Máy bay hạ cánh ở Phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 11h đêm. Cái nóng của miền nhiệt đới làm tôi sốc nhiệt, khi rời đi lúc âm độ C, trời đổ tuyết, lúc xuống máy bay Sài Gòn về đêm vào khoảng 32 độ, không khí đặc quánh ở phòng chờ nhập cảnh, đêm khuya dòng người vẫn xếp hàng tấp nập trong dịp nghỉ lễ chuẩn bị đón năm mới.

Trời đêm dịu nhẹ, tôi chao mình ra ngoài khung cửa ngắm Sài Gòn hoa lệ. Hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo, ai đó đã nói với tôi như vậy. Tiếng còi xe, tiếng rao của những người bán hàng rong, tiếng cười nói của dòng người tấp nập trên đường phố, không khí sôi động của Việt Nam mà khi ở Hòa Lan tôi đã từng nhớ.

Thời gian ở Hòa Lan hàng ngày chỉ nghe tiếng gió chạy trên cỏ, tiếng gù gù của lũ chim trên cành, không gian trong ngần, gần như không một tiếng động, tôi đã thèm không khí náo nhiệt này, nhưng ở Sài Gòn vài hôm là tôi ngộp thở, hai hôm sau tôi lên Đà Lạt cùng các anh chị tạp chí Quán Văn, sau đó tham dự hội thảo quốc tế về Hoàng hậu Nam Phương, vị hoàng hậu cuối cùng của nước Việt do Engaging with VietNam và Trường Đại học Đà Lạt phối hợp tổ chức. Engaging with VietNam do GS.TS Phan Lê Hà ở Pháp sáng lập vào năm 2009 cùng PGS.TS Liam C. Hội thảo về Hoàng hậu Nam Phương lần này còn có tham luận của TS.Vĩnh Đào (Paris-Sorbonne University, Pháp). Cùng tìm hiểu và khám phá những nơi lưu dấu gia đình Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại: Cung Nam Phương, Dinh Bảo Đại, Khách sạn Dalat Palace, Nhà thờ Con Gà, trường Couvent des Oiseaux, Dòng Đức Bà Lâm Viên …

Và đặc biệt hơn trong chương trình hội thảo có một đêm nghệ thuật thực cảnh tái hiện lịch sử hình thành và phát triển của Đà Lạt, cùng mối tình của Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Tôi bất ngờ khi địa điểm biểu diễn là  Biệt điện của bà Trần Lệ Xuân người đàn bà đã đi vào lịch sử Việt Nam thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa, nơi này đã trở thành địa điểm tổ chức Madam show và là nơi lưu giữ những kiệt tác Mộc Bản Triều Nguyễn.

Ban Mai và vợ thi sĩ Nguyễn Đức Sơn   

Giống như Hội An có chương trình “Ký ức Hội An”, với sự đầu tư nghệ thuật hoành tráng. Thực cảnh “Những đường chim bay” của Đà Lạt cũng lay động trái tim tôi, ngồi ngoài trời với những luồng gió lạnh, tôi chìm vào không gian bảng lảng với mối tình bi tráng của chàng K’Lang và nàng H’Biang, truyền thuyết của tên gọi núi Langbiang,  không thể rời mắt với không gian huyền ảo, những cái đèn hột vịt của người bán hàng rong trong đêm của chợ Âm Phủ đầu thế kỷ 20, nghe tiếng chuông leng keng đạp xe của ông già bảnh tỏn mặc bộ âu phục màu trắng đội mũ phớt, với hàm râu cong vút đi bán đậu phộng rang nóng trong một thùng thiếc phía sau xe, hay mối tình lãng mạn của cặp ca sĩ Lê Uyên Phương làm nên những bản tình ca bất hủ. Và trên hết là mối tình của Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Đêm buốt lạnh, với gió thổi từng cơn, khán giả choàng khăn ngồi chật kín, tất cả như chìm đắm qua giọng kể trầm ấm đầy cảm xúc của Trác Thúy Miêu, một MC tài hoa và thông minh.

Xem thêm:   Lục phủ ngũ tạng

Đêm khuya, tôi nán lại trong đêm đi lang thang trong biệt điện bà Trần Lệ Xuân, không gian liêu trai với hàng hiên đầy những chùm hoa dây rơi, biệt điện gồm 3 tòa biệt thự Lam Ngọc, Bạch Ngọc, Hồng Ngọc, im lìm cô đơn dưới bóng đèn vàng, công trình này từng được mệnh danh là “Biệt điện đệ nhất trời Nam” với hàng chục vệ binh canh gác và túc trực liên tục, không ai có thể tự tiện đến gần khu vực này. Các thông tin và hoạt động ở khu biệt điện này đến nay vẫn còn là một ẩn số. Tôi dừng lại thật lâu tại bức bình phong bằng gỗ đen khắc bằng chữ Hán như một chiếu dụ trải dài một bên đại sảnh và cây cột cờ bằng gỗ cao vút khắc hai hàng chữ Hán, như ngọn bút dựng thẳng trên trời cao. Nghĩ đến sự sụp đổ của nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa cách đây hơn nửa  thế kỷ mà cảm thán đến sự hưng phế của các triều đại, hết lớp này đến lớp khác như sóng triều xô.

