Đức Bà hồi sinh

Không ở nơi giáo đường

Không quỳ bên giường ngủ

Em mắt lưng tròng

Nắm chặt tay người lạ mặt

Cùng cất giọng đọc vang

Lời Kính Mừng Mẹ

Giữa phố Paris.

 

Trước mặt em là lửa

Trước mặt tôi là lửa

Em khóc – ruột tôi quặn

Em khóc – ngực tôi đau

Lửa rực màu hung hãn

Nuốt trộng gỗ rừng sồi khô nỏ trăm năm

Lửa lăm le nung chảy

Triệu nốt nhạc bao lớp người đã theo

đại phong cầm hợp xướng

Hôm qua.

 

Hỏa hoạn

Ngốn tiêu, thiêu rụi

Tranh, tượng, kính màu, thơ, truyện,

Chỗ ngồi,

Cả từng kỷ niệm

Của mỗi người,

Của chúng mình,

Của ai đó,

Của tôi.

 

Lửa sục sôi

Quét sâu tận cùng từng ngóc ngách

Tám thế kỷ nhân gian,

Lửa cuộn khói

Tràn qua buồng phổi ngộp

Đốt đỏ tim.

 

Cánh chim cháy sém

Mắt bồ câu hãi hùng

Tròn mở suốt đêm.

 

Nhưng em ơi,

Lửa không ngăn được giòng Seine dào dạt nước,

Không chặn được lòng người,

Không hủy được niềm tin,

Từ nghi ngút tro than, từ mão gai nhỏ máu,

Màu nhiệm Phục Sinh

Sáng nay thanh thản cất lời

Mời gọi đất

Trổ hoa.

 

CN – Paris 16.04.2019

Giữa mùa Phục Sinh 2019, nhiều triệu người ở Pháp và trên thế giới, qua phần phóng sự trực tiếp truyền hình, đã chứng kiến cảnh ngọn lửa tàn bạo thiêu hủy một phần không nhỏ nhà thờ Đức Bà Paris, một di sản văn hóa chung của nhân loại.

Hơn 600 nhân viên cứu hỏa đã tận lực làm việc suốt từ chiều tối ngày 15.04 đến sáng 16.04 (*). Sau 15 giờ hoành hành, ngọn lửa bị dập tắt, nhưng đã kịp thiêu hủy hoàn toàn phần mái, khung (gồm 1300 thân gỗ sồi thời Trung Cổ), vòm và ngọn tháp nhọn cao 93m. Giữa cảnh hoang tàn, như một phép lạ, bức tượng “La Pietà / Đức Mẹ sầu bi” đặt giữa Cung Thánh, chiếc đàn đại phong cầm (gần 300 tuổi, lớn nhất nước Pháp, với dàn ống 8000 chiếc) chỉ bị hư hại nhẹ. Hai tháp chuông vuông và bộ khung kính màu nhiều trăm năm ít bị ảnh hưởng. Mão gai, các thánh tích cùng những báu vật khác cũng đã được chuyển đến nơi an toàn ngay trong khi trận hỏa hoạn đang diễn ra.

Nóc và tháp nhọn Nhà thờ Đức Bà Paris bị thiêu hủy trong trận hỏa hoạn ngày 15.04.2019 (nguồn internet)

Trong lịch sử hơn 850 năm của nhà thờ Đức Bà Paris, đây được xem là trận hỏa hoạn lớn nhất. Nhưng trước đó, ngôi giáo đường này cũng đã nhiều lần bị phá hoại. Thời Cách mạng Pháp, do lầm tưởng, dàn tượng các vị vua Do Thái đặt ở mặt tiền giáo đường đã bị chặt đầu. Nhiều tượng thánh cũng bị đập vụn. Vào tháng 11.1793, nhà thờ Đức Bà biến thành đền của Lẽ Phải (Temple de la Raison) và sau đó, trở thành kho chứa rượu. Gần 2 năm sau, tháng 08.1795, trong đống đổ nát, các thánh lễ mới dần dần được tổ chức trở lại. Thời Công xã Paris (1870-1871), có vài vụ đốt phá nhỏ nhưng bị dập tắt ngay và suốt hai cuộc Thế chiến, nhà thờ Đức Bà chỉ bị ảnh hưởng nhẹ trong một trận oanh tạc của phi cơ Đức vào năm 1914.

Sau trận hỏa hoạn

Nằm trên đảo Cité, thuộc quận Tư của Paris, nhà thờ Đức Bà chiếm một vị trí quan trọng so với hàng trăm ngôi giáo đường lớn nhỏ khác của thủ đô nước Pháp. Ngay tại quảng trường trước Notre Dame de Paris, từ năm 1924, có “điểm zéro”, là cột mốc tính khoảng cách từ Paris đến các thành phố khác trên toàn nước Pháp. Ở một nơi đắc địa như thế, với một bề dày lịch sử quan trọng như thế, nhưng có lúc, nhà chức trách Paris đã nghĩ đến việc phá bỏ hoàn toàn ngôi giáo đường này, vì công trình kiến trúc lâu ngày không được tu bổ, bị hư hỏng nghiêm trọng theo thời gian với sự tàn phá của thiên nhiên và con người, trở nên đổ nát sau thời kỳ Napoléon gây chiến tranh khắp châu Âu. Có thể nói, nhà văn Victor Hugo, với trường thiên tiểu thuyết lịch sử “Nhà thờ Đức Bà Paris” (**), chính là người ra tay giúp ngôi giáo đường thoát khỏi viễn cảnh đen tối. Vốn yêu quý công trình kiến trúc này, trong một lần viếng thăm, nơi góc khuất cầu thang dẫn lên tháp chuông, ông đọc được nét khắc trên đá chữ “định mệnh” bằng tiếng Hy Lạp. Chi tiết này được xem là khởi nguồn cho sự ra đời của bộ tiểu thuyết hơn ngàn trang sách. Các nhân vật “anh gù Quasimodo”, “cô gái du mục Esmeralda”…, và chính Notre Dame de Paris, trong gần hai thế kỷ nay, từ truyện bước lên sân khấu, bước vào phim ảnh, nhạc kịch, vũ kịch, phim hoạt họa, tranh, tượng … trở nên quen thuộc với mọi người. Bản thân tác phẩm, sau khi ra đời, tạo được tiếng vang lớn, nhất là gây được sự chú ý của dư luận về số phận của ngôi giáo đường. Nhà thờ Đức Bà, sau đó, được khởi công trùng tu khi Quốc hội Pháp đồng thuận với ngân sách gần 3 triệu quan.

Tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris, Ảnh chụp từ du thuyền trên sông Seine,

Gần 200 năm sau đợt tu bổ quan trọng này, với trận hỏa hoạn tháng 04.2019, lại một lần nữa, nhà thờ Đức Bà thay đổi diện mạo. Sau lời kêu gọi của chính phủ và hàng giáo phẩm Pháp, các tổ chức, hiệp hội, rất nhiều mạnh thường quân, từ nhà tài phiệt đến em thiếu nhi trên khắp thế giới đã quyên góp được hơn 836 triệu euros, dùng cho việc tái thiết ngôi giáo đường. Ròng rã suốt 5 năm, 2000 người góp công hồi sinh Notre Dame de Paris. 1200 người trong số họ đã cùng vợ chồng Tổng thống Macron có mặt tại hiện trường ngày 29.11.2024. Trong bài phát biểu ngày hôm đó, Tổng thống Macron không tiếc lời cảm ơn và ca ngợi các nghệ nhân lão luyện, các tay thợ lành nghề đã “chuyển hóa than thành nghệ thuật”, “tham gia công trường của thế kỷ”, “dựng nên giàn giáo lớn nhất châu Âu, với tổ kén lơ lửng giữa trời Paris mà ngọn tháp nhọn sẽ từ đó thoát ra”, đã “giữ đúng lời hứa sẽ phục hồi lại nhà thờ Đức Bà trong vòng 5 năm, là niềm tự hào to tát cho cả dân tộc”, và việc giáo đường hoạt động trở lại sẽ tạo nên một “sự xúc động mãnh liệt cho niềm hy vọng”. Tuần lễ sau đó, ngày 07 và 08.12, nhà thờ Đức Bà Paris chính thức mở cửa đón tiếp giáo dân và mọi giới đến viếng thăm.

Xem thêm:   Swinging trò chơi thác loạn

Người Pháp thường nhắc đến câu châm ngôn “Phượng hoàng tái sinh từ tro than của chính mình”. Hình ảnh rực rỡ và đầy ý nghĩa đó, thật không gì thích hợp hơn khi được dùng để nhắc đến sự kiện trọng đại diễn ra ngay tại trung tâm Paris vào đầu tháng 12 này: bộ chuông 11 chiếc (***) sẽ gióng vang tiếng đồng sau 5 năm chờ đợi.

Nhà thờ Đức Bà được hoàn toàn khôi phục sau 5 năm tu sửa (nguồn internet).

CN – Thiais 12.2024

Chú thích :

(*) Thật may mắn, ý tưởng nhất thời dùng phi cơ dội “bom nước” (như vẫn thường thấy trong các vụ cháy rừng) để dập tắt hỏa hoạn đã không được thực hiện: nó sẽ phá huỷ hoàn toàn nền móng và các bức tường đá của giáo đường. Hơn nữa, cách thức chữa cháy này sẽ gