Socrates (triết gia người Hy Lạp cổ đại) nổi tiếng với khả năng truy vấn đến tận gốc rễ vấn đề. Có lần, các đệ tử của ông đặt câu hỏi: Thưa thầy, thầy có thể giải thích ngụy biện là gì không?

Socrates hỏi lại: Giả sử có hai người, một người sạch sẽ, một người lấm lem bẩn thỉu. Nếu mời họ đi tắm, các em nghĩ ai sẽ đi tắm trước?

Một đệ tử tự tin trả lời: Là người bẩn, thưa thầy.

Socrates lắc đầu: Không, là người sạch sẽ. Vì người sạch sẽ đã quen với việc tắm gội thường xuyên. Người bẩn thì chẳng thấy cần thiết phải tắm.

Ông hỏi lại: Vậy ai sẽ đi tắm trước?

Các đệ tử bắt đầu lúng túng, nói: Là người sạch sẽ!

Socrates lại bảo: Sai rồi, người bẩn cần phải tắm hơn chứ.

Rồi ông lại hỏi tiếp, với ánh mắt trêu ngươi: Vậy thì cuối cùng, ai sẽ đi tắm trước?

Lần này, đám đệ tử gãi đầu: Có lẽ cả hai người đều sẽ đi tắm.

Socrates nhếch mép: Không. Cả hai đều sẽ không tắm. Người sạch sẽ thì không cần, còn người bẩn thì không có thói quen.

Lũ học trò bối rối: Thầy thay đổi liên tục, lần nào nghe cũng có vẻ đúng, nhưng chúng con chẳng hiểu đâu là câu trả lời chính xác cả!

Socrates mỉm cười, nói chậm rãi: Đó chính là ngụy biện. Dựa vào hình thức lý luận chặt chẽ nhưng lại trái quy luật khách quan, đưa ra những kết luận nghe thì đúng nhưng thực ra là sai.

Xem thêm:   Mùa lá thuộc bài nở hoa

Các đệ tử vẫn chưa phục: Vậy làm sao để nhận ra sai lầm khách quan trong những ngụy biện ấy, thưa thầy?

Socrates kể thêm một ví dụ: Giả sử hai người cùng chui vào sửa ống khói. Khi ra ngoài, một người sạch sẽ, một người lấm lem. Các em nghĩ ai sẽ đi tắm trước?

Đám đệ tử đồng thanh: Là người bẩn!

Socrates lại nói: Sai. Người sạch sẽ nhìn thấy người kia lấm lem, sẽ nghĩ rằng mình cũng bẩn mà đi tắm. Còn người bẩn nhìn thấy người kia sạch sẽ, lại nghĩ rằng mình cũng sạch mà không cần tắm.

Lũ học trò reo lên: Vậy là người sạch sẽ sẽ tắm trước!

Socrates lắc đầu: Không đúng. Hai người cùng chui từ một cái ống khói ra, làm sao có chuyện một người sạch, một người bẩn được? Đây chính là thứ lập luận đi ngược với sự thật, là một loại ngụy biện.

Bảo Huân