ, nên có thể họ sẽ thắng và Nga sẽ tạm ngừng chiến tranh rồi tính sau, vì kinh tế cạn kiệt… Nhưng hai ông ơi! đừng tranh đúng, tranh sai khi mình không thể hiểu hết những toan tính của….

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Anh Hậu chưa dứt lời, anh Kiên đã trợn mắt, đặt ly bia xuống bàn cái cộp. Thấy tình hình bắt đầu căng, anh Lân vội xen vào:

– Nè, bữa nay tôi muốn khùng vì chiến tranh lạnh ở nhà, nên ra đây gặp mấy ông, nói chuyện cho khuây khỏa. Làm ơn đổi đề tài vui vui đi cho tôi nhờ.

Anh Trần quay sang hỏi sau khi hớp ngụm bia đã lạt:

– Lạnh cỡ nào nói nghe thử coi.

– Thật ra, tôi “có những niềm riêng” giấu kín bấy lâu nay không dám thố lộ cùng ai. Số là tiệm Nails của bà xã tôi mấy năm gần đây làm ăn khấm khá, nên bà bắt đầu ăn diện. Khổ nỗi, năm nay bà cũng năm bó rồi mà bắt chước các cô thợ trẻ, mặc toàn thời trang của tuổi “teen” mới chết chứ. Tôi góp ý thì bà nói “Làm chủ mà ăn mặc thua thợ, tụi nó cười, chê mình nhà quê”. Cũng có lý. Nhưng cái tính “lạ đời” của bà làm tôi quá mệt mỏi.

– Lạ đời chỗ nào? bả bắt ông đi theo xách giỏ hả?

– Nếu chỉ xách giỏ thì chẳng có gì đáng phàn nàn. Ðằng nầy, thay vì vào phòng thử đồ rồi chọn cái mình thích, bà lại ôm hết về nhà. Sau khi mặc thử, cái nào ưng bà giữ lại, còn lại bao nhiêu thì đem trả.

Anh Hậu cười khà khà:

– Người lạ là ông đó. Bả không lấy hết thì tiền trong ngân hàng của ông không bị hao hụt. Khỏe re còn than thở gì nữa.

– Vấn đề không phải là tiền, mà vì… người phải đi trả đồ là tôi. Tính tôi xưa nay rất ngại làm chuyện đó. Lỡ mua món gì không vừa ý, tôi nhét vào góc tủ, rồi sau đó cho ai là xong. Nhiều lần tôi cự nự “Lần sau, bà làm ơn mặc thử, rồi chọn ngay trong tiệm, chứ đừng bắt tôi cứ phải cười cầu tài với mấy con nhỏ tính tiền, vừa hỏi, vừa cười như chế giễu khi biết tôi bị vợ đì”. Không thèm quan tâm đến nỗi khổ của tôi, bà vô tư đùa giỡn “Trời, được dịp thỏ thẻ với mấy nàng mắt xanh tóc vàng, khoái quá còn làm bộ”. Mỗi lần thấy bà khệ nệ mang quần áo về là tôi lạnh tóc gáy. Bà mặc thử rồi đi qua, đi lại, điệu đà hỏi “Anh ơi! đẹp không?”. Biết mình sẽ không thể nào thoát được “tai kiếp”, nên tôi phang ngang cho bõ ghét “Bà mà đẹp thì thế giới này sẽ không còn người xấu”. Thế là chiến tranh lạnh xảy ra. Nhưng đến hồi kết cuộc thì tôi vẫn là người sắp hàng trước quầy “Customer service” để trả đồ.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Tại sao ông phải đi trả mà không phải là bả?

– Ở nhà, bả chỉ giỏi tài lấn tôi thôi, chứ ra ngoài thì mắc cỡ.

– Vậy là ông được vợ xếp vào hàng chai mặt. Vui thiệt. Dzô! Dzô.

