Tại một khu vực khổng lồ nằm giữa sa mạc California, hàng trăm người sống bên lề xã hội, không chịu sự giám sát của chính phủ. Ở đây, việc sử dụng ma túy, bạo lực và trộm cắp không bị trừng phạt. Những công dân Mỹ bị lãng quên này, tự lo liệu cuộc sống.

Một góc East Jesus       

Nằm cách Los Angeles 3 giờ lái xe về phía Nam, giữa sa mạc California, Hoa Kỳ, một cộng đồng gồm cả phụ nữ và nam giới sống tách rời xã hội. Những người dân Mỹ bị lãng quên này, không có chỗ ở cố định, tự làm nhà ở của họ từ những thứ vụn vặt, tạp nham.

Chào mừng đến với thị trấn Slab! Nằm trên một căn cứ quân sự cũ bị bỏ hoang, thị trấn nhỏ bé này không có địa chỉ nhà, không có nước sinh hoạt, không có điện, không có hệ thống thu gom rác thải. Về thư tín ư? Người đưa thư không bao giờ xuất hiện. Nước để tắm, sinh hoạt? Một suối nước nóng gần khu nhà ở cắm trại là nguồn cung cấp nước nóng cho việc tắm táp của cộng đồng. Điện thì sao? Ngọn lửa truyền thống được dùng để thắp sáng và nấu nướng. Tuy nhiên cũng có một số nhà đã đầu tư vào các tấm năng lượng mặt trời. Về vệ sinh? Mỗi người phải chịu trách nhiệm vệ sinh trên phần đất mình sử dụng. Rác thải và phân người chất đầy chung quanh khu vực nhà ở tạm bợ này.

Nhà ở tạm bợ tại Slab

Một xã hội tự trị, tự sinh tồn

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Conyers

Trên mặt đất khô cằn, nằm ngổn ngang những xe kéo nhà lưu động cũ kỹ, xe tải nhẹ và những ngôi nhà làm nơi trú ẩn tạm bợ. Ở đây, quyền sở hữu không tồn tại. Mọi thứ đều được tổ chức một cách không chính thức. Có một vài tiệm, quán, chẳng hạn như một hiệu sách, một cửa hàng tạp hóa, một nhà nghỉ rẻ tiền hay thậm chí một quán cà phê Internet. Tất cả đều được làm bằng những mảnh gỗ và tấm kim loại lượm lặt. Tất nhiên bạn có thể thanh toán bằng tiền mặt, nhưng việc đổi chác hàng hóa cũng được thực hiện ở đây.

Các bảng báo đặt rải rác đó đây, theo sáng kiến của người dân, đề ra một số quy định: chó phải được xích, xe phải đậu đúng chỗ chứ không được đậu xe ở bất cứ đâu, có bãi đậu xe và giới hạn tốc độ di chuyển. Ngược lại với những gì người ta có thể tưởng tượng, cộng đồng cố gắng tự tổ chức để có đời sống tốt nhất có thể. Một số nhà ở được thiết kế với không gian sống ngăn nắp, có trồng cây và trang trí.

Một góc khác của East Jesus

Cư dân

Trong một phóng sự phát trên YouTube năm 2018, một nhà báo đã gặp được nhân vật tiêu biểu của Slab, anh là một cựu lập trình viên máy tính. Anh đi chân trần, đầu đội mũ kaki, mái tóc dài phủ khỏi vai, tay cầm một tấm ván trượt có gắn bánh xe. Miệng ngậm điếu thuốc, anh cho biết: “Tôi có cuộc sống bình yên trong cộng đồng này. Tôi thoát khỏi sự phán xét của pháp luật và tìm thấy những người có hoàn cảnh tương tự mình tại đây”.

Xem thêm:   "Nhà bảo tàng Thi Đà Lạt"

Dưới cái nắng sa mạc chói chang như thiêu đốt, khoảng 50 đến 200 người cố gắng sống sót qua mùa hè ở thị trấn Slab. Theo một số người dân, nhiệt độ có thể lên tới 50 độ C. Vào mùa Đông, thị trấn  Slab dường như mở rộng ra, dân số có khi lên tới 2000 người. Nó liên tục thay đổi tùy theo sự đến và đi của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Một tác phẩm nghệ thuật với tấm bảng kêu gọi tài trợ,

Nằm ngoài sự giám sát của chính phủ

Việc ước tính chính xác số lượng cư dân ở thị trấn Slab là rất khó vì nó nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Mỹ. Mặc dù cách đó 6 km có một căn cứ quân sự, nhưng cộng đồng sống với sự thờ ơ, không một chút quan tâm. Cảnh sát không tuần hành trong khu vực này và luật pháp của kẻ mạnh nhất thống trị ở đây. Các trường hợp sử dụng ma túy, phá phách và hành hung không bị luật pháp trừng phạt.

Một video của YouTuber Ruhi Cenet, xuất bản vào tháng 9 năm 2023, David, một cư dân của thị trấn Slab, cho biết: “Họ ném chai xăng nhồi bùi nhùi vào nhà tôi và phóng lửa đốt”. Và những người ở Slab nói: “Đừng gọi cảnh sát để thưa gởi bất cứ điều gì, bởi vì nếu bạn gọi cảnh sát, bạn có nhiều khả năng phải vào tù hơn là thủ phạm”.

Một số tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại East Jesus

Tố giác bằng nghệ thuật

Xem thêm:   Cancun, Mexico người hàng xóm phía Nam của Hoa Kỳ

Nghệ thuật chiếm một vị trí quan trọng tại thị trấn Slab. Xuất phát từ con số không, cư dân Slab đã thể hiện sự tháo vát, tài xoay xở của mình để cho ra đời những tác phẩm ấn tượng, trong đó có tác phẩm mang tên là Núi cứu rỗi (Salvation Mountain). Ngọn núi đầy màu sắc này là một công trình hoành tráng của Leonard Knight: trong gần 30 năm, ông đã bày tỏ đức tin của mình thông qua công trình nghệ thuật dành riêng cho Chúa này.

Một cụm nhà ở được thiết kế với không gian sống ngăn nắp, có cây trồng và trang trí,

Ở phía Bắc thành phố, một phòng trưng bày nghệ thuật ngoài trời, có tên gọi là East Jesus, tập hợp các tác phẩm của những người vô danh, được tạo ra từ vật liệu tái chế. Nhiều tác phẩm tố cáo những vấn đề xã hội mà những người đàn ông và phụ nữ sống bên lề xã hội này phải gánh chịu. Họ mạnh dạn nêu lên sự cô lập, nghèo đói, thiếu hiểu biết và ma túy. Khách đến viếng thăm Slab có thể tài trợ hay mua tác phẩm nghệ thuật nào mà họ thích.

Ở Mỹ, số người vô gia cư ngày càng tăng. Vào tháng 1 năm 2023, Bộ Phát triển Nhà và Đô thị Hoa Kỳ thống kê được 653,100 người vô gia cư, nhiều hơn 70,650 người so với năm trước. Và cơ quan y tế Mỹ ghi nhận 107,000 ca tử vong do dùng ma túy quá liều trong cùng năm.

Núi cứu rỗi, tác phẩm nghệ thuật của Leonard Knight

Bài và hình ĐDH