Ngày 27 Tết (Âm lịch) năm 1973, tôi khi đó là một đứa nhỏ 5 tuổi đang ngồi moi đất chơi một mình trước sân nhà hàng xóm, thì bỗng dưng nghe nhiều tiếng kêu khóc vang động cả xóm. Những tiếng khóc khàn đặc đau đớn, tuyệt vọng thật sự rất rùng rợn, kinh hãi với một đứa nhỏ chỉ biết ăn và chơi như tôi. Tôi nhìn ra, thấy rất nhiều người la hét, chạy đi chạy lại nhốn nháo.

Tiếng bước chân những người đàn ông huỳnh huỵch, nặng trịch, nhưng tiếng la lớn “Ở đây.” “Khiêng vô đây.” “Cô Sáu đâu?” “Bà Tư đâu?” “Dẹp cái chỗ trống. Kê bộ ván ra lẹ lên.” Rồi tôi thấy những tấm poncho quấn những “bó dài dài” ngay đơ mà ai cũng hiểu là bên trong có người chết được khiêng vội vã vô nhà đặt lên bộ ván, trong tiếng kêu khóc vật vã của thân nhân người chết.

Tôi sợ quá, chạy vô nhà hàng xóm chun xuống dưới cái bàn gỗ nhỏ ngồi im thin thít suốt từ trưa tới tối mịt, đói bụng, khát nước cũng không dám chun ra. Tôi sợ ma lắm, tưởng tượng rằng nếu tôi chun ra ngoài sẽ bị những thây người chết đang nằm trên những bộ ván kia dựng đứng dậy rượt tôi bóp cổ. Tôi cứ trốn dưới gầm bàn cho tới khi bà hàng xóm chỉ chỗ cho mẹ tôi qua dắt tôi về nhà ăn cơm.

Đó là một ngày tang thương nhứt của cái xóm nông thôn vùng xôi đậu này: Có hơn 10 đám ma cùng một lúc của hơn 10 người lính tử trận trong một cuộc hành quân, mà trong số đó tôi biết rất nhiều người đã từng mừng rỡ, mơ ước “Hiệp định Ba Lê ký rồi, hòa bình rồi, không còn chết chóc nữa rồi, được về nhà sống yên ổn làm ăn rồi.” Ấy là tôi nghe thân nhân tử sĩ kêu khóc, kể lể như vậy, và cái đại tang xóm ấy quá ấn tượng với tôi nên tôi nhớ rất rõ, dù lúc đó tôi không biết Hiệp định Ba Lê là gì, ai ký với ai.

Lớp trẻ bây giờ ít ai biết cụm từ “vùng xôi đậu” lắm. Có lần một bạn (khoảng 30 tuổi) trong friendlist Facebook hỏi tôi: “Vùng xôi đậu là gì?” Tôi trả lời đó là những địa phương/ấp/xã/khu vực mà “quốc gia” và “cộng sản” sống lẫn lộn nhau, dân chúng ở cùng một xóm nhưng khó biết thật sự ai theo quốc gia ai theo cộng sản, dân bị “trên đe dưới búa” làm phật ý bên nào cũng chết, phải đóng thuế cho cả hai bên. Người ta còn gọi là xứ “Ban ngày quốc gia ban đêm cộng sản.”

Xem thêm:   Huyền thoại bất tử

Tôi nhớ tiệm chụp hình của cha tôi thường có mấy bà mặc quần đen bóng ống túm (khác với đàn bà trong xóm tôi mặc quần ống rộng), áo bà ba siết eo bó như đòn bánh tét, đầu bới bánh lái có ghim cây móc tay trên búi tóc (kiểu tóc hơi xưa) vô tiệm nói chuyện với cha tôi. Tôi cứ nghĩ mấy bả vô chụp hình, nhưng không thấy chụp gì hết. Mấy bả đi rồi, mẹ tôi mới nói “Đồ mấy con mẹ nữ Việt cộng đi thâu thuế.” Tôi nghe mà không hiểu lắm, vì thật sự tôi cũng đâu biết thuế là cái gì, cũng không biết họ vô tiệm để lấy tiền của cha mẹ mình, tức là ăn bớt phần ăn của mình.

Những quý độc giả nào cỡ tuổi tôi trở lên mà đã từng sống ở vùng nông thôn đều biết rằng dân chúng thời ấy nam phụ lão ấu gì cũng vậy, hễ có chuyện gì lạ lạ thì tất cả đều kéo nhau chạy ra rần rần… coi. Mà nghĩ cũng phải, làm gì có TV, YouTube, Facebook để ngồi nhà coi, gánh hát mỗi năm ghe bầu tới một hai lần, nên có “sự lạ” phải coi cho vui chớ. Có lần, đám con nít tụi tôi chạy ra leo lên chen chúc trên cây cầu xi-măng đứng coi trực thăng quân sự đáp xuống ở bãi cỏ trước sân đồn bên kia sông.