Sau khi ực hết ly bia, anh Lân hừng chí kể tiếp:

– Chưa hết, còn vụ nầy mới dữ dội nè. Trước đại dịch, hai vợ chồng về Việt Nam dự đám cưới thằng cháu. Khi chuẩn bị đến nhà hàng, bà lôi trong vali ra một chiếc áo đầm xịn ở Nordstrom, gần sáu trăm Mỹ kim và cái xách tay hiệu LV, giá cao ngất ngưởng. Nhìn số tiền tôi tá hỏa tam tinh, miệng đơ ra không nói được câu nào. Bà nhìn tôi, cười đắc ý  “Em biết anh xót tiền, nhưng đừng lo, túi tiền của anh không bị mẻ một xu, trong khi mấy con bạn “đại gia” của em sẽ lé mắt. Anh giúp em giấu kỹ cái bảng giá vào bên trong áo. Nhớ đừng cắt bỏ, khi về Mỹ, “mình” đem trả, lấy tiền lại, mất mát gì đâu mà sợ. Anh thấy em tính giỏi không?”. Nghe tới đó lỗ tai tôi lùng bùng. “Mình” là ai, ngoài thằng già này. Hết ý kiến. Làm gì bây giờ? không lẽ lại cãi nhau cho em cháu chê cười. Thấy tôi im lặng, bả bồi thêm cú chót để chắc ăn việc làm đó đúng “Em thực hiện y chang lời anh nhắc nhở -nhớ mặc quần áo đẹp để lấy le với thằng bồ cũ của em”. Thì ra, tôi đã sai khi quên mất cái tính “lạ đời” của vợ mình nên nói đùa không đúng chỗ, mà tôi là người lãnh hậu quả. Không biết bà vợ tôi hãnh diện đến chừng nào lúc  bạn bè của bà săm soi cái xách tay hiệu nổi tiếng và trầm trồ khen ngợi bộ đầm bà mặc, theo cái “Ðúng” của bà, trong khi tôi quá ngượng vì cái “Sai” của mình.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Bảo Huân

Bạn thân mến,

Chuyện dài chiến sự Ukraine đã gây xáo trộn khôn lường trên mọi mặt, từ chính trị đến kinh tế và tạo ra biết bao khó khăn cho nhiều quốc gia trên thế giới. Bi thảm nhất là nạn nhân của chiến tranh. Nhà tan cửa nát, ly tán, chết chóc. Tác động của nó cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của chính chúng ta tại đất nước an bình nầy. Không ai đoán được ngày sau sẽ ra sao. Nhưng những tranh cãi trên bàn nhậu có thể sẽ dẫn đến “chiến tranh nhỏ”, có thể làm sứt mẻ tình bạn như chơi.

Anh Lân đã kịp thời cứu vãn tình thế bằng câu chuyện “cười ra nước mắt” không kém phần lâm ly. Anh cũng là một nạn nhân đáng thương, nhưng đành phải một mình ôm nỗi đắng cay, vì  không làm sao thay đổi được nhận thức của vợ để chị nhận ra cái “Sai” của mình trong mục đích đúng đắn là làm đẹp của phụ nữ. Chị thoải mái mua sắm, ăn diện mà không cần biết có ai bị thiệt hại về tinh thần, vật chất vì mình. Chỉ biết làm sao để không mất thời giờ, tiền bạc nhiều mà lại được người khác ngưỡng mộ như chị nghĩ!  Ðiều đó đối với chị là “Ðúng”. Hành động nầy phát sinh từ tư duy của chị, và anh chồng đừng mong thay đổi, ngoài việc câm lặng để gia đình được sống trong bầu không khí an bình.

Thật không dễ dàng để thay đổi nhận thức của một người, dù đó là người thân cận nhất. Vì cuộc sống là một sự đấu tranh liên tục, mà con người phải phán đoán giữa Ðúng và Sai. Sự phán đoán mỗi người đều tùy thuộc vào tư duy mỗi người. tư duy của từng người, vừa tự biến đổi qua quá trình hoạt động của bản thân, vừa chịu sự tác động biến đổi từ môi trường xã hội thông qua hoạt động có tính vật chất.

Thôi thế đành thôi anh Lân ơi! Ðành ngậm ngùi nhìn U50 vô tư với cái bóp LV mà thầm nguyện “Xung quanh là trần gian, chỉ xin em huyền nhiệm, lung linh một thiên thần”.(*)

* Ca khúc Những ngày Sài Gòn-Thơ Lâm Xuân Thi-Nhạc Hoài An