Nhớ lại những năm đầu của thập niên 80, khi vẫn còn là đứa trẻ 2-3 tuổi, tôi đã hiểu rằng có một người cha câm điếc sẽ khổ sở tủi nhục tới nhường nào. Vì vậy, từ nhỏ tôi đã ghét ông.
Lần nọ, tội gặp một thằng bé bước tới xe của cha tôi mua đậu hũ. Nhưng khi cầm túi đậu hũ rồi nó không trả tiền mà chạy mất. Cha cứ rướn cổ về phía trước muốn gọi nó mà không phát ra được tiếng nào. Tôi đau lòng nhìn cảnh tượng ấy, tôi không ghét thằng nhỏ, chỉ hận vì cha tôi là một người câm điếc.
Lúc chửi không lại tụi con nít trong xóm, tôi lại chạy về nhà, đứng trước mặt cha – vẽ lên đất một vòng tròn rồi nhổ một bãi nước bọt vào trong đó. Mặc dù không hiểu rõ hành động này có nghĩa gì, nhưng khi những đứa trẻ khác chửi tôi chúng vẫn thường làm thế. Tôi cho rằng đây là cách độc ác nhất để mắng một người câm. Lần đầu tiên tôi dùng cách này để mắng cha, ông đang làm việc bèn ngưng tay, đứng lặng nhìn tôi rất lâu và nước mắt cứ thế tuôn rơi. Từ sau lần đó, mỗi khi bị ức hiếp tôi lại chạy tới trước mặt ông và mắng ông thậm tệ, sau đó tôi mặc kệ ông đứng đó và bỏ đi. Nhưng sau lần ấy, tôi không thấy ông khóc nữa.
Vì ghét cha, tôi nỗ lực chăm chỉ học hành. Vì ghét cha, tôi cố hết sức ôn thi vào đại học để rời khỏi cái làng nơi mà ai ai cũng biết cha tôi là một người câm. Đây là nguyện vọng lớn nhất của tôi khi ấy. Tôi đã bắt bản thân mình lao vào học điên cuồng như thù như hận.
Cuối cùng tôi đã thi đậu đại học, có cơ hội thoát khỏi người cha câm điếc ấy. Tôi sung sướng trong lòng, đếm từng ngày từng giờ để lên đường đi thành phố. Hôm đó, cha mặc cái áo “vía” nhất trong tủ mà bình thường ông không dám mặc. Ông ngồi dưới ánh đèn bày tỏ niềm vui sướng và lấy một đống bạc giấy còn vương mùi đậu hũ nhét vào tay tôi, miệng ê a ê a “nói” không ngừng. Sau đó, cha cùng hai người chú và anh trai tôi lôi con heo béo tốt mà cha đã nuôi suốt 2 năm ra giết thịt, đãi bà con thân thuộc ăn mừng tôi thi đậu đại học, không biết điều gì đã làm tan vỡ trái tim sắt đá của tôi khi ấy. Tôi chợt đứng ngây người …
…Và tôi oà khóc! Tôi òa khóc như một đứa trẻ vì thương cha. Trong bữa cơm, tôi gắp cho cha mấy miếng thịt heo, lắp bắp: “Cha, cha ơi, cha ăn đi”.
Cha không nghe thấy nhưng ông hiểu được ý của tôi, ánh mắt ông lóe lên tia sáng chưa từng có. Ông đã uống đến say vì vui mừng, khuôn mặt đỏ bừng, ông nói bằng thứ ngôn ngữ khua chân múa tay!
Tôi thường nghĩ cuộc sống giống như một bản giao hưởng tràn ngập tình yêu. Nếu chúng ta chú ý lắng nghe, cảm thụ sẽ lay động tới tận tâm can. Tuy nhiên người cha câm điếc đã giúp tôi hiểu được rằng thứ âm nhạc đích thực vĩ đại nhất là thứ âm thanh không lời, mang tình yêu vô bờ bến của cha dành cho tôi, giúp cho tôi bay vút lên tận trời xanh… Cha ơi, con xin lỗi, con biết cha không nghe được nhưng con vẫn sẽ nói mỗi ngày.