Tôi mê Đà Lạt, đã đến Đà Lạt nhiều lần nhưng lần nào cũng cho tôi cảm giác khó tả, mỗi lần là mỗi khám phá. Có lẽ ngay từ nhỏ bài hát “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm đã thấm đẫm tâm hồn tôi với những ca từ đồi thông, sương mù, thác Cam Ly, hồ Than Thở, màu tím hoàng hôn mà thế hệ tôi hầu như ai cũng thuộc.

“Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ.

Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ”

Biệt điện bà Trần Lệ Xuân

Cái buốt lạnh về đêm của Đà Lạt tôi đã trải, nhưng màu tím hoàng hôn, đây là lần đầu tiên tôi chiêm ngưỡng, đứng trên quán café ngắm chiều tà rót mật, rồi ráng chiều tím thẫm ánh dưới làn nước Hồ Xuân Hương huyền ảo đẹp đến mê hồn. Với tôi, đến Đà Lạt là phải vào rừng thông, ngồi im nghe tiếng gió reo, cảm cái lạnh cái sương mù dày đặc bao quanh. Giờ đây Đà Lạt không còn như xưa, rừng thông đã mất, đồi thông cũng mất, tất cả đã bị đô thị hóa, tìm lại Đà Lạt mộng mơ, tìm lại Đà Lạt sương mù có lẽ trên từng trang giấy, trong những cuốn tiểu thuyết ngày xưa như “Vòng tay học trò” của Nguyễn Thị Hoàng, hay những ca từ trong bài hát “Ai lên xứ hoa Đào”, “Thành phố sương mù”, “Chuyện tình đồi thông”, hoặc trong những bức ảnh đen trắng Đà Lạt hơn 50 năm trước của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nguyễn Bá Mậu.

Người ta, đã không hiểu rằng, rừng thông, sương mù là điều làm nên sự khác biệt của Đà Lạt với các thành phố khác, mất rừng thông, mất sương mù thì không còn Đà Lạt nữa.

Xem thêm:   Còn ai viết những lá thư tay?

Thế nhưng, thật may mắn còn một Đà Lạt khác ở Đại Lào  trên đồi thông Phương Bối, nơi yên nghỉ của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn. Người mà tôi đã từng viết bài “Lão quái dị trên đồi Phương Bối”.

Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi

Cuối chiều tà chỉ gặp cỏ hoang sơ 

Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi 

Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô 

Chân rục rã tôi đi luồn ra núi 

Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô.

Phần mộ thi sĩ Nguyễn Đức Sơn

Một mình đi luồn vô luồn ra trong núi chơi

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn được người đời phong hiệu là 3 kỳ nhân trong làng văn nghệ miền Nam trước năm 1975 cùng với Bùi Giáng và Phạm Công Thiện. Cuộc đời của ông dị thường giống như những nhân vật quái dị trong kiếm hiệp Kim Dung. Họ quái dị không phải chỉ ở ngoại hình, động tác mà chủ yếu là ở cách sống và hành xử không giống ai, đi ngược lại lẽ thường của cuộc sống.

Nếu như trong Tiếu ngạo giang hồ nhân vật Tiêu tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh, thân là chưởng môn phái Hành Sơn, nhưng luôn xuất hiện với bộ dạng một người ăn mày gầy gò đau khổ, chơi một cây dao cầm cũ kỹ và miệng luôn hát bài Tiêu Tương Dạ Vũ, ông được xưng tụng là “cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm âm” (Trong đàn giấu kiếm, kiếm phát tiếng đàn), võ công lợi hại nơi chốn giang hồ. Nói như nhà văn Vũ Đức Sao Biển “Con người quái dị ấy thoạt ẩn thoạt hiện, mang phong cách của một đạo gia Lão Trang, ung dung tiêu sái giữa cuộc đời. Duy có tiếng đàn và điệu ca Tiêu Tương Dạ Vũ của tiên sinh luôn luôn trĩu nặng nỗi u buồn, chưa thoát khỏi vòng hệ luỵ của cuộc sống, như dòng nước có đi mà không bao giờ có lại. Mạc Đại là hình ảnh tiêu biểu của một thứ trích tiên bị đoạ”. (*)

