Suốt mấy thập niên qua, ông bà Bill Gates đã đầu tư vào các chương trình cải tiến và xây dựng xã hội qua tổ chức Bill & Melinda Gates Foundation, gọi tắt là “Gates Foundation”. Hàng năm tổ chức này công bố Goalkeepers Data Report, bản tường trình cung cấp chi tiết về những thành quả và diễn tiến về các chương trình hoạt động trong năm. Năm nay cũng không ngoại lệ.
Một lớp khóa hè chụp hình lưu niệm bên ngoài Gates Foundation
Như mọi năm, bản tường trình thường bao gồm nhiều biểu đồ, bảng tóm tắt liệt kê những con số, và bài tổng kết để thông báo với thế giới về kết quả của tổ chức này. Mấy năm gần đây, Gates Foundation thường lạc quan, tin tưởng vào tương lai [sẽ] tươi sáng hơn về sự nghèo khó trên thế giới, về tỷ lệ tử vong của trẻ em và về các chỉ số đo lường mức tiến triển của xã hội. Nhưng năm nay, 2018, ông bà Gates xem ra không mấy lạc quan, lời giới thiệu bản tường trình của họ có phần cứng rắn và trực tiếp: “Lạc quan đòi hỏi sự rõ ràng về các khó khăn, thách đố cần giải quyết… Bản tường trình này [có mục đích] nhìn thẳng vào sự thật với những thách đố / khó khăn cấp thiết chưa được giải quyết thỏa đáng và nhận diện những sách lược để giải quyết các thách đố ấy…”
Với Gates Foundation, những vấn nạn xã hội ảnh hưởng đến người thế giới là mục tiêu cần chú ý để tìm cách thay đổi. Tổ chức này cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong sách lược thay đổi các vấn nạn xã hội là việc đầu tư vào con người, theo tiếng Việt ta là “trồng người”. Ðầu tư vào con người tại địa phương sẽ thay đổi nền kinh tế của quốc gia, cư dân sẽ bớt nghèo đói, bớt khốn khổ vật vã vì các nhu cầu căn bản như ăn mặc, sức khỏe, chỗ ở…
Các chỉ số trong bản tường trình cho thấy tại các vùng đất quanh sa mạc Sahara, châu Phi, những chương trình “trồng người” đang dẫn đến sự phát triển về kinh tế, và nền kinh tế ở những nơi ấy có thể sẽ gia tăng đến 90% vào năm 2050. Nghĩa là ta có thể hy vọng rằng ngay cả các quốc gia khốn khó nhất thế giới cũng có thể “xóa đói, giảm nghèo” mà tăng tiến theo con đường phát triển của Ấn Ðộ và Hoa Lục, theo “mẫu” phát triển dựa trên các chương trình đầu tư vào con người của hai quốc gia này.
Theo Goalkeepers Data Report, châu Phi là vùng đất đối diện với nhiều khó khăn. Vấn nạn thứ nhất là y tế. Hầu hết mọi quốc gia châu Phi tham gia vào chương trình tiết giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em. Quốc gia dẫn đầu là Rwanda, chỉ vài năm sau các trận tàn sát tự diệt của con người, đất nước này đã xây dựng được một hệ thống y tế khá hữu hiệu: tỷ lệ tử vong của trẻ em đã xuống đến mức khả quan chưa từng thấy. Nhưng tiết giảm tỷ lệ tử vong cũng chưa đủ. Sách lược kế tiếp là làm thế nào để trẻ em ở nơi ấy có cơ hội phát triển [tương đối] bình thường. Ba mươi phần trăm (30%) nhi đồng châu Phi bị chậm lớn, không vươn lên nổi từ thể xác đến não bộ.
Ðể giải quyết vấn nạn chậm lớn, Gates Foundation trình bày kết quả từ Peru nơi các chương trình trợ cấp từ chính phủ đã tiết giảm được 50% chứng chậm lớn chỉ trong 8 năm hoạt động. Bài báo cáo kết luận rằng ta cũng có thể áp dụng các chương trình hoạt động tương tự để tiết giảm chứng chậm lớn của trẻ em tại châu Phi.
