Giang nhìn ra khung cửa kính, đêm trời trong trăng tròn, ánh sáng tỏa rực rỡ một góc trời. Tiếng còi xe cứu thương hụ không ngưng, tiếng rú thúc giục xé nát không gian từng mảnh rời. H., bà y tá trưởng, chép miệng “trăng tròn” (full moon!).
Hình như người Âu Mỹ cũng có những niềm tin (dị đoan) theo kinh nghiệm riêng. Như nông dân địa phương tin rằng ngày rằm chó sói hú trăng và rủ nhau tìm mồi thì gia súc của họ sẽ bị cắn xé tưng bừng, những người làm việc ở đây cũng tin rằng cứ mỗi lần trăng tròn là phòng cấp cứu sẽ bận rộn vô cùng, từ người lên cơn điên loạn đến những tai nạn khó tưởng, nghĩa là nhiều việc bất thường sẽ xảy ra cùng lúc. Chuyện thú săn mồi vào đêm trăng sáng là điều dễ hiểu, nhìn rõ hơn thì cơ hội kiếm ăn cao hơn, thú vật từ bản năng sinh tồn cũng nhận ra điều ấy. Còn việc bất thường xảy ra nhiều hơn vào đêm trăng sáng? Ai biết đâu? Chẳng có thống kê nào nói đến các sự việc kia cả!
Nhưng đêm nay thì khu cấp cứu của nhà thương bận không kịp thở. Giang đến đây từ buổi chiều, trăng chưa lên mà đã túi bụi mờ mắt. Dãy phòng có cửa đầy kín những người bệnh tâm thần.
Phòng số 1 là một người bị trầm cảm nặng, đã tự cứa cổ tay, một cử chỉ muốn chấm dứt đời sống. May quá, mảnh thủy tinh không sắc lắm chỉ đủ nhay lớp da bên ngoài và cắt đứt một tĩnh mạch nhỏ. Giang rửa sạch vết thương, khâu lại những mũi chỉ, và nói cho người bệnh biết rằng vết cắt có thể sẽ để thẹo. Bệnh nhân là một phụ nữ trong tuổi 30, trên khuôn mặt thanh tú là đôi mắt trống vắng. Cô ta nhìn lên trần nhà, dửng dưng như vết cắt kia chẳng ăn nhậu chi tới mình. Ngồi bên giường là bà mẹ nước mặt nhòe nhoẹt. Hình như bà mẹ đau lòng hơn chính cô con gái về việc chê bỏ sự sống. Lòng yêu thương khiến ta quấn quýt quyến luyến người thân, ta muốn họ hiện diện trong đời sống mình bất kể việc họ muốn sống hoặc muốn gần gũi ta hay không? Và như thế có nghĩa là ta vì mình, yêu thương mình nhiều hơn là yêu thương người kia? Sự có mặt của người thân yêu kia khiến đời sống ta giàu có hơn ý nghĩa hơn hay nhiều hệ lụy hơn?
Giang nhớ đến một hình ảnh khác hồi còn thường trú, trải qua một thời gian tập sự tại khu bệnh tâm thần ở trại bệnh Cựu Chiến Binh. Hai tháng giữa những con người trầm luân, đau khổ và đôi khi điên loạn vì các căn bệnh giày vò đày đọa con người. 60 ngày không dài nhưng đủ để Giang hiểu rằng mình không thể và không đủ kiên nhẫn để làm nổi công việc chữa lành những mảnh hồn rách nát tang thương kia.
Những người bệnh ra vào bệnh viện vì say mê mệt trên đường phố, cảnh sát mang vào nhà thương, 3 ngày sau ra khỏi nhà thương, vòng tròn lẩn quẩn lại tiếp tục, “frequent flyer”. Những cái bụng đầy rượu mỗi ngày mỗi trướng, hai buồng gan xơ cứng, người nghiện rượu chết từ từ giữa những cơn say li bì. Lúc dã rượu, mấy đôi mắt lờ đờ đỏ quạch nhìn đời sống thẫn thờ, xa lạ. Con đường nào đã đưa họ đến trạm cùng quẫn? Người bị chứng trầm cảm kinh niên cũng thờ ơ với đời sống như thế. Có bệnh nhân năn nỉ Giang giúp họ một cách xa lìa đời sống sớm hơn, dễ dàng hơn. Ôi chao, việc làm vô tình gây thương tổn, hủy hoại một sinh vật đã khó chấp nhận huống hồ ta cố tình cố ý gây thương tổn, lấy đi một đời sống?
Suốt đời có lẽ chẳng bao giờ Giang quên những đôi mắt sầu thảm kia, những khung cửa sổ trống vắng vô cảm. Thân xác ngồi đây tê dại giữa trần gian nhưng tâm cảm kia hẳn trắng toát lạnh lẽo như bức tường vừa quét vôi, không nghe tiếng chim hót, không thấy bầu trời xanh?
Đôi mắt thờ ơ vô cảm kia lại xuất hiện hôm nay trong một ngày trăng tròn. Nhưng hôm nay, Giang chỉ làm công việc khâu lại vết thương trên cổ tay mà không thể tìm hiểu nguyên nhân đằng sau hành động tự hủy này. Vết thương thân xác chỉ tốn 30 phút là khâu vá, băng bó xong, còn vết thương sâu trong tâm khảm kia thì làm thế nào? Lâu lắm rồi, có lần Giang tham dự một buổi hội thảo về sự tự hủy. Diễn giả trình bày một bản thống kê rất lớn, từ những miền đất khác nhau và những hoàn cảnh sống khác nhau. Tự hủy thực sự và tự hủy [để] dọa dẫm. Tự hủy vì buồn, hết muốn sống, chán đời. Tự gây thương tổn cho cơ thể để dọa dẫm uy hiếp người khác được xếp vào một nhóm bệnh tâm thần có tên “Borderline personality” (“rối loạn nhân cách”?), những người tâm thần bệnh hoạn giữa sự điên loạn mất hết tự chủ, chỉ nhắm vào chính mình và chán ghét tha nhân.
Sách vở kê khai các nguyên nhân dẫn đến việc tự hủy. Có người tự hủy vì oán hờn, dùng cái chết của mình để gây đau khổ hối hận cho người khác. Người đi kẻ ở đều trầm luân, mối ân oán đến chết cũng không tan. Kẻ tự hủy vì cho rằng chỉ có con đường ấy mới bảo toàn tên tuổi, danh dự; dùng cái chết của mình như một hành động phản kháng, cái chết của những người làm chính trị hay để tạ lỗi. Kẻ khác tự hủy vì không tìm thấy ý nghĩa của đời sống, cuộc sống vô vị tẻ nhạt; và cũng có người tự hủy vì đau buồn day dứt, không nhìn ra lối thoát, từ chuyện cơm áo đến tình duyên. Như thế chết đâu phải là đã hết chuyện?
Không biết tại sao Giang loay hoay mãi với ý nghĩ chết chóc tự hủy, có lẽ từ ánh mắt thê lương của bà mẹ và những giòng nước mắt thương xót kia … Ta mang một sinh vật vào đời, nuôi nấng ấp ủ mà đời sống không có gì để giữ chân con ở lại?
Phòng thứ nhì là một người bệnh tâm thần khác, dùng dao cứa lên tay chân để điều khiển người thân. Đây không phải là lần đầu ông ta có hành động tự hủy mình như thế. Tập bệnh sử dày trên 10 phân lưu trữ ghi chép khá nhiều chi tiết về những lần ra vào bệnh viện trước đây. Người bệnh được chẩn đoán là bị chứng “borderline personality disorder” bởi một nhóm bác sĩ tâm thần sau lần hội chẩn. Công việc của Giang là khám xét, chữa trị vết thương rồi chuyển bệnh nhân qua bác sĩ tâm thần.
Người bệnh ngồi một mình, nôn nóng và ông ta không giữ được sự bình tĩnh khi được hỏi chuyện. Giọng nói dồn dập, gấp rút như thể sắp sửa nổ tung nếu thế giới chung quanh không còn xoay quanh tâm điểm là ông ấy nữa. Giọng nói mai mỉa day dứt ngay từ câu hỏi mở đầu. Đại khái là bệnh viện chắc bận rộn lắm nên chẳng ai nhìn nhõi đến ông ấy sau cả tiếng đồng hồ đến đây. Mèng ơi, làm sao để ta giải thích rằng đây là phòng cấp cứu của bệnh viện, ai đau nặng thì chữa trước, ai đứt tay mà máu không chảy có vòi thì cứ chờ chứ có phải là quán ăn đâu mà theo thứ tự?
Vết dao cắt cạn và dài, nên Giang chỉ rửa sạch, dùng steri-strip, một loại băng keo đặc biệt, kéo hai mép của vết thương lại với nhau thay vì dùng kim chỉ. Chích cho người bệnh một mũi thuốc ngừa tetanus (“phong đòn gánh”?) cho chắc ăn rồi phe ta từ giã sau khi nói với ông ấy rằng bác sĩ của ông ta đã được báo tin, và sẽ đến thăm bệnh rồi quyết định việc chữa trị. Chỉ từ giã mà Giang cũng tốn gần 20 phút vì bị người bệnh níu kéo. Ông ta đặt câu hỏi liên tục:
– Chừng nào thì Bác Sĩ xyz đến?
– ?
– Bác Sĩ xyz có đưa tôi vào khu Bệnh Tâm Thần không?
– …
– Ông ấy chữa cho tôi ra sao để khỏi bệnh?
– …
Hình như người bệnh này sợ cô đơn? Lo lắng lỡ thế giới chung quanh không biết ông ấy là nhân vật chính? Giang ngó quanh tìm thân nhân, người đưa ông ấy đến đây đã bỏ đi đâu mất. Việc chăm sóc một con người không bình thường ngày này sang tháng khác khiến họ mòn mỏi? Tập bệnh sử dày cộm kia nói khá rõ về những biến cố trong đời sống của bệnh nhân, dù chỉ những biến cố đưa ông ta đến bệnh viện, khi thì một ống thuốc ngủ, lúc đấm tay qua cửa kính… mỗi lần muốn điều khiển, trói buộc kẻ chung quanh theo ý mình. Giang bỗng nhớ đến câu chuyện đọc trong sách vở, Chí Phèo rạch mặt đi đòi nợ thuê… Con nợ vì sợ, vì chán mà chắt bóp vơ vét những thứ có thể để hiến tặng hầu (tống) tiễn khách đòi nợ. Thân nhân của những người bị chứng “borderline personality disorder” cũng thế? Họ cũng nhận một gánh nợ từ thủa kiếp nào nên đành chịu đựng cho đến khi xóa sổ hay cắt đứt được mối liên hệ kia? Chao ôi là nợ nần, nợ tình hay nợ tiền đều là xiềng xích? Chỉ khi chủ nợ bằng lòng tha, cắt đứt dây oan mới hết trói buộc?
Giang là người bàng quan, chỉ tiếp xúc với người bệnh qua công việc, và công việc đơn giản 5, 10 phút mà đã bị níu kéo đến 40 phút. Nghĩa là 30 phút kia không được tiêu xài vào việc chăm sóc một người khác trong khi phòng cấp cứu bận túi bụi! Khi Phil gọi từ intercom nói cần giúp đỡ gấp gấp, Giang mới tháo ra được sợi dây trói vô hình kia. Vừa chạy ra khỏi phòng, phe ta vừa ngẫm nghĩ không biết thân nhân ông ấy sống ra sao mỗi ngày? Đời sống họ hẳn đầy những bất an, uất ức, sầu thảm nhất là cảm thấy bất lực không lối thoát khi phải chung sống và chịu đựng một tâm thần bệnh hoạn kia? Những gì trói buộc người thân thích?
Người ta đưa vào phòng cấp cứu, những chiếc giường liền nhau chỉ quây màn để giữ sự riêng tư phần nào, một người đàn ông trong tuổi 40, thân mình đầy máu. Tay trái còng vào thành giường. Cảnh sát đứng bên ngoài canh chừng và chờ đợi “medical clearance”, nghĩa là bệnh nhân khỏe mạnh đủ để đưa vào nhà giam. Ông ta say khướt nên chưa cảm thấy sự đau đớn từ các vết cắt tươm máu từ trận đánh lộn trong quán rượu, họ dùng những chai bia đã đập vỡ làm vũ khí. Không biết các vết cắt nông sâu thế nào, có cứa vào mạch máu lớn nào không, người bệnh nhân đầy những mảnh chai nhọn hoắt. Giang hỏi bà H., người Y Tá Trưởng:
– Huyết áp [bao nhiêu]?
Bà ta gật đầu:
– Để tôi cắt bỏ quần áo đã!
Vừa quay lưng Giang đã thấy bà H. chạy ra khỏi phòng, tay che miệng cố ngăn tiếng cười. Không hiểu chuyện gì? Vài ba phút sau, những người y tá khác đã xúm quanh bệnh nhân, một người giở tấm mền đắp, mọi cặp mắt đổ dồn vào trái dưa leo quấn băng keo quanh đùi phải của người bệnh. Giang bắt gặp mình ái ngại, người đàn ông này hẳn là mặc cảm ghê gớm? Đằng sau cái bề ngoài ồn ào kia là những gì? Chỉ có những giây phút không ngờ đến, kẻ bàng quan mới có cơ hội nhìn thấy cái mặc cảm khốn đốn kia? Ông ta nghĩ gì khi gắn trái dưa leo trên đùi?
Con người khi tự ti mặc cảm thường có phản ứng đối ngược? Trình diễn một vỏ bọc tự tôn, khoe khoang hay kiêu mạn nhưng tâm hồn bên trong thì trống rỗng, tang thương rách nát? Lúc nào cũng phải dối mình dối người để bớt tự ti?
Ý nghĩ của Giang lan man đến đó thì ngưng. Hệ thống intercom báo tin một ca cấp cứu khác, một tai nạn xe cộ. Câu chuyện giữa Giang và mấy người paramedic (Trợ Y?) diễn ra như thế này:
– Nam, khoảng 20, bất tỉnh, mạch 130, huyết áp 90/60
– Tự thở được (breathing on his own)?
– Khó nhọc (labored), mạch 160
– Huyết áp? Đã đặt dây truyền nước biển (IV line in)?
– Có
– Bị thương ở đâu? Xuất huyết?
– Không biết, chưa thấy vết thương
…
Đây là một nhà thương của thành phố, không phải trung tâm [chữa] chấn thương, Trauma Center, với đầy đủ dụng cụ, máy móc và cả một toán bác sĩ giải phẫu chuyên về chấn thương. Ta sẽ phải quyết định rất nhanh để bệnh nhân được săn sóc cấp kỳ, đúng lúc và đúng chỗ, 20-30 phút là giây phút quyết định của một sinh mạng. Nơi xảy ra tai nạn gần nhà thương thành phố, 15 phút, và khá xa trung tâm chấn thương, 40 phút. Giang nhìn Phil, cả hai gật đầu cùng lúc. Xe cứu thương đưa bệnh nhân về đây, phe ta khám bệnh và nếu cần sẽ chuyển bệnh nhân bằng trực thăng đến trung tâm chấn thương.
Sau khi được truyền nước biển, huyết áp và nhịp tim đã bớt dồn dập. Người bệnh thở đều đặn và nhịp nhàng hơn, mấy mảnh kính vỡ cắt trúng tĩnh mạch lớn nên ông ấy mất máu kha khá, chỉ cần khâu vá lại rồi truyền máu là tạm ổn.
Đêm trăng đầy dạy Giang khá nhiều bài học về đời sống. Mỗi con người là một tiểu vũ trụ. Bệnh tật hay “bình thường” chỉ khác nhau một đường ranh nhỏ. Ý tưởng con người thường xoay chuyển liên miên. Lúc vui lúc buồn. Cảm tính có thể tĩnh nhưng hành động mang lại hệ quả. Làm thế nào để giữ được sự bình an cho tâm hồn? Tinh thần vững vàng thì lý trí sẽ minh mẫn và ta sẽ điều khiển, tiết chế được hành động cử chỉ của mình?
Có thể nào ta giữ được sự bình yên mạnh mẽ, tự chủ giữa những xoay chuyển của đời sống chung quanh? Như sự việc dồn dập trong đêm trăng tròn kia?
TLL