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn cũng quái dị như vậy, cuộc đời ông nhiều người đã viết, nhưng có một người đàn bà lặng lẽ bên ông ít ai nhắc đến là vợ ông, một cô gái lai Pháp cháu của sư trụ trì chùa Tây Tạng, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nàng đẹp như Tây, nên bạn bè thường gọi là Phượng lai. Lần này đến thăm Phương Bối, thăm mộ nhà thơ cùng các anh chị trong đoàn Quán Văn, tôi có duyên gặp chị. Người thiếu phụ gầy gò hằn sâu sự vất vả vẫn giữ được cốt cách, trong dáng đi, ánh nhìn, sự hiền hậu nhu mì. Chị kể sau năm 1975,  ông Sơn mất việc không đi dạy tiếng Anh và không được sáng tác nữa nên một thời gian sau, ông quyết định dẫn gia đình về Đại Lào, đến Phương Bối Am sinh sống, lúc đó Phương Bối rất điêu tàn, ngôi nhà gỗ của thiền sư Thích Nhất Hạnh bị phá sập chỉ còn cái hồ nước xây bằng đá, thời gian đầu cả nhà chui vào cái hồ nước đó ngủ vì sợ thú dữ, sau này mới che chòi ở tạm. Phương Bối là cơ ngơi của thiền sư Thích Nhất Hạnh lập ra từ năm 1957 và có vài năm tu ở đây. Thiền sư đã mong muốn lập Phương Bối Am làm nơi tu hành thực tập lấy tên là Làng Hồng như Làng Mai ở Pháp, nhưng vì thời cuộc nên không thể thực hiện. Sau này, thiền sư Thích Nhất Hạnh giao đồi Phương Bối cho thi sĩ Nguyễn Đức Sơn. Chính nhà thơ đã một mình trồng 25 hecta rừng thông với hàng ngàn cây trong mấy chục năm trời, đổ bao nhiêu là máu và nước mắt, gần nửa thế kỷ trôi qua, đồi thông Phương Bối cao lớn xanh tốt như ta thấy ngày nay.

Xem thêm:   Sắc màu bluebonnet

Thời ấy, sống trên dãy núi Đại Lào hẳn nhiên mưu sinh bằng nghề làm nương rẫy. Vợ ông phải đi làm nhân công đào mương, đào hồ ở Đại Lộc, khổ cực trăm bề. Thời gian sau không chịu nổi chị nghỉ. Hãy tưởng tượng một người đàn ông ốm yếu với chiếc xe đạp cọc cạch, hàng ngày thồ đống củi gần 10 cây số đến chợ làng bán để nuôi đàn con nheo nhóc 9 đứa và một người vợ ốm yếu thì cuộc sống của ông cùng quẫn và nhếch nhác đến mức nào. Nhiều người lên án ông đã để con mình thất học. Theo tôi, có lẽ vì một lý do chẳng đặng đừng, nhưng cái thế bắt buộc phải vậy. Từ đó, gia đình ông ăn chay trường, con ông hầu như đều tu tại gia, trong các am thất trên núi, giai đoạn đói khát một người con trai ông hái trúng nấm độc ăn và chết, gây cho ông một cú sốc.

Vợ chồng thi sĩ Nguyễn Đức Sơn

Dân trong vùng Đại Lào đồn thổi ông là người quái dị, ham đọc sách nhưng lại đối xử hà khắc, gia trưởng với vợ con, đêm về nghe tiếng ông hò hét vang xa khắp rừng thông.

Và Phượng, người đàn bà đẹp một thời, nay tiều tụy xanh xao vẫn một lòng lặng lẽ bên ông như một cái bóng, chấp nhận cùng ông đi suốt cuộc đời cơ cực.

một ngày đau khổ chín trong tôi

tôi đến bên cây lẳng lặng ngồi

cây thả trái sầu trên nước lắng

mặt hồ tan vỡ ánh sao trôi


thôi nhé ngàn năm em
đi qua

hồn tôi cô tịch bóng trăng tà

trời sinh ra để chiều hôm đó

tôi thấy mây rừng bay rất xa

Tôi Thấy Mây Rừng

Bây giờ ông đã nằm xuống trên đồi Phương Bối, một mình một cõi ta bà,  Phượng lai vẫn ngày ngày chăm sóc, người đàn bà mang hai dòng máu suốt đời chung thủy, mặc cho bao biến động thời cuộc. Cái tình của chị là nét đẹp của một người đàn bà có phẩm hạnh cao quý, mà ngày nay có lẽ không còn nhiều.

Nếu các bạn có việc đi Đại Lào, Bảo Lộc hãy dừng chân đến đồi thông Phương Bối đắm mình trong tiếng chim hót, xuyên qua bóng mát rừng thông, thả lỏng tâm hồn sẽ thấy mình hòa quyện cùng thiên nhiên, cảm giác an lành như được tắm mát trong hương thơm suối nguồn. Và tôi may mắn đã có những giờ phút ấy.

BM

(*) Vũ Đức Sao Biển. Kim Dung giữa đời tôi