Ngày 6-6-2022

Giang Thành Cát

Tôi đọc “Gỗ Mun và Hồn Ma Bóng Quế” trong Hầm Rượu của báo Trẻ. (truyện của Andrew Q. Lâm do Mai Kim Ngọc dịch từ nguyên tác “Dark Wood and Shadows”, đã đăng tại https://baotreonline.com/van-hoc/trong-ham-ruou/andrew-q-lam-go-mun-va-hon-ma-bong-que.baotre). “Gỗ Mun” tôi biết là gỗ gì, tôi cũng biết “Hồn Ma” là linh hồn sau khi chết, nhưng tôi không biết “Bóng Quế” là bóng gì? 

Theo “Ngày Ngày Viết Chữ”, trong tiếng Việt, “Quế” là âm khác của “Quái”. Chữ Nôm và chữ Hán đều viết , là quái gở, tai quái, yêu quái, lạ lùng…  “Hồn ma bóng quế” là hồn ma và bóng con quái. Thành ngữ này thường dùng chỉ hồn người chết. Ngoài “Quế” và “Quái” ra, chữ này còn có âm “Quấy” trong nghĩa “Quấy phá”.

Ngày 3-6-2022

Trinh Nhu Ngoc Nga

Tôi là người mến mộ văn cách của Tim Nguyễn trong mục “Bên Tách Cà Phê”, trong tuần qua, tôi có đọc 2 mẩu chuyện về Cha thật cảm động, phim hoạt họa “Father and Daughter” là một đoản phim tôi rất thích, tôi đã coi trên 10 lần và cảm xúc lần nào cũng như nhau, bâng khuâng, và rơi lệ. Tuy nhiên, tôi ghi nhận có một chút khác biệt với tác giả Tim Nguyễn, là ở đoạn cuối cùng, khi cô con gái đã già, bước xuống chiếc xuồng đã mục của bố, cô nằm đó hồi tưởng, và “thăng thiên” (chứ không phải là một giấc mơ). Cô “thoát xác” bước ra,  trẻ lại như thuở bé, chạy đến đón bố, người bố vẫn phong độ và phong trần như xưa… Hai cha con ôm nhau như những ngày thơ cũ. Có thể hiểu lúc này họ đã đoàn tụ theo diện… “ông bà”… Có thể tôi suy đoán sai, nhưng bao giờ xem phim này, tôi cũng hình dung ra đoạn cuối phim là như vậy…

Cảm ơn sự chia sẻ và suy luận khá hợp lý của bạn. Chúng tôi tin rằng tác giả Tim Nguyễn và độc giả sẽ đồng cảm với sự cảm nhận của bạn.

Xem thêm:   Trang thư tín ngày 4 tháng 4 năm 2024

Ngày 3-6-2022

Anh Xuan Vu

Xin chia buồn với báo Trẻ và gia đình anh Hoài Ziang Duy, tôi từng đọc anh trên báo Trẻ trước đây. Anh có một giọng văn trầm trầm, buồn buồn, thơ anh sâu lắng, giàu khí phách. Mỗi khi đọc văn của anh, tôi luôn liên tưởng đến một cây bút trước tôi vẫn “gặp” trên báoTrẻ: nhà văn Phạm Ngũ Yên. Trong những bài thơ của Hoài Ziang Duy, tôi thích bài “Ngồi lại gần nhau”, nhiều cách diễn tả thật thấm, như hai câu này:

— Buổi nay đây sau chiến trường yên ngủ

Ngựa đã buồn, tiếng hí dội không xa…