Sau đại tang xóm, gần như không ai dám đi đâu ra khỏi xóm. Người lớn nói với nhau rằng “Đường ra thị trấn bị Việt cộng đặt mìn.” Xe đò không dám chạy tuyến thị trấn, cha mẹ không dám cho con đi học. Ở xóm tôi có một chị tên là Bích vẫn đi bộ ra thị trấn học. Lần cuối cùng, nhà chị Bích xôn xao, tiếng khóc thê lương. Chị Bích đạp trúng mìn bị cụt hết hai chân, hàng xóm chở xác chị về nhà, tôi cũng có đi coi.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/27/2025)

Một buổi sáng nọ, tôi đang ngủ mà nghe tiếng súng nổ đùng đùng, bèn thức dậy đi ra thấy cha mẹ tôi ngồi im lặng trên ghế với vẻ mặt thẫn thờ. Tôi lấy làm lạ nhưng không hỏi, trong đầu chỉ nghĩ ra ngoài coi có gì lạ. Thấy ngoài đường không có ai quen, toàn người lạ mặc bộ đồ màu xanh lá cây, đội nón vải màu xanh lá cây (sau này biết tên là nón tai bèo), tay cầm súng dài. Họ rất đông, đi tới đi lui, thỉnh thoảng lại chĩa súng lên trời bắn vài phát đùng đùng. Tôi nghe người lớn xì xầm với nhau “Giải phóng rồi.” “Giải phóng rồi” mà mình cũng không biết “giải phóng” là cái giống gì. Rồi từ đó nhà tôi đóng cửa tiệm, không có ai tới chụp hình, sửa radio hoặc TV nữa. Cha tôi gom pin Con Ó cũ, đóng cho cục pin lùn xuống lòi lõi than chính giữa lên, nhúng nước muối, phơi nắng để xài tiếp. Khuya nào ổng cũng mở radio kêu khẹc khẹc, nghe nó nói rù rì. Mẹ tôi thì nói “Nghe radio coi chừng bị bắt bỏ tù.” Và cũng kể từ đó, gia đình tôi bước vô thời kỳ “tiến lên xã hội chủ nghĩa” ăn đói mặc rách cho tới tận những năm 90 thế kỷ 20.

Đây là cha mẹ tôi thuộc hàng “dân sự,” không làm “ông to bà lớn” quan quyền gì, cũng không “vô bưng” như nhà người ta. Nếu không thì gia đình anh em tương tàn, kẻ cười người khóc, kẻ vô tù “cải tạo,” người đi chân đất lên làm quan rồi. Từ đó cũng “lộ” ra trong xóm này có những gia đình “ngầm theo Việt cộng,” hàng xóm mới thân tình tử tế hôm trước, sau “giải phóng” cái bỗng dưng địa vị khác hẳn, trở thành kẻ thù, kẻ bị trị hoặc kẻ cai trị. Người ta lại xầm xì nói nhỏ với nhau “Nhà ông A/bà B có con làm “nội tiến” cho Việt cộng nên bây giờ kênh lắm.” Cũng sau này, đọc nhiều sách, tôi hiểu ra là “nội tuyến” (đường dây trong), không phải “nội tiến,” tức một kiểu gián điệp, nằm vùng, chính xác hơn là cấu kết với người khác hãm hại đồng đội, gây ra nhiều cái chết oan ức không xứng đáng. Thà cứ công khai đánh nhau ai dở người đó thua, mượn dao giết người tin tưởng mình thì hành vi vừa ác vừa hèn, không ai ưa.

Xem thêm:   Còn ai viết những lá thư tay?

Bà cụ gần nhà tôi, lưng còng tóc bạc, bà có con trai độc nhứt tử trận ngày cả xóm đại tang. Mỗi lần Tết tới bà lại đi ra đi vô nói: “Phải chi thằng C còn sống thì nhà đỡ quạnh hiu.”

Đây là tôi chỉ biết chút đỉnh chuyện ở quê tôi, vùng đất khỉ ho cò gáy chưa bao giờ là chiến trường khốc liệt. Tôi nghe chú Trần Thy Vân (cựu QLVNCH) kể những trận chiến ở miền Trung mà không khỏi rùng mình, những trận đánh trên “Đồi Thịt Băm” đau thương cho tất cả những bà mẹ đã mất con. Đà Nẵng đón dân chạy loạn, Đà Nẵng là một trong số chiến trường khốc liệt, vui gì mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại chi ra 20 tỷ hồ tệ (tương đương 780 ngàn Mỹ kim) tiền thuế của dân để “ăn mừng ngày giải phóng”? Còn lãnh đạo nhà nước Việt cộng ở thành hồ lại muốn bắn pháo bông hàng tuần (bằng tiền của dân) để ăn mừng “50 năm chiến thắng.”

Có bậc “trí ngủ” ở Việt Nam (thời nay gọi là KOL,viết tắt cụm từ Key Opinion Leader – người có sức ảnh hưởng, định hướng dư luận) viết rằng 50 năm rồi đừng nên nhắc chi thù hận. Xin thưa rằng, không ai có quyền nói câu đó, trừ phi chính họ là nạn nhân của cộng sản Việt Nam.

TPT