Hỏi: Mẹ chúng tôi qua đời cách đây 2 năm. Bà để lại căn nhà cho 3 anh chị em chúng tôi. Chút tiền trong nhà băng của mẹ chúng tôi đã rút ra và chia đều cho cả 3 anh chị em.  Ông anh cả tiếp tục sống trong căn nhà mẹ để lại. Sau khi mẹ mất, anh tự trả tiền thuế, tiền bảo hiểm nhà và tiền điện nước. Nhưng ông không muốn chia căn nhà bây giờ vì ông nói ông chưa muốn dọn ra và cũng không muốn thiếu nợ ngân hàng để trả phần cho 2 chị em chúng tôi. Tôi rất cần số tiền đó vì thằng con trai tôi kém may mắn và kinh tế bấp bênh. Tôi muốn có điều kiện giúp nó một số tiền để đặt cọc với nhà băng và cho nó tiền mua nhà.

Tôi thiết nghĩ nếu anh tôi muốn tiếp tục sống trong căn nhà mẹ chúng tôi để lại cho 3 chúng tôi thì ông phải trả cho 2 chị em chúng tôi phần chúng tôi được kế thừa theo đúng giá thị trường, còn nếu ông không muốn mượn tiền nhà băng để mua 2 phần của 2 chị em tôi và sau đó ông trọn quyền làm chủ thì chúng tôi sẽ rao bán căn nhà đó cho người khác với giá thị trường, và sau khi trừ đi hết những chi phí thì tiền bán nhà được chia đồng đều cho 3 anh em.

Khi nào là thời điểm hợp lý để đưa ra vấn đề phân chia tài sản này? Anh chúng tôi không muốn dọn ra và anh khẳng định rằng ngày nào anh còn ở đó thì không ai có quyền đuổi anh ra. Ngay cả khi chúng tôi muốn bước vào căn nhà đó thì anh cho phép chúng tôi mới được vào.

Xem thêm:   Trứng

Giá nhà càng ngày càng tăng. 2 chị em chúng tôi muốn bán khi giá nhà còn cao. Tôi cũng muốn giúp con trai mua nhà càng sớm càng tốt để cuộc sống của cháu được ổn định và khi giá nhà còn tương đối có thể mua được. Theo luật pháp thì chúng tôi có thể làm gì? Anh tôi cũng là người được mẹ chỉ định là Executor (tạm dịch: người chịu trách nhiệm đứng ra giải quyết vấn đề pháp lý và phân chia tài sản theo ý nguyện của di chúc người chết để lại).

Đáp: Nếu bạn để người anh tiếp tục ở đó càng lâu thì càng khó đề cập đến vấn đề này, đặc biệt là khi anh bạn cho rằng căn nhà thuộc về anh và anh có thể ở đó đến bao lâu cũng được mà không cần giải quyết vấn đề phân chia tài sản căn nhà cho 2 chị em bạn.

Tuy nhiên vì anh bạn đang ở đó và chăm sóc nhà cửa cũng như chi trả những chi phí duy trì căn nhà thì bạn cũng không nhất thiết phải “tông cửa xông vào”.  Tội xâm phạm tài sản và chủ quyền của mỗi tiểu bang có thể khác nhau. Nếu anh bạn và 2 chị em bạn có tên trong giấy tờ chủ quyền nhà (Deed), thì cả ba anh em cùng là chủ nhân căn nhà đó, và 2 chị em bạn cũng có quyền ra vào căn nhà đó mà không phải có sự cho phép hay đồng ý của anh bạn. Ðể giải quyết vấn đề này, 2 chị em bạn nên nói chuyện hòa giải trước với anh bạn xem sao, nếu không có kết quả thì bạn nên mướn một người luật sư đại diện để xử lý theo luật pháp.

Xem thêm:   Easter

Nếu mẹ bạn là người duy nhất đứng tên trong giấy tờ chủ quyền nhà thì dù di chúc của mẹ bạn để lại cho 3 anh chị em bạn, không có nghĩa là chủ quyền căn nhà tự động được đổi thành của 3 anh chị em bạn đứng tên. Giấy tờ đăng bạ chủ quyền thường chỉ được thay đổi sau khi gia đình bạn hoàn tất thủ tục tòa án về quyền kế thừa tài sản của người đã qua đời gọi là thủ tục “probate”. Nếu gia đình bạn không làm thủ tục “probate” của tòa án thì căn nhà đó sẽ vẫn được liệt kê trong hệ thống của chính phủ là của mẹ bạn.  Và khi 3 anh chị em bạn cần mua, bán, sang nhượng sẽ gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại.

Nếu sau khi 2 chị em bạn nói chuyện với ông anh về vấn đề phân chia tài sản căn nhà và thời hạn để giải quyết mà ông ta không có thiện chí thì người luật sư đại diện cho bạn có thể kiện ông anh ra tòa và tòa sẽ bắt phải chia ra dù ông anh có muốn hay không. Trong thời gian kiện tụng chờ giải quyết thì tiền thuế nhà sẽ là trách nhiệm chung của cả 3 anh chị em. Nếu chỉ một mình ông anh bạn đóng tiền thuế nhà thì có thể việc tranh chấp trở nên phức tạp thêm liên quan đến việc phân chia.

Khi đã đưa nhau ra kiện tụng thì ngoài việc tốn tiền và tốn thời gian thì nó còn gây ra sứt mẻ và căng thẳng cho cả hai bên. Tuy nhiên nếu một bên quá vô lý mà họ tranh giành hết phần lợi cho bên mình thì bước cuối cùng cần thiết để giải quyết vấn đề có thể chỉ là công bằng theo luật pháp và tòa án.

Xem thêm:   Nhật thực

Nếu đi đến một thỏa thuận hợp lý và công bằng cho cả hai bên mà không cần sự can thiệp của tòa án thì đó là thượng sách. Nhưng nhiều khi những người trong cuộc không đi đến thỏa thuận được vì họ chỉ biết lợi cho một bên và không muốn nhân nhượng. Sự thỏa thuận sẽ dễ dàng hơn nếu cả hai bên cùng nhường nhau một tí và đặt sự công bằng lên hàng đầu.

Ls. AT (Cell: 623-341-8835)