Hỏi

Thưa bác sĩ,

Xin ông nói lại về nấc cụt. Nguyễn Văn Minh

Đáp

Thưa ông Minh

Nấc cụt có thể bắt đầu sau sự kích thích như là nuốt chất nóng hoặc thực phẩm kích thích, hoặc do một số bệnh như viêm màng bọc phổi, sưng phổi, giải phẫu ngực, bệnh thận, giải phẫu bụng…và một số bướu ở não.

Trong trường hợp trung bình, các cách chữa theo truyền thống gia đình là đủ. Như là thở vào một cái túi giấy sẽ tăng khí carbon dioxide ở máu, làm não ra hiệu cho hoành cách mô co vào mạnh để mang nhiều không khí vào cơ thể và nhiều dưỡng khí vào máu. Sự hít thở sâu của hoành cách mô có thể chấm dứt các cơn co thắt. Hoặc uống một ly nước cũng làm giảm cơn nấc cụt.

Ðôi khi các cách trên không công hiệu, nấc cụt có thể kéo dài và gây trở ngại cho việc ăn uống, ngủ hoặc thở đúng cách. Nếu các chuyện đó xảy ra, bác sĩ có thể khuyên giải phẫu để cắt dây thần kinh khiến cho các cơ không co vào.

Nấc cụt  có nhiều ở nam hơn là nữ cho nên người nam là vô địch về nấc cụt. Charles Osborne, Anthon, Iowa, bắt đầu nấc cụt vào năm 1922 và kéo dài tới 69 năm và 5 tháng, một nấc cụt mỗi 1.5 giây, cho tới tháng hai năm 1990 bỗng nhiên không còn nấc cụt nữa cho đến khi chết vào năm 1991.

Bảo Huân 

Dinh dưỡng

Hỏi

Thưa bác sĩ,

Ở tuổi được coi như là già thì sự dinh dưỡng có nên theo một cách riêng phải không ạ? Xin bác sĩ nói lại cho độc giả hay rằng đó là cách nào? Phạm Hợp.

Đáp

Thưa ông

Hỏi rằng có một công thức dinh dưỡng nào toàn hảo cho tuổi thọ trường sinh, thì câu trả lời là không có. Nhưng những lời khuyên thực tế sẽ là: thực phẩm phải đa dạng, phẩm chất dinh dưỡng cao và các chất dinh dưỡng phải cân bằng.

Tại sao lại có chuyện đa dạng, cân bằng, dinh dưỡng cao?

Thưa, bữa ăn cần phải có nhiều món ăn khác nhau. Chẳng hạn ta chỉ ăn thịt cá mà quên món rau tươi xanh, thì là điều thiếu sót rất đáng trách vì thịt cá không có chất xơ của rau. Mà chất xơ lại rất cần cho cơ thể.

Thông thường các nhà dinh dưỡng khuyến cáo nên dùng từ 45-55% chất carbohydrate từ cơm, gạo, mì, rau trái, 25-30% chất béo và phần còn lại là chất đạm thịt cá, các loại hạt.

Và món ăn phải có giá trị dinh dưỡng cao, tức là có đủ các chất mà cơ thể cần để hoạt động, để tái tạo tế bào hư hao, để trẻ thơ tăng trưởng. Các thực phẩm như đường tinh chế, rượu chỉ cho calori mà không cho chất dinh dưỡng, cho nên nếu tiêu thụ nhiều chỉ làm cho cơ thể phì nộn, béo bệu.

Dù ở tuổi già, nhưng quý lão niên vẫn cần năng lượng để làm việc, để duy trì sức khỏe tuổi cao đồng thời, nếu dinh dưỡng tốt, cũng có thể phòng tránh được một số bệnh như bệnh loãng xương, bệnh tim, bệnh cao huyết áp, thiếu hồng cầu, sa sút trí tuệ Alzheimer và vài loại ung thư. Chẳng may mà cụ nào đang mắc một vài trong các bệnh vừa kể thì dinh dưỡng đúng cách cũng khiến cho bệnh nhẹ nhàng, hồi phục mau hơn.

Về số lượng chắc chắn là nhu cầu của quý cụ sẽ ít hơn là khi còn trung niên trai tráng, vì bây giờ đâu còn phải lao động chân tay cật lực. Do đó quý cụ vẫn cần các chất dinh dưỡng chính như mọi người. Ðó là chất carbohyrat (chất bột, đường), chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước.

Con người, nói chung, không giống các sinh vật khác ở chỗ là ta không phải di chuyển để lùng kiếm thức ăn hay e ngại không kiếm đủ thức ăn. Mà ta lại có mối lo là làm sao không chỉ-ngồi-đó-mà-ăn hoặc ăn-quá-nhiều. Lý do là tại nhiều quốc gia, thực phẩm quá dư, muốn ăn gì cũng có và có tiền là xong. Nhưng ăn nhiều mà không vận động, thì thật là nguy hiểm.

Bảo Huân

NYD