Tháng Giêng, trong cái lạnh cắt da cắt thịt của miền Trung, dường như miền Trung năm nào cũng lạnh vào tháng Giêng, có năm lạnh sang tận giữa tháng Hai, giữa những lúc giáp hạt, lạnh lùng như vậy, còn một chút thức quà Tết mà mang ra thưởng thức thì thực lòng mà nói, ngon đến ‘đứt ruột” (cách nói của người Trung). Những ngày lạnh, còn một ổ bánh tổ, mang ra cắt, phải nói là chặt thành từng lát mới đúng, bởi lúc này bánh cứng như đất sét khô vậy, bắc chút dầu hay mỡ, phi chút lá hành mà chiên thì ngon hết biết.

Món bánh tổ chiên sau Tết, ai đã từng ăn một lần, nhất là ăn trong hoàn cảnh tuổi thơ thiếu thốn, đói kém thì sẽ thấu được cái vị ngon khiến nhớ đến từng li từng tí của nó.

Bánh tổ và bánh tét- photo uyển ca    

Nhưng cũng xin giới thiệu qua về bánh tổ, đây là món bánh đặc biệt – bánh tâm linh, một món bánh độc đáo của người Việt Đàng Trong. Có lẽ không cần nói cũng thấu, ông bà, tổ tiên của người miền Trung, từ Nam sông Gianh vào đến Cà Mau vốn có gốc gác từ miền Bắc. Khi người Việt chính thức sống trên mảnh đất bản quán của người Chăm Pa, người Việt luôn biết ơn và trong các lễ cúng của mình, người Việt muốn làm một thứ gì đó mang dấu ấn của người Chăm, trong các văn tế cúng kính, dường như các “hồn ma Chăm” được khấn vái, cầu nguyện và tạ ơn trước, sau đó mới đến các hồn ma tổ tiên Việt (bây giờ cũng vậy). Món bánh tổ, miền Bắc không có, nhưng miền Trung có, vì món bánh này là biến thể của Yoni, người Chăm tạc Yoni bằng đá, nặn bằng đất nung, người Việt biến nó thành món bánh để cúng kính – bánh tổ như một gạch nối tâm linh, giao hòa Chăm – Việt.

Đổ bánh tổ – photo Mai Thùy

Và nếu bánh tổ là Yoni thì bánh tét lại là Linga, nó được cách điệu, biến thể từ chiếc bánh chưng bằng nếp hình vuông với triết lý trời tròn đất vuông theo truyền thuyết bánh chưng bánh giầy trở thành chiếc bánh tròn, hình trụ giống Linga trên bệ thờ của người Chăm, bánh tét cũng là gạch nối tâm linh Chăm – Việt, chỉ có từ miền Trung trở vào.

Xem thêm:   Vĩnh biệt Mai Ninh...

Người miền Trung, dù nghèo giàu như thế nào chăng nữa thì ba ngày Tết phải có chiếc bánh tổ và chiếc bánh tét trên bàn thờ. Bánh tét được tét ra cúng và ăn ba ngày Tết, nếu ăn không hết thì cũng kéo dài đến mồng Mười tháng Giêng thì mang ra chiên. Nhưng bánh tổ thì có thể để sang tháng Hai âm lịch, để khi mốc nổi lên khắp mặt bánh, mang ra thổi phù phù, lấy khăn lau, gọt bỏ một lớp mỏng trên mặt bánh và cắt bánh ra chiên.

Bánh tổ chiên – photo uyển ca

Mà nói tới bánh tổ, có vẻ như bánh tổ làm thủ công ngon hơn, tức bánh được quết nhuyễn bằng cối đá, nguyên liệu là đường thắng có gừng, bột nếp, bỏ vào cối, trộn đều rồi dùng chày quết nhuyễn, sau đó cho vào rọ đã lót lá chuối, bánh được đổ thành từng rọ, cho vào lò hấp trong vòng 3 tuần hương, tức thắp liên tục 3  cây hương nối đuôi nhau, cây thứ nhất cháy xong đến cây thứ hai, rồi cây thứ ba. Nắp nồi hấp làm bằng vải thấm nước nhằm giữ nhiệt nhưng không đọng hơi nước rỏ xuống làm hư mặt bánh. Chiếc bánh tổ thành phẩm càng rỗ mặt càng cho thấy điềm lành, năm mới tốt đẹp (mô phỏng sự nhấp nhô, gồ ghề của mặt linga chăng?!).

Gói bánh tét – photo Mai Thùy

Bánh được bán ngoài chợ hoặc tự làm để chưng, thờ ba ngày Tết. Thường thì ba ngày Tết ít ai ăn bánh tổ bởi có quá nhiều món, món bánh tổ hơi ngọt quá đà, ít ai dùng. Nó gần như bị lãng quên cho đến tháng Giêng, tháng Hai, lúc này, thấy tiếc nhớ bâng quơ không khí Tết, người ta lại mang ra chiên.

Xem thêm:   Sài Gòn yêu em vì đó là em

Lát bánh tổ chiên mềm, dẻo, thơm, ngọt và béo, làm ấm cả vòm miệng… cảm giác này chỉ có khi ăn bánh tổ chiên vào những ngày lạnh giá Giêng Hai. Và những ai từng ăn món này, chắc có lẽ khó quên. Nhất là từng thưởng thức nó trong những ngày đói kém thuở ấu thơ!

Nếu bánh tổ là Yoni thì bánh tét lại là Linga?- nguồn redsvn.net

UC