Đà Nẵng bây giờ nhịp sống về đêm thế nào? Có còn “đêm trắng” sôi động, tụ tập ăn uống như những ngày tháng cũ? Những ngã ba, ngã tư trong ký ức

Ngã tư Chợ Cồn nửa đêm về sáng   

Trước năm 1975, ngã tư Khải Định (sau này là Ông Ích Khiêm)-Hùng Vương, gần Chợ Cồn, từng được mệnh danh là ngã tư Quốc tế! Bởi ngày cũng như đêm, hai bên đường san sát hàng quán, cửa tiệm tạp hóa…luôn nhộn nhịp. Nhiều nhất là các quán bán thịt bò tái, bún bò Huế, mì Quảng, phở Bắc, mì hoành thánh, các xe bán bánh mì, tiệm bán bia rượu, quán cà phê… Thực khách đủ mọi tầng lớp, từ công nhân lao động như lái xích lô, chạy xe thồ đến trí thức, công chức, cảnh sát quốc gia, lính Cộng Hòa (có cả Mỹ, Đại Hàn…).

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình bán buôn cũng lúc thăng lúc trầm theo thời thế. Tuy vậy, những người buôn bán chọn các góc ngã ba, ngã tư đường xem ra vẫn sống được nhờ vị trí đắc địa. Đường Hùng Vương là một trong 2 con đường huyết mạch (với đường Điện Biên Phủ) dẫn vào trung tâm thành phố, tính từ Ngã ba Huế xuống. Nó gánh thêm những con đường khác, tạo thành những ngã ba, ngã tư… tên tuổi.

Vào nửa đêm, mua bánh mì nóng giòn, bún bò, kêu mồi nhậu lai rai ở đâu khoái khẩu? Xin mời đến ngã tư Hùng Vương-Ông Ích Khiêm, quen gọi là ngã tư Chợ Cồn. Ăn cháo gà, cháo vịt cho nhẹ bụng, mát ruột kia? Xin đến ngã tư Hùng Vương-Ngô Gia Tự hoặc ngã ba Hùng Vương- Nguyễn Thị Minh Khai. Vậy còn muốn uống sữa đậu nành, ăn bánh bao, cháo hột vịt muối, bún bò? Cứ đến ngã tư Hùng Vương – Phan Châu Trinh… Còn như muốn ăn mì hoành thánh, phở thì đến ngã ba Phạm Hồng Thái – Phan Châu Trinh. Còn nhiều ngã ba, ngã tư khác sau 23 giờ không còn im lìm say ngủ dưới ánh đèn đường mà… thức trắng cùng với nhiều hàng quán ăn uống giá bình dân phục vụ cho những khách hàng cũng bình dân. Đó là công nhân vệ sinh môi trường, lái xe ôm, xe xích lô, taxi, sinh viên cả những cô vũ nữ rời vũ trường muộn cần… ấm bụng.

Lò mổ thịt, lò bún hoạt động đến gần sáng

Những con đường…thị trường

Năm, sáu giờ chiều, đó là lúc các cửa tiệm, trụ sở công ty, trường học, ngân hàng… trên các đường Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Hàm Nghi, Trần Cao Vân, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ… đóng cửa. Các hoạt động nhộn nhịp, ồn ã của ban ngày lắng xuống cũng là lúc vỉa hè đồng loạt bị… chiếm dụng. Người ta hối hả bày ra bàn ghế, dựng dù, căng bạt điền vào các chỗ trống… gọn trơn. Đây là lò thịt heo nướng lu, đó là quán ăn vặt. Còn kia, quán nhậu lai rai. Ai ngồi đây chắc có vài người yêu…

Xem thêm:   van Manen Anaïs Ca Dao

Những hàng quán rất… biến hoá linh hoạt. Cứ chạng vạng dọn ra, nửa đêm hoặc gần sáng, khoảng 3 hoặc chậm nhất 4 giờ, là dọn dẹp, trả lại mặt bằng sạch sẽ. Buôn bán vào thời điểm này không phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt cũng như phải ghi danh kinh doanh… Bà Th. ở phường Vĩnh Trung (cũ) trước kia theo phụ mẹ bán bánh mì ở ngã tư Chợ Cồn, nay nối nghề, kể: “Trước kia ít lò bánh mì, người bán không nhiều. Ơ ngã tư ni, ngoài quán bánh mì ông Tý được tiếng ngon, nay chuyển về đường Hùng Vương, chỉ có xe bánh mì của tôi. Còn chừ thì nhiều quán lắm. Buôn bán ế ẩm, nhất là sau dịch cô-vít, nhiều khi ngồi đuổi muỗi rục hết tay”. Quán bún bò Ph.M. trên đường Lý Thái Tổ bắt đầu bán từ 21 giờ cho đến 4 giờ sáng. Quán chuyên phục vụ cho lái xe taxi, xe ôm, công nhân vệ sinh, môi trường…

