1

Nhạc sĩ Mai Châu 

Nhạc sĩ Mai Châu (còn có bút danh là Chiêu Anh) tên thật là Mã Gia Minh, sanh năm 1945 tại Bạc-Liêu. Ông làm thơ từ tuổi thiếu niên và học nhạc với nhạc sĩ Hoàng Lang. Ông theo ngành dược khoa và phục vụ tại Cục quân y Sài-Gòn từ năm 1971 cho đến ngày mất nước. Nhạc sĩ Mai Châu hiền lành và sống kín tiếng từ hơn nửa thế kỷ bên cạnh phu nhân là ca sĩ Hoàng Oanh, “con chim vàng Mỹ-Tho”.

Ngày 27.10.1967, người bạn thân của nhạc sĩ Mai Châu từ những ngày thơ ấu ở quê nhà Sóc-Trăng thuộc Tiểu Đoàn 31 Biệt Động Quân là Thiếu úy Nguyễn Ngọc Lân đă hy sinh tại chiến trường Bình-Long, miền đất đỏ khô cằn sỏi đá, lúc vừa tròn 24 tuổi. Viên đạn ghim sau đầu đã đưa anh đi vào giấc ngủ ngàn thu. Anh bỏ lại mẹ già đơn chiếc, lá vàng ở lại khóc lá xanh rơi rụng, mấy đứa bạn thân và người yêu bé nhỏ hứa yêu anh trọn đời. Lững thững đi sau đoàn xe tang với tâm tư buồn bã và hình như cũng muốn sớt chia với nỗi buồn kẻ ở người đi nên trời cũng đổ cơn mưa như lần tiễn bạn lên đường trước đó hai tuần lễ. Phi cơ cất cánh bay rồi mà những giọt mưa thu hay nước mắt cứ lăn dài trên má, trên mắt người ở lại và phủ nhạt nhoà không gian phi đạo. Người ở lại có bao giờ vui !

Xem thêm:   Nữ thần tháng 4

Bài thơ “Tiễn một người đi” đã ra đời trong nỗi niềm tiếc thương người bạn thân thiết vừa mới đi xa. Sau đó, thi phẩm đã được viết lên lần nữa trên khung nhạc với tựa đề “Một người đi”. Nhạc phẩm này được ca sĩ Hoàng Oanh thâu thanh lần đầu tiên vào dĩa hát Việt-Nam năm 1967.

Nhạc sĩ Mai Châu sáng tác không nhiều nhưng nhạc phẩm “Một người đi” đã góp phần làm nên tên tuổi ông trong giới thưởng ngoạn âm nhạc thời chinh chiến ở trong nước cũng như khi bước chân luân lạc trên xứ người. Những tác phẩm của Mai Châu từng được biết đến từ trong nước ra đến hải ngoại như “Một người đi”, “Tiếng hát chinh nhân”, “Phiên gác đầu tiên”, “Còn đêm nay nữa”, “Công chúa ngày xưa”, “Cánh nhạn đầu xuân”, Ve gọi tiếng hè”, “Một ngày tôi đi qua”, “Tiễn em qua cầu” v.v.

Nhạc sĩ Mai Châu và ca sĩ Hoàng Oanh 

2

Tiễn một người đi

Khi nghe những dòng nhạc đầu tiên, người ta cứ ngỡ đó là khung cảnh bịn rịn chia tay của đôi tình nhân giữa buổi chiều mưa lạnh. Mưa vẫn rơi dài trên con phố vắng, nước mưa thấm trên màu áo hoa rừng của người lính chiến và ướt luôn màu áo trắng sinh viên ở hậu phương. Thật ra thì người ở lại là nhạc sĩ Mai Châu trong giây phút tiễn đưa người bạn thân lên đường ra đơn vị ..

Xem thêm:   Anh em nhà Ruffner

“Tôi tiễn anh lên đường, trời hôm nay mưa nhiều lắm

Mưa thấm ướt vai gầy, mưa giá buốt con tim

Mình cầm tay nhau chưa nói hết một câu

Thôi đừng buồn anh nhé, tiếng còi đang ngân dài”

Nhạc sĩ Mai Châu cũng nhắn nhủ với bạn mình, hãy bớt buồn trên bước đường hành quân gian khổ. Dù năm dài, tháng vắn, xin bạn hãy yên tâm vì người yêu bé nhỏ của bạn mình vẫn một lòng thủy chung, chờ đợi và hứa sẽ thương nhau trọn đời .

“Chinh nhân ơi, xin anh chớ buồn

Chinh nhân ơi, xin anh chớ buồn

Người yêu anh còn đó, người yêu anh bé nhỏ hứa thương anh trọn đời”

Bè bạn cùng trang lứa đã biết nhau từ thuở còn thơ và thường sớt chia cho nhau những tâm tình ngày mới lớn. Đêm nay là đêm cuối vì mai này bạn sẽ theo tiếng gọi non sông khoác lên mình manh áo chinh nhân. Tiễn đưa nhau mà tâm tư chưa vơi hết, kẻ ở người đi mang theo bao niềm lưu luyến. Người đi xa rồi để biệt ly nhớ nhung từ đây.

“Thức trắng đêm qua, hai đứa chúng mình chưa vơi hết tâm tư

Ta kể nhau nghe những vui buồn thời ấu thơ

Đếm lá thu rơi, mười bốn thu tàn tôi đã biết tên anh

Nay cách xa rồi, anh khoác chinh y

Tôi còn ở lại đưa tiễn một người đi”

Hình bìa tờ nhạc “Một người đi”

Đoàn tàu chuyển bánh và xa dần phố thị. Dáng anh buồn và đôi mắt đăm chiêu trước phút chia ly người đi, kẻ ở. Vì muốn góp phần gìn giữ nền hòa bình cho đất nước và mang lại hạnh phúc cho toàn dân, anh xếp bút nghiên, giã biệt trường lớp và cố gắng làm người chiến binh kiêu hùng nơi trận tuyến.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (03/27/2025)

“Tôi đứng trông theo đoàn tàu đi xa xa thành phố

Tôi thấy dáng anh buồn, đôi mắt nhớ xa xăm

Vì ngàn yêu thương, anh xếp bút mực xanh

Băng mình vào sương gió, sống trọn kiếp trai hùng”

Mong cho chinh chiến sớm qua để người lính năm xưa được trở về chốn cũ với nguyên vẹn hình hài. Hòa bình sẽ về lại trên quê hương đã quá nhiều đau khổ. Niềm vui trọn vẹn khi được gặp lại người thương ra mừng đón và nối tiếp cung đàn yêu thương dang dở. Lời hứa ngày xưa vẫn tròn vẹn và hứa yêu anh trọn đời như buổi ban đầu.

“Chinh nhân ơi, khi anh trở về

Chinh nhân ơi, khi anh trở về

Người yêu ra mừng đón

Người yêu anh bé nhỏ sẽ yêu anh trọn đời”

TV, 14.02.2025