Bà con mình biết ông nhiều qua nghệ danh Trung Chỉnh. Ông tên thật là Huỳnh Văn Chỉnh, sinh ngày 4 tháng Một năm 1943 tại Mỹ Tho. Quê quán ông ở Chợ Thạnh Trị, lập năm 1954, sát bờ rạch Bảo Định. Tại đây có bến đò Thạnh Trị qua làng Thạnh Trị. Thời Pháp thuộc đã có nhà máy ép dầu dừa, lò heo. Ba ông qua đời vào năm 1950. Nhà nghèo. Chính vì gần lò heo nên thân mẫu của ông bán huyết heo tại Chợ Thạnh Trị (Thời CS thuộc Phường 4, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

Con đường Alexandre de Rhodes từ đường Trưng Trắc qua Cầu Quây dọc theo rạch Bảo Định tới Ngã ba Đài Chiến Sĩ đại lộ Hùng Vương. (Chừng nào Cầu Quây nọ thôi quây/Thì ta với bậu mới đứt sợi dây cang thường). Trò Huỳnh Văn Chỉnh học 4 năm Trung học Đệ nhất cấp ở trường tư thục Trúc Giang trên con đường này.  Trung học tư thục Trúc Giang của giáo sư Trúc Giang nằm bên dãy đối diện bờ rạch. Giáo sư Trúc Giang nhà ở đầu đường Huyện Toại (Đỗ Trình Thoại) gần Vườn hoa Lạc Hồng trên Đại lộ Gia Long. Lên bậc Trung học Đệ nhị cấp, trò Huỳnh Văn Chỉnh học trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu trên Đại lộ Hùng Vương. Năm 1971, ông tốt nghiệp trường Quân y khóa 18 thời Y sĩ Trung tá Trần Minh Tùng làm Chỉ huy trưởng. Ông Huỳnh Văn Chỉnh đóng lon Y sĩ Trung uý thuộc binh chủng TQLC. Năm 1975 ông vinh thăng Đại uý không bao lâu thì CSBV chiếm được VNCH. Ông bị CS bắt đi học tập cải tạo. Được thả về, ông làm việc cho Bệnh viện Phước Kiến.

Xem thêm:   Lest we forget!

Ngày 26-11-1978 tàu Kim Hoàng MT065 – tức Mỹ Tho 065, chở trên 300 Hoa Kiều đăng ký bán chính thức vượt biên rời Việt Nam. Sau 5 ngày lênh đênh trên biển cả, khoảng 5 – 6 giờ chiều ngày 30-11-1978 thì tàu tới bờ biển Malaysia. Lính biên phòng Mã Lai bắn ra không cho tàu cặp bến, tàu phải bỏ neo cách bờ khoảng 200 thước. Nửa đêm bão tới. Khoảng 5 giờ sáng thì tàu chìm. Vợ con của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cũng chết vì tài công, chủ tàu cùng gia đình đã bỏ tàu lên bờ; vì không người điều khiển nên tàu chìm, khiến trên 170 người mạng vong.

Ca sĩ Trung Chỉnh 

Nhưng ông tài công biện hộ: “Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn là khách, ngồi dưới hầm tàu thì không hiểu bên trên tụi tôi điều hành như thế nào? Hai người chủ tàu thì có một người chết luôn cả vợ lẫn con. Còn chủ tàu kia – là Tư Lùn, thì một vợ và 4 đứa con gái của anh cũng chết. Tài công thì chết 2 đứa con. Như vậy không thể nào tụi tôi bỏ tàu chạy vô bờ. Vì cố ý chạy trước, thì tụi tôi đâu có chết người nào?”

Qua câu chuyện bi thảm này, tôi lại nghĩ như vầy:  Đa số đồng bào vượt biên vượt biển là tìm tự do. Bọn CA CS và chủ tàu cấu kết nhau biến những chuyện sống chết của bà con mình để kiếm vàng cây, vàng lượng. Bọn cảnh sát biên phòng Mã Lai đuổi tàu ra theo lệnh của chính phủ Mã lúc đó. Vì chính phủ Mã muốn có tiền của các tổ chức thế giới giúp người tị nạn. Bọn biên phòng Mã cũng muốn vàng. Đưa vàng theo đúng ý thì chúng cho vào. Chủ tàu và tài công cũng muốn chung chi nhưng bớt lượng nào hay lượng ấy. Đang mặc cả trên số phận của đồng bào vượt biển thì nửa đêm bão tới. Tụi biên phòng Mã biết bão sắp tới hay không? Chúng biết chớ nhưng không cho tàu vào tránh bão để làm áp lực kiếm thêm vàng. Cuối cùng chính lòng tham đã giết con người nghĩa nhân!

