Trước 1975, Chế Linh nổi tiếng khắp nước với bài hát “Thành phố buồn”, sau 1975, Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới với “Thành phố chìm”, thành phố mỗi ngày một lún xuống và ngập nước, biến Sài Gòn từ hòn ngọc trở thành hồ bơi lớn nhất hoàn cầu. Tại sao một thành phố bị chìm? Thiên tai hay nhân tai?

Nguồn ảnh: VNExpress     

Thành phố chìm

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế từ NTU (Nanyang Technological University của Singapore) phân tích hình ảnh vệ tinh của 48 thành phố ven biển trên toàn thế giới liên tục trong 6 năm (2014-2020) và nhận thấy rằng các thành phố ở Đông Nam Á đang bị chìm lún nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Những thành phố trong top 5 thành phố có tốc độ chìm nhanh nhất thế giới, theo nghiên cứu của Nature Sustainability, là Thiên Tân ở Trung Quốc, Chittagong ở Bangladesh, Yangon ở Myanmar, Jakarta ở Indonesia và Sài Gòn.

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM: thủ đô Sài Gòn thời VNCH) hiện đang chìm với tốc độ 16.2mm. Năm 2019, tổ chức biến đổi khí hậu Climate Central dự báo hầu hết các tỉnh phía Nam Việt Nam có thể bị ngập trong biển nước vào năm 2050, gồm 18% thành phố và 39% diện tích đất đồng bằng sông Cửu Long.

Khi nước ngầm bị rút cạn, sẽ tạo lỗ hổng bên dưới và gây sụt lún

Nguyên nhân

Các nghiên cứu từ NTU chỉ ra rằng nguyên nhân khiến các thành phố bị chìm lún là khai thác nước ngầm quá độ bên dưới lòng đất, trong khi bên trên thành phố bị “bê tông hóa”, khiến nước mưa hoặc thủy triều không thấm được, cộng với việc ao hồ, nơi tích lũy nước đã bị lấp sạch, nước không còn chốn dung thân.

Hồi còn ở Việt Nam, tôi đã chứng kiến một cơ quan nhà nước được cấp đất là một… cái hồ rau muống ở quận 7, TPHCM. Sau đó cái hồ được lấp nhanh chóng và chia lô. Bây giờ thì nơi đó trở thành một khu phố khang trang, và những cái hồ bị xóa sổ này góp phần tăng nước thừa lềnh bềnh khắp thành phố.

Trong một nghiên cứu trước đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã điều tra hiện trạng mặt bằng của thành phố HCM. Kể từ năm 1990, đô thị phía nam này đã chìm với tốc độ 2-5 cm mỗi năm. Mười quận bị sụt lún nặng nề nhất là quận 2, 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân và Thủ Đức.

Khảo sát của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Japan International Cooperation Agency) ghi nhận tốc độ sụt lún tại TP.HCM khoảng 2-5cm/năm, trong đó các khu vực có xây dựng nhiều công trình bị lún 7-8cm/năm. Tốc độ sụt lún này nhanh gấp đôi tốc độ mực nước biển dâng.

Xem thêm:   Khẩu súng săn

Thành phố Sài Gòn được Pháp quy hoạch xây dựng năm 1861 với một hệ thống thoát nước cho 30,000 dân, lúc đó kênh rạch và ao hồ còn mênh mông. Ngày nay kênh rạch, ao hồ bị san lấp và hệ thống thoát nước thời Pháp đã rệu rã, mục nát, không được thay thế, khiến nước thoát bị tắc nghẽn, dồn ứ, phân phát đồng đều vi trùng, dịch bệnh cho 15 triệu cư dân.

Theo nguyên tắc, mỗi công trình mọc lên, đều phải tuân thủ việc thoát nước một cách nghiêm túc. Ở Việt Nam, hệ thống thoát nước là công trình ngầm, nên tha hồ che mắt thế gian. Ngay cả đường cao tốc mà việc thi công còn gian dối, ẩu tả. Các thanh tra nhận phong bì của nhà thầu. Hậu quả như mọi người thấy. Điều này giải thích được tại sao ngay cả thành phố biển như Nha Trang hay cao nguyên như Đà Lạt cũng bị  ngập.

Sài Gòn thuở xưa rất nhiều kênh rạch chằng chịt, thoát nước dễ dàng (ảnh năm 1904)

Bài học từ nơi khác

Là một quốc đảo, Singapore đã và đang thực hiện nhiều phương pháp khác nhau để bảo vệ vùng đất của mình. Singapore kết hợp các giải pháp thiên nhiên và nhân tạo. Rừng ngập mặn được trồng dày đặc, bảo vệ bờ biển khỏi các cơn bão, ngoài ra họ nuôi dưỡng các rặng san hô tạo nên những đê biển thiên nhiên.

