Một lần nữa, chúng ta bàn về vấn đề dạy dỗ trẻ con trong gia đình. Dạy dỗ trẻ là điều quan trọng, nó sẽ tạo nên nhân cách của đứa bé sau này.
– Dạy trẻ biết vâng, dạ, thưa gởi, kính trọng ông bà và người lớn tuổi, nhường nhịn anh em, thương yêu bà con ruột thịt…
– Dạy con nói làm ơn và cảm ơn. Nhiều bậc cha mẹ thường cho rằng trẻ còn nhỏ nên bỏ qua việc uốn nắn giáo dục con về cư xử lễ phép. Ngay từ 2 tuổi, bé đã có thể học cách nói “Làm ơn” và “Cảm ơn” dù chưa hiểu ý nghĩa. Trong trí não của bé, “Làm ơn” là cách có được những gì bé muốn và “Cảm ơn” là cách kết thúc một sự tương tác. Khi dạy bé 2 từ đó, ít nhất bạn đã nhen nhóm được phép lịch sự giao tiếp vào vốn từ vựng của trẻ.
– Dạy trẻ bày tỏ lòng biết ơn. Như khi tới chơi và ở lại vài ngày trong nhà bạn, lúc ra về phải ngỏ lời cám ơn bạn và cha mẹ bạn. Điều này sẽ để lại cảm tình lâu dài.
– Dạy trẻ phải chờ tới lượt mình khi phát biểu, trò chuyện, không được ngắt lời người đang nói. Dạy trẻ hiểu rằng đó là thực hiện sự công bằng, để ai cũng được nói và được nghe. Chỉ được phép xen vào khi khẩn cấp. Có thể lúc đó bé cần đi cầu hay anh em bị té ngã. Trường hợp này bé cần nói lời xin lỗi.
– Dạy trẻ phải gõ cửa để xin phép khi cửa đóng, chứ không được tự động đẩy cửa xông vào. Nhắc trẻ nhớ là khi gõ cửa phải đợi người bên trong trả lời mới được phép vào.
– Để trẻ có được lời nói và cử chỉ lịch sự thì cha mẹ cần làm gương cho con. Ngay từ trước khi con hiểu ý nghĩa của phép lịch sự, hãy tự làm gương cho con cái. Bé luôn có thói quen bắt chước lại những hành vi của người lớn. Vì vậy, cha mẹ nên cẩn thận trong lời nói và hành động mỗi ngày trong gia đình.

Bảo Huân
MH- theo Etiquette for Dummies