Nhìn cái tủ kiếng treo lủng lẳng cả chục con gà với vịt vàng óng mỡ, nung núc thịt rất bắt mắt khiến cái bụng cũng… lung lay. Tôi hỏi bà Y đang coi quán, thay con gái, bán cháo gà, vịt, xôi, miến, gỏi vì sao đoạn đường này nay còn có 2, 3 quán? “Có chi mô chú, sau dịch bệnh, có mấy quán…rớt đài liệt sĩ luôn!”, một nam nhân viên quán chen ngang.

Gần 1 giờ sáng. 3 thanh niên còn rất trẻ chạy xe ôm công nghệ, một Grab, hai Xanh SM, đậu xe trên vỉa hè ngã tư Nguyễn Hoàng – Nguyễn Văn Linh…Họ chăm chú xem điện thoại và trông đợi được “nổ” (nổ máy xe) mới hy vọng có tiền ăn, trả tiền thuê phòng trọ… Các quán nhậu về đêm trên đường Hùng Vương, Ông Ích Khiêm, Văn Cao, Nguyễn Văn Linh khá đông khách trẻ. Ở đó, từng nhóm nam, nữ không ai quá 30 tuổi, ngồi cụng ly chuyện trò rôm rả. Hai hình ảnh đầy tương phản. Gần 2 giờ sáng, nhưng các quán cà phê trên đường Lê Lợi, quán bi-a (bida) trên đường Pasteur hay Vũ trường Eazy D trên đường Hùng Vương vẫn còn khách lác đác ra vô…

Nhiều khách hàng rất trẻ trong các quán cà phê, quán nhậu đêm trên đường Văn Cao, Ông Ích Khiêm.

Những quán vỉa hè ở các ngã ba, ngã tư về đêm, ăn uống rất tự nhiên, thoải mái, thậm chí khách đến quán mặc đồ ngủ, quần đùi, áo ba lỗ, ngồi bỏ cả 2 chân lên ghế cũng chẳng sao. Dựng xe máy dưới lòng đường cũng không ngại. Và nhất là không bị làm phiền…bởi người ăn xin hoặc mời mua vé số!

Xem thêm:   Lễ Hội Powwow ở trường đại học UTA

Hơn 12 giờ đêm, hôm đầu tháng 3/2025, tôi đi trên đường Hùng Vương, ngang qua một quán nhậu đối diện cổng Chợ Cồn, bỗng nghe tiếng hét “Không, không” của một giọng nam. Dừng xe lại, được bồi thêm “Tôi không còn yêu em n…ữ…a!” khiến giựt cả mình. Chắc chàng ta có nỗi niềm riêng không chôn giấu được bèn mượn hơi men bộc lộ…lập trường là không còn yêu em nữa vì “tình đời còn lắm bon chen”! Ban ngày đố anh chàng dám…ca…hét to như thế! Chỉ có đêm mới là người bạn sẻ chia u buồn đáng tin cậy!

Hơn 03 giờ sáng, lò mổ thịt trên đường Trần Cao Vân, lò bún trên đường Lê Độ vẫn còn hoạt động. Thịt heo, thịt bò được xe tải nhỏ chở đi phân phối cho các chợ lớn, nhỏ; bún được xe máy chở tới các quán bán bún chả cá, bún bò v.v. Vài quán bún chả cá, bán hủ tiếu, mì xíu, bánh tráng trộn Sài Gòn, quanh bùng binh đường Điện Biên Phủ – Lê Độ – Nguyễn Tri Phương, Lý Thái Tổ, Hùng Vương chưa vơi bớt khách. Chỉ có mấy xe bán chả viên chiên mắm ngã tư đường Hàm Nghi – Hùng Vương, Hoàng Hoa Thám, Điện Biên Phủ đang rục rịch kéo xe về.