Thiên Tân (Trung Quốc) đã sụt lún kể từ những năm 1920, do khai thác nước ngầm vô tội vạ. Chittagong (Bangladesh) chìm nhanh hơn gần 10 lần so với mực nước biển, bị ngập mặn nặng nề.

Xâm nhập mặn là khi mực nước ở cửa sông thấp hơn nước biển, nước biển sẽ tràn vào đất liền gây nhiễm mặn vùng đất nông nghiệp. Bản thân tôi, có lần về Cà Mau, xót xa khi thấy những hàng dừa cao vút, xinh đẹp bị chết khô, hỏi ra mới biết khu vực đó bị ngập mặn.

Ngoài những lý do trên, hệ lụy từ việc xây đập vô tội vạ ở thượng nguồn, là một mưu đồ bóp chết nền kinh tế của Việt Nam của Trung Quốc. Hiện có 747 đập đã và đang xây dựng ở thượng nguồn sông Mê Kong. Trung Quốc có 11 “siêu” đập, Campuchia có 2 con đập, Lào có 78 đập và đang có kế hoạch xây 246 đập nữa để sản xuất điện, bán cho… Việt Nam và các nước láng giềng.

Khi đập thượng nguồn giữ nước, dưới hạ nguồn sẽ khô hạn, nông dân phải khoan giếng để sinh hoạt và tưới tiêu cho nông nghiệp. Càng khoan, đất càng sụt lún và hậu quả là nước biển xâm lấn, đất nông nghiệp bị ngập mặn và thành phố sẽ tụt sâu vào lòng đất.

Sài Gòn năm 1904

Can thiệp của Mỹ

Đọc thấy mưu đồ của Trung Quốc, Mỹ lập ra quan hệ đối tác Mê Kong (Mekong-U.S. Partnership:MUSP) là sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Mục tiêu là giữ ổn định và phát triển bền vững trong khu vực.  Trong đó Mỹ cung cấp hàng tỉ đô la viện trợ không hoàn lại, ngoài ra Công binh Lục quân Hoa Kỳ (The U.S. Army Corps of Engineers: USACE) hỗ trợ kỹ thuật.

Xem thêm:   Tiễn một người đi

Sự tham gia của Hoa Kỳ vào khu vực sông Mê Kông bắt đầu vào năm 2009 với tên gọi Chương trình “Liên kết” Hạ lưu sông Mê Kông (Lower Mekong Initiative Program). Họ tổ chức các cuộc họp thường niên với quan chức cấp cao, cấp bộ trưởng, các lãnh đạo.

Chương trình này còn mở rộng ra các kết nối kinh tế, an ninh năng lượng, phát triển nhân lực, quản lý tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước xuyên biên giới. Nếu Việt Nam và các nước Đông Nam Á khôn ngoan trong việc “dựa hơi” Mỹ, việc bức tử dòng sông Mê Kong của Trung Quốc sẽ khó lòng thực hiện. Có lần tôi đến Campuchia, nhìn con sông khô như con mực, lòng không khỏi bùi ngùi. Hai bờ sông cách nhau vài cây số, chỉ còn một lạch nước tí teo chảy lững lờ, cỏ mọc đầy lòng sông, người ta dựng lều để trồng rau củ ngay trên dòng sông cạn.

Sông Mê Kong bị hàng trăm đập chặn phía thượng nguồn

Ở Việt Nam

Đối mặt với tình trạng đất lún, nước biển dâng, cộng với lượng mưa, các thành phố lớn ở Việt Nam đang đối mặt với một vấn nạn vượt xa khả năng giải quyết của nhà nước. Trong trận mưa đầu mùa ở miền Nam, căn phòng thuê chật hẹp của chị Mã Thị Điệp ở  quận 12, chị hành nghề bán vé số đang sống cùng các con ở tại TP.HCM đã bị nước ngập đến đầu gối. Chị Điệp nói “Nó tràn vào từ ngoài đường và phọt lên từ cống thoát nước trong phòng tắm. Chúng tôi không cách nào ngăn nổi. Chất lỏng đen như than và hôi như nước sình lâu năm”. Chị Điệp quê ở Sóc Trăng, là một trong nhiều người di cư đến Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Mặc dù nằm ở khu vực được xem là cao của thành phố, nhưng Quận 12 đã trở thành một trong những khu vực dễ bị ngập lụt nhất trong những năm gần đây.

