Hỏi

Thưa bác sĩ,

Xin bác sĩ giải thích rõ hơn về cấu tạo của xương sống của con người.  Cám ơn bác sĩ.

Nguyễn Văn Ngân

Đáp

Thưa ông Ngân. Quan sát cơ thể người, chúng ta nhận thấy xương sống giống như cái đà chạy dọc chính giữa thân người, từ trên xuống dưới và các bộ phận, mô, ngực, bụng… được “treo” dọc theo hai bên nó.

Xương sống người gồm có: Bảy đốt xương cổ, 12 đốt xương ngực, 5 đốt xương lưng, 9 đốt xương hông xếp chồng chất lên nhau qua những đĩa đệm. Tất cả được giữ vị trí ngay thẳng bằng hệ thống cơ thịt, dây chằng và gân bền chắc, dẻo dai.

Hai bên cạnh đốt xương, có một cái ngạnh rỗng ở giữa, tạo thành một cái ống trong đó chứa dây thần kinh tuỷ sống. Từ đó, mệnh lệnh cho toàn thân được phát ra và các cảm giác, kích thích ngoại cảnh  được chuyển lên não. Bảy đốt xương cổ còn có thêm nhiệm vụ che chở sự lưu thông của máu lên nuôi não bộ qua hai động mạch cảnh và hai động mạch xương sống.

Bảo Huân 

Dược thảo

Hỏi

Thưa bác sĩ,

Hiện nay, ở Mỹ, dược thảo được bày bán nhiều trong các tiệm thuốc tây. Nó có hiệu quả như thế nào, xin bác sĩ vui lòng giải thích. Cám ơn Bác sĩ.

Nam

Đáp

Thưa ông Nam,

Mỗi năm người dân Mỹ đã chi hàng tỉ đô la để mua dược thảo.

Dược thảo được bày bán khắp nơi, ngay cả trong tiệm chuyên bán Âu dược. Những loại thuốc chế biến từ lá, củ, rễ, vỏ, hoa v. v. đã mau chóng trở thành phương tiện trị liệu được người dân ưa thích. Họ dùng thảo dược để chữa các bệnh thông thường như cảm cúm, đau nhức tới những bệnh trầm trọng hơn như tiểu đường, ung thư, tê liệt tứ chi…

Rất nhiều người đã và đang dùng St. John Wort để chữa trầm cảm, Ginkgo Biloba để phòng chứng lão hóa, sa sút trí nhớ; dùng Melatonin để chữa trị chứng rối loạn giấc ngủ do lệch múi giờ; dùng Saw Palmetto chữa bệnh  ung thư nhiếp hộ tuyến, lá đu đủ cho ung thư gan, sừng tê giác cho ung thư đường ruột; mã hoàng  Ephedra để giảm nghẹt mũi…

Theo tổ chức Y tế Thế giới, hiện có trên 4 tỉ (67% dân số) người trên trái đất dùng dược thảo. Kỹ nghệ chế biến dược thảo, bốc thuốc… hiện nay rất phát triển. Doanh thu hàng năm hơn chục tỉ.

Ðể đáp ứng nhu cầu của người dân, chính quyền cũng đã bắt đầu lưu ý, đầu tư ngân sách, lập cơ quan nghiên cứu công dụng và sự an toàn của dược thảo. Tuy nhiên cũng nên lưu ý mấy điểm sau đây để tránh những chuyện không may:

  1. Nếu đang dùng dược thảo để điều trị thì nên báo cho bác sĩ biết để kê toa thích hợp, nhằm tránh những tác dụng ngược giữa Âu dược và Ðông dược.
  2. Không dùng Ginkgo Biloba (bạch quả) với thuốc trị đau nhức Aspirin, thuốc ngừa tai biến não Ticlid, Persantine, thuốc trị trầm cảm St John Wort…
  3. Không dùng dược thảo khi mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ, không cho con nhỏ dùng dược thảo vì ở trẻ em và thai nhi, lá gan chưa đủ sức đào thải độc chất của dược thảo. Xin đan cử một thí dụ: khi uống một ly cà phê, người lớn chỉ cần 5 giờ để loại khỏi cơ thể mà con nít cần đến cả 80 giờ.
  4. Tuy dược thảo có nguồn gốc thiên nhiên nhưng không phải không gây ra những tác dụng xấu đến cơ thể con người. Nhất là trong tình trạng thiếu kiểm soát của cơ quan hữu quan; sản xuất có nhiều thành phần thuốc không thống nhất, phẩm chất không tinh khiết, đôi khi pha lẫn chất gây hại cho cơ thể.
  5. Không nên dùng dược thảo trong thời gian dài vì hiện nay chưa có chứng minh nào xác định sự an toàn của dược thảo khi dùng lâu dài. Cũng không nên lạm dụng vì nguy cơ gây độc cho gan và thận. Và nhất là không nên dùng cùng lúc nhiều loại dược thảo khác nhau để tránh tác dụng tương phản của thuốc.
  6. Dược thảo cũng có tác dụng phụ như bạch quả gây xuất huyết; mã hoàng (ephedra) gây tăng huyết áp, nhức đầu, rối loạn nhịp tim; St John Wort làm chóng mặt, mệt mỏi, khô miệng, mất kiểm soát…
  7. Và cuối cùng là không nên quá tin tưởng vào quảng cáo, giới thiệu của nhà sản xuất vì những thông tin này chưa được cơ quan trách nhiệm kiểm chứng, xác định giá trị, đồng thời cũng nên tìm hiểu về đặc tính trị liệu của loại dược thảo đang dùng.

Bảo Huân

NYD