Thuật ngữ ‘fairy tale – truyện cổ’ được hình thành vào thế kỷ 17. Trước khi được ghi chép lại, những truyện này đã lan truyền ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, và được thuật lại bằng cách truyền miệng bởi những người kể chuyện khác nhau, được thay đổi và thêm thắt, theo sở thích và hoàn cảnh. Những người ghi chép chuyện chỉ là những kẻ sưu tầm, chứ không phải người sáng tạo. Dù là những chuyện có thể hoang đường, nhưng chúng vẫn luôn hấp dẫn và trường tồn.

KỲ 6

 Anh em Grimm

Đức, 1812

Có thể được coi là những nhà văn cổ tích nổi tiếng nhất trong lịch sử, Anh em Grimm đã trở thành biểu tượng gắn liền với thể loại truyện cổ và là những người đã làm cho nhiều câu chuyện ngày nay được coi là kinh điển trở nên nổi tiếng khắp toàn cầu.

Sinh ra tại Hanau (Đức) vào năm 1785 và 1786, Jacob và Wilhelm Grimm đã xuất bản cuốn ‘Kinder- und Hausmarchen’ (Truyện Cổ tích Dành cho Trẻ em và Gia đình) thành nhiều tập từ năm 1812. Bộ sưu tập của họ gồm hơn 200 câu chuyện, với những nội dung đen tối và rắc rối, thường làm người đọc hiện đại bị sốc khi đã quen với các phiên bản cổ tích do Disney chuyển thể, như Nàng Công Chúa Ngủ Trong Rừng, Bạch Tuyết, và Rapunzel.

Trái với suy nghĩ thông thường, những câu chuyện cổ mà Anh em Grimm thu thập đã không được viết ra để giải trí cho trẻ em. Họ miệt mài ghi lại những câu chuyện dân gian từ khắp lịch sử Bắc Âu, coi đó là những phản ảnh về các tín ngưỡng và phong tục khác nhau, và cũng như một cách để bảo tồn các nền văn hóa thời trước. Đồng thời, các câu chuyện cũng là sự phê phán về những thực tế khắc nghiệt của cuộc sống đối với nhiều người, như một số câu chuyện trong ấn bản đầu tiên bao gồm ‘Cách Một Số Trẻ Em Chơi Trò Giết Chóc’ và ‘Những Đứa Trẻ Trong Nạn Đói’.

Xem thêm:   Lạm phát

Những chủ đề ghê rợn về bạo lực và lạm dụng xuất hiện trong nhiều câu chuyện của Grimm. Ví dụ, trong phiên bản ‘Cô Bé Lọ Lem’ của họ, các chị kế đã cắt đứt những ngón chân của mình để vừa với chiếc giày thủy tinh và kết cuộc bị chim bồ câu mổ cho lòi mắt. Trong ‘Bạch Tuyết’, người thợ săn dẫn cô bé 7 tuổi vào rừng để giết và dự định đem phổi và gan của bé về nhà. Trong một số câu chuyện ít được biết đến hơn như ‘Người Do Thái Trong Bụi Rậm’, chủ nghĩa bài Do Thái đóng một vai trò lớn trong cách hai anh em Grimm miêu tả người Do Thái. Kết quả là, Đức Quốc Xã vào thế kỷ 20 đã sử dụng bộ sưu tập truyện cổ này làm phương thức tuyên truyền.

Tuy có những yếu tố tiêu cực, nhưng Anh em Grimm thường được ghi nhận vì đã cứu vớt và bảo tồn các câu chuyện dân gian có thể đã bị mất mát trong lịch sử. Bộ truyện của họ trở thành cuốn sách phổ biến thứ hai tại các quốc gia nói tiếng Đức, chỉ sau Kinh Thánh.

(còn tiếp)

– Theo All about History)