Cư dân lâu năm ở quận 8, ông Nguyễn Tấn Lợi, cho biết những năm 1990 nơi ông ở là một vùng đầm lầy, bao phủ bởi ruộng lúa và ao cá cho đến đầu những năm 1990. Sau đó, các công trình xây dựng tấp nập mọc lên cùng với các khuôn viên trường đại học và khu dân cư. Xây thôi, nhưng hệ thống thoát nước chỉ lắp cho có lệ, và có khi không lắp.

Xem thêm:   Sáp nhập tỉnh, chuyện cây tre trăm đốt

Ở khu vực phía Nam thành phố, Nguyễn Trung Hiếu và hàng xóm cũng phải đối mặt với tình trạng ngập lụt. Khu phố của ông ở quận 8 – một trong những quận nghèo nhất của Thành phố Hồ Chí Minh – bị ngập hai lần một tháng từ tháng 9 đến tháng 2 bởi kênh Ba Tăng chạy qua. Ông nói: “Nước dâng mỗi ngày càng cao hơn, khoảng 5 cm mỗi năm”. Mặc dầu ông Hiếu đã nâng nền nhà vài lần rồi và người dân đều đã đóng góp tiền để nâng cao con đường chung của họ nhưng tình trạng vẫn không khả quan.

Lê Văn Lợi, 29 tuổi, là một công nhân may ban ngày và một tài xế Grab ban đêm, sống ở huyện Bình Chánh, nói rằng lũ lụt là nỗi sợ lớn nhất của anh: nước có thể cuốn trôi cả xe và người, chưa kể sửa một chiếc xe ngập nước tốn hơn 150,000 đồng (khoảng 6 đô la). “Không đáng cho một cuốc xe”. Lợi cho biết, hễ mưa xuống là thu nhập héo hon.

Cao Vũ Quỳnh Anh, nhà nghiên cứu của University of Tokyo (Đại học Tokyo), người đã nghiên cứu cách người dân Thành phố Hồ Chí Minh đối phó với ngập lụt, cho biết: “Nó giống như một vòng luẩn quẩn”. Ví dụ, một dự án thoát nước cho thành phố đã được đưa ra vào năm 2001, nhưng 20 năm sau, việc xây dựng chưa được 50%. Một dự án khác nhằm bảo vệ khu vực rộng 570 km2 bao quanh trung tâm thành phố bằng đê bao, cống và máy bơm nước, nhưng chưa biết kiếp nào mới có thể vận hành.

Ngoài các  biện pháp trên, còn có một Đại biểu Quốc hội “Tiến sĩ lu” Phan Thị Hồng Xuân, chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Dân tộc học – Nhân học TP.HCM, đã đề nghị nhà nước hoặc chính quyền địa phương trang bị cho mỗi gia đình một cái lu để chống ngập.

Trong khi “Tiến sĩ lu” bận rộn với kế hoạch của mình, Mã Thị Điệp và Nguyễn Trung Hiếu không màng đến lu chậu mà ì ạch chuyển gia đình đến một khu phố mới trên khu đất cao hơn. anh Hiếu cho biết thủy triều sẽ tiếp tục dâng cao, nhưng anh không thể tiếp tục nâng cao nơi chốn của mình: “Nếu chúng tôi nâng sàn lên nữa, cái giường tôi sẽ… chạm trần nhà.”

Sông khô cạn, nông dân khoan giếng ngầm để tưới vườn

Cách chống đỡ

Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với một thách thức môi trường đáng kể: nó đang bị lún và chìm xuống. Có một cư dân nói đùa rằng quy chuẩn xây nhà sắp tới là xây  trên phao. Để làm chậm việc sụt lún cần có giải pháp hạn chế việc khoan nước giếng ngầm. Muốn vậy, phải có những hồ chứa nước sạch cung cấp cho cư dân thành phố.

Xa hơn là tăng diện tích cây xanh trong thành phố giúp cải thiện độ thấm của nước.

Và nếu không cách nào ổn, thì nên tính đến việc dời thành phố sang nơi khác, như Indonesia đang dời thủ đô Jakarta đến Nusantara, cách chỗ cũ hơn 1,000 cây số.

Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân phát biểu tại phiên họp chiều 12-7-2019 với đề nghị dùng lu chống ngập. Bà được dân chúng đặt biệt hiệu “Tiến sĩ lu” – Ảnh TỰ TRUNG

TY