Hỏi 

Xin bác sĩ cho biết công dụng của xét nghiệm máu. Có nên xét nghiệm máu không? Xin cám ơn bác sĩ. L.T.T

Trả lời

Bà con ta không ngại đi khám bệnh, kiểm tra tình trạng sức khỏe, nhưng lại e ngại việc xét nghiệm máu. Chẳng qua là sợ đau, sợ mất nhiều máu, sợ ngất xỉu. Nhưng, xét nghiệm máu là điều cần làm. Cần thiết vì chúng là những lợi khí giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân nhiều bệnh và để xác định bệnh. Ðến khi điều trị thì kết quả xét nghiệm máu giúp bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh thuyên giảm hay gia tăng, để điều chỉnh thêm bớt, đổi thay thuốc men. Có người đã ví von, xét nghiệm máu giống như chiếc la bàn, giúp bác sĩ chăm sóc bệnh nhân một cách chính xác hơn.

Máu là một thành phần của hệ tuần hoàn chứa nhiều loại tế bào, sinh hóa chất trong một dung dịch chất lỏng gọi là huyết tương.

Một người trưởng thành có khoảng từ 3.8-4.9 lít máu, tức là 7% trọng lượng cơ thể. Máu lưu thông tới các bộ phận để cung cấp dưỡng khí và chất dinh dưỡng cho trên 300 tỉ tỉ tế bào. Máu cũng lấy đi các chất cặn bã, giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, làm vết thương mau lành cũng như chống lại một số bệnh tật.

Có ba loại tế bào máu: hồng huyết cầu, bạch huyết cầu và tiểu bản.

– Hồng huyết cầu chuyên chở dưỡng khí từ phổi nuôi tế bào và thải khí carbon ra ngoài qua phổi.

– Bạch huyết cầu gồm năm loại khác nhau nhưng đều có chung nhiệm vụ là chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh và giúp vết thương mau lành.

– Tiểu bản điều hòa sự đông đặc của máu với sự tiếp sức của thành mạch máu và các yếu tố đông máu..

Huyết tương có các chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, carbohydrates, sinh tố, khoáng chất, kích tố, yếu tố đông máu, diêu tố, kháng nguyên và kháng thể. Khi có bệnh nhiễm thì máu chứa thêm vi trùng, siêu vi.

Vì máu chứa các thành phần kể trên nên thử nghiệm máu có thể ước lượng được sự lành hay bệnh của nhiều cơ quan bộ phận trong cơ thể.

Bảo Huân 

Nhà thương công, nhà thương tư

Hỏi 

Xin bác sĩ cho chúng tôi biết những khác biệt giữa nhà thương công và nhà thương tư cách đây mấy chục năm? Văn B

Trả lời

Hệ thống bệnh viện công: Ða số các bệnh viện lớn ở nước Anh đều được xây vào năm 1760. Ðó là những cơ quan từ thiện dành cho việc chăm sóc người nghèo bị bệnh. Tuy nhiên, lúc bấy giờ bệnh viện không nhận trẻ em, phụ nữ mang thai và những người bị bệnh truyền nhiễm. Sau một thời gian, các bệnh viện này lại từ chối điều trị những người bị bệnh kinh niên, tâm thần và các bệnh mà chi phí điều trị quá tốn kém.

Năm 1861, khi dân số Luân Ðôn và Bắc Ireland đã lên tới 20 triệu người mà chỉ có 117 bệnh viện với dưới 12,000 giường bệnh.

Người nghèo bị bệnh đều được chữa tại một trong những trại tế bần do ban quản trị The Poor Law thành lập. Năm 1867, lập pháp cho phép thành lập các bệnh xá riêng với các nhà tế bần và tiêu chuẩn giống như tại các bệnh viện. Và từ đó bắt đầu có một hệ thống bệnh viện công để thỏa mãn ý muốn của National Health Service.

Các quốc gia khác cũng thành lập bệnh viện theo đúng tiêu chuẩn đó nhưng do chính phủ đảm nhận. Tuy nhiên tại Mỹ, mấy bệnh viện như Pennsylvania Hospital (1751) và New York Hospital (1791) đặt ra một quy chế tư, ngoại trừ một số ít, mà ngày nay vẫn còn.

Bảo Huân

NYD