Rồi họ đặt câu hỏi khác như: Thế giới có trở nên tốt đẹp hơn không? Con người, trung bình, có trở nên khỏe mạnh hơn, giàu có hơn, an toàn hơn không? Và nếu câu trả lời là “không” thì tại sao không? Ta có thể làm gì để vượt qua các thử thách ấy? Tổ chức này cho rằng sau mấy thập niên thiếu tiến triển, các chương trình “giảm nghèo đói” và giảm bệnh tật dường như đang dậm chân tại chỗ. Nguyên nhân chính là tại những vùng đất nghèo đói nhất trên thế giới, dân số lại gia tăng nhiều nhất, gia tăng nhanh hơn mọi nơi khác. Khi trẻ thơ mỗi ngày một đông nơi đời sống vô cùng khốn quẫn, rất khó để tạo một nếp sống khỏe mạnh và “vun trồng” cho con người trở nên hữu ích.
Theo ước tính, cư dân châu Phi sẽ đông gấp đôi vào năm 2050, nghĩa là dù tỷ lệ nghèo đói có giảm đi một nửa, tình trạng khốn quẫn trong xã hội vẫn không sút giảm vì số người nghèo vẫn không thay đổi. Vẫn có những người đói ăn, bệnh tật vì tài nguyên thiên nhiên không đủ để cung cấp cho mọi người.
Những gì sẽ xảy ra trong một xã hội với đông đảo những người trẻ không có cơ hội học hành, thiếu công ăn việc làm và không thể tiến thân? Câu trả lời đã được lặp đi lặp lại nhiều lần trong lịch sử cận kim qua các cuộc nổi dậy chống đối của người trẻ: xã hội trở nên bất ổn, rối loạn, rồi đàn áp từ nhà cầm quyền và dẫn đến các cuộc di dân lớn.
Gia tăng dân số là một vấn nạn mà thế giới chưa biết cách giải quyết thỏa đáng. Và vì không biết giải quyết ra sao, bá tánh có khuynh hướng quay lưng, nhìn đi nơi khác. Nhưng Gates Foundation lại chọn việc đối diện với thử thách ấy. Thay vì liệt kê số trẻ em ra đời như mọi cơ quan kiểm kê dân số, tổ chức này nhắm đến nạn nhân mãn như một vấn nạn về sự nghèo khó. Hoạch định chương trình và thực hiện việc giải quyết nạn nghèo đói xem ra dễ thuyết phục bá tánh hơn là việc giải quyết nạn nhân mãn, vì ‘nhân mãn’ dính dáng đến ‘nhân quyền’ (quyền tự do sinh sản, tự do tín ngưỡng vì có tôn giáo cấm ngừa thai…) và như thế cũng một vấn nạn. Nhưng khi được đặt dưới lăng kính “nghèo khó” để tìm cách giải quyết thì vấn nạn này xem ra bớt thử thách, ít chông gai hơn?
Với một ngân sách trên 50 tỷ Mỹ kim, Gates Foundation được xem là một tổ chức tư nhân lớn nhất thế giới; tổ chức này sẽ làm gì để giải quyết các vấn nạn của thế giới với một ngân sách vĩ đại như thế? Họ đầu tư vào những chương trình phát triển kinh tế, vì họ tin rằng khi được sinh sống tại một đất nước khá giả, dân cư sẽ mạnh mẽ và xã hội sẽ tự do hơn.
Quỹ Gates bơm thêm 75 triệu đô la vào kiểm soát dịch bệnh ở châu Phi và Nam Á nguồn: Memeburn
Khi được hỏi tại sao Gates Foundation chú tâm riêng đến châu Phi dù thế giới có nhiều vùng đất nghèo đói khác thì ông Gates trả lời rằng tỷ lệ số người rất nghèo đói trên thế giới đã giảm từ 26% xuống 9% nhờ sự cải tiến từ các quốc gia Á Châu, khởi đầu từ Hoa Lục rồi kế tiếp là Ấn Ðộ, Nam Dương, Pakistan và Bangladesh (tên cũ là Ceylon hay Tích Lan). Các quốc gia này đầu tư vào y tế, vào sản xuất nông nghiệp, cải tiến hệ thống giáo dục và từ đó đưa cư dân ra khỏi sự nghèo đói quá mức.
Theo các mẫu ước tính, vào năm 2050, số người lâm vào cảnh vô cùng nghèo đói sẽ tập trung tại châu Phi, nơi nạn nhân mãn tiếp tục gia tăng trừ khi ta áp dụng các biện pháp thay đổi trợ giúp đời sống tại vùng đất ấy. Châu Phi có một vị thế địa lý đặc biệt, hệ thống môi sinh khác biệt với những nơi khác và do đó, bệnh tật cũng mang một sắc thái khác so với châu Âu, Á, hoặc Hoa Kỳ nơi các quốc gia phát triển qua việc ngăn ngừa và chữa trị được bệnh tật, xây dựng hạ tầng cơ sở để mở mang giao thông và sản xuất đủ thực phẩm để nuôi cư dân. Ngoài ra, các quốc gia tân tiến này còn đầu tư vào những chương trình giáo dục / huấn luyện cao cấp để khám phá, phát minh và tạo được những hệ thống vận hành mạnh mẽ.
Ngược lại, châu Phi chịu đô hộ (đồng nghĩa với bị cướp bóc, thất thoát về tài nguyên, hủy hoại văn hóa…) lâu đời nên nghèo khó. Nhưng ngay khi được độc lập, các quốc gia châu Phi cũng chưa gặp các điều kiện thiên nhiên thuận lợi đủ để phát triển. Họ chịu các trở ngại về địa lý: sông ngòi cạn nên phương tiện giao thông, chuyên chở bằng tàu bè chỉ giới hạn. Hàng hóa không được vận chuyển nhanh chóng thì khó lòng buôn bán, làm ăn mạnh mẽ. So với các phương tiện giao thông khác như đường đất và đường bay, thủy lộ là phương tiện giao thông giản dị, ít tốn kém nhất và không tùy thuộc vào hạ tầng cơ sở như xây cất đường lộ, bắc cầu hoặc xây cất phi trường, lập hệ thống radar kiểm soát không lưu…
Trở ngại về thời tiết: Ở gần đường xích đạo nên châu Phi quanh năm nóng nực, một điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi nảy nở nhanh chóng. Do đó ta khó lòng diệt tận gốc các vi khuẩn gây bệnh tật như sốt rét, kiết lỵ… và hậu quả là cư dân dễ gặp bệnh tật, sức khỏe kém. Không lạ là 30% trẻ em châu Phi bị chứng chậm lớn vì sinh trưởng trong một môi trường đói kém và bệnh tật hoành hành.
Trẻ em chậm lớn không chỉ “nhỏ con” về kích thước thân thể mà trí não cũng chậm phát triển vì suy dinh dưỡng. Trẻ em chậm lớn thường không phát huy được các tiềm năng và thế hệ ấy chịu thui chột. Nghĩa là vùng đất ấy sẽ mất đi 30% tài nguyên “con người”, human capital, loại tài nguyên quan trọng, cần thiết nhất để xây dựng và phát triển xã hội.
Nhìn chung, các quốc gia châu Phi, điển hình là Cộng Hòa Congo, Nigeria… là nơi cư dân chỉ sống qua ngày vì nông nghiệp còm cõi, hạ tầng cơ sở yếu kém, thiếu tài nguyên và thiếu cả khả năng để xây dựng một hệ thống y tế và giáo dục căn bản. Các nỗ lực của Gates Foundation tập trung vào việc phát triển nông nghiệp, tài trợ các chương trình gây giống lúa mạnh mẽ, ít bệnh tật, chịu được hạn hán và các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt khác. Tổ chức này cũng tài trợ các chương trình y tế công cộng như chủng ngừa cho trẻ em và người lớn, cũng như các chương trình nghiên cứu tìm kiếm thuốc chữa chứng sốt rét hiệu quả hơn. Họ mở rộng các chương trình giáo dục bắt đầu từ thôn làng hẻo lánh, trẻ em được đến trường học hành… Nôm na là Gates Foundation đã và đang đầu tư vào các chương trình “trồng người”, và “trồng người” từ những vùng đất khốn quẫn nhất.
Ðọc bài tường trình của tổ chức vô vị lợi kể trên, Dế Mèn tâm phục khẩu phục ông bà Gates không chỉ “làm từ thiện”, họ còn tìm hiểu nguồn gốc của các vấn nạn nan giải của con người và tìm cách giải quyết. “All lives have equal value”, có người may mắn, có kẻ bất hạnh… và Gates Foundation đang tìm cách xóa bỏ phần nào các bất hạnh ấy: Họ chính là kẻ đang đầu tư vào các công trình “thay đổi” thế giới!
https://baotreonline.com/www.gatesfoundation.org/goalkeepers/report
TLL
Orlando, FL