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi?

Tin dữ tàu chìm khi tới đảo bay về chợ trời Mỹ Tho trên đường Lý Công Uẩn trước rạp hát Vĩnh Lợi của Thầy Năm Tú làm bà con mình ai cũng bàng hoàng. Tin đồn người chết tìm về căn nhà cũ, nửa đêm gõ cửa xin vào nhà vì nước biển lạnh quá.

Vợ chồng Ca sĩ Trung Chỉnh

Nguy hiểm như vậy nhưng chỉ chưa tới năm sau, năm 1979, y sĩ đại úy TQLC Huỳnh Văn Chỉnh dắt vợ và con bỏ nước ra đi tìm tự do. Ông kể lại: Từ Mỹ Tho, vào nửa đêm chúng tôi đi ra biển. Cái tàu của chúng tôi, họ định đi chỉ 200 người thôi. Thế nhưng chủ tàu tham lam với bọn CA tổ chức kiếm thêm nên chúng chở tới 338 người. Người lớn 8 cây. Con nít 4 cây vàng. Tài công là Hải quân Trung uý nhưng không có kinh nghiệm hải hành. Tàu cứ đi lạc mãi cho đến nỗi bị hải tặc Thái Lan cướp tới 2 lần. Cho tới ngày thứ 8 tàu cặp được vào tỉnh Kota Baru, miền bắc của Mã Lai, cách biên giới Thái Lan 10 cây số. Nhưng lại bị lính biên phòng Mã Lai kéo các chiếc tàu khốn khổ, mỗi tàu chứa hàng trăm người tị nạn ra khơi rồi cắt dây bỏ mặc cho trôi tiếp. Chiếc chở gia đình ông thì suốt nửa tháng lây lất trên biển khơi, thêm một số người nữa thiệt mạng. Đến tháng Bảy năm 1979, tàu tấp vào đảo Pulau Laut của Nam Dương. Đây là một đảo nhỏ, thiếu thốn tiện nghi, thực phẩm, thuốc men, lại thêm chục người bỏ xác nơi này. Cả gia đình ông Chỉnh bị sốt rét. Giới chức trên đảo cầu cứu Liên Hiệp Quốc. Cao Ủy Tị Nạn LHQ cho tàu đến chở người tị nạn qua trại ở Galang. Gia đình ông Huỳnh Văn Chỉnh được một người bà con xa bảo lãnh đi Denver, Colorado. Cả nhà đến Mỹ ngày 30 tháng Mười Một năm 1979. Ba năm đầu trên xứ người, ông Chỉnh đi học Anh văn ở đại học cộng đồng và học luyện thi để trở lại ngành y, trong khi bà Kim Phượng, vợ ông, đi làm công nhân một hãng sản xuất ribbon cho máy đánh chữ, lương khi đó 2.75 Mỹ kim/giờ.Tháng Tám năm 1981, bà thi đậu vô ngành bưu điện.  Năm 2004, Trung Chỉnh về California mở một phòng mạch tư nhân ở địa chỉ 9411 đại lộ Bolsa, Westminster. Ca sĩ, bác sĩ Trung Chỉnh đã qua đời lúc 9 giờ tối (giờ California) ngày 15 tháng Hai năm 2025 vì bệnh ung thư vòm họng. Ông thọ 82 tuổi.

Xem thêm:   Ngu trung?

Giờ sau khi trải qua một đời chìm nổi trong chiến tranh, trong tù cải tạo, trên đường vượt biên, vượt biển, y sĩ đại úy TQLC Huỳnh Văn Chỉnh, ca sĩ Trung Chỉnh đã vĩnh biệt chúng ta về cõi vĩnh hằng. Mong ông yên nghỉ!

ĐXT