Không chịu… bó toàn thân!

Hai con đường nối dài từ Lý Thái Tổ thẳng xuống Hùng Vương đang là một công trường ngổn ngang vật liệu xây dựng… Từ ngày 22/8/2024 đến nay, các nhà thầu trưng dụng máy móc, huy động nhân công… cùng thực hiện dự án sửa đổi hệ thống thoát nước, lát gạch vỉa hè; Hạ ngầm cáp thông tin, đường điện đèn tín hiệu giao thông, điện chiếu sáng…Tuyến đường huyết mạch của trung tâm thành phố này có Chợ Cồn, Siêu thị Go!, cửa tiệm, hàng quán hai bên buôn bán khá sôi động nay trở nên trầm lắng. Một số quán bán bún bò, bún cá, xôi chiên, ăn quà vặt… đóng cửa 3, 4 tháng dài. Chắc họ cũng lo đi tìm các vỉa hè ngã ba, ngã tư đâu đó tiếp tục… lấn chiếm bán buôn chứ chẳng lẽ cam chịu… bó toàn thân?

Các quán vỉa hè phục vụ khách xem đá banh

Trước cổng Chợ Cồn, đường Hùng Vương, từ chiều, có vài người dùng xẻng xúc cát, đá qua một bên lấy mặt bằng dọn quán. Trên đường Lý Thái Tổ có chỗ treo bảng xin đừng đổ cát sạn, đậu xe vì quán bán đêm… Sợ nghỉ bán lâu sẽ mất khách nên không ít hàng quán vỉa hè ở đây tạm chuyển dời sang chỗ khác. Quán nào trụ lại thì tự kê, lót vỉa hè loang lổ, gập ghềnh cho bằng phẳng để đặt ghế bàn. “Quán tạm nghỉ khi đào đường làm cống qua hết Tết. Rồi chừ đến lát gạch vỉa hè. Đợi cho xong công trình thì lâu quá nên mở lại quán thôi. Kệ, mình chịu khó dọn dẹp, che chắn. Chứ nghỉ lâu không có tiền lại mất khách thì khổ”, chủ quán bún Ph.M nói.

Xem thêm:   Hát quán nhậu

Một nam chủ quán bán thịt heo, vịt nướng lu ở vỉa hè đường Hùng Vương, bộc bạch: “Chừng một giờ lo dọn dẹp quán, trả lại vỉa hè cho… ban ngày. Về nhà tắm rửa rồi chợp mắt chừng 2, 3 tiếng chi đó là choàng dậy, uống ly cà phê… Xong, lo đi chợ, chuẩn bị cho bán buổi tối. Tất bật, lu bu cả ngày đến suốt đêm. Hoàn cảnh lắm mới buôn bán lấy đêm làm ngày kiểu này đó bác!”. Cô chủ nhỏ quán nhậu bình dân, mồi xương, má, hàm trên đường Lý Thái Tổ, cười hi hi: “Mưa nắng không lo, chỉ sợ công trình làm đường kéo rê với đào lên lấp xuống… chóng mặt. Còn mùa đá banh hay ngày lễ thì bán sướng lắm chú ơi! Không đủ ghế ngồi, khách ngồi tràn cả xuống lòng đường luôn. Bọn con chỉ mong có đá banh đều đều”.

Ngã tư Chợ Cồn, hơn 2 giờ sáng, 07/3/2024 chỉ còn lác đác vài xe bán sữa đậu nành, bánh mì, cà phê muối, trà sữa với xôi chiên, gà xé…

Nửa đêm về sáng, Đà Nẵng vẫn giữ “nhịp sống thị trường” lúc sôi động khi trầm lặng… hiền hòa mang nét dáng riêng. Đi đâu xa cũng nhớ những ngã ba, ngã tư đường… không ngủ. Ở đó rất nhiều hàng quán bình dân, thức ăn, nước uống phong phú. Nếu tình cờ ngang qua dù bụng không đói cũng bất chợt thấy…thèm ăn! Hèn chi du khách muôn phương đến đây luôn khen thức ăn ở Đà Nẵng rất ngon, bổ, rẻ. Tất nhiên là mong được… an toàn thực phẩm!

Bài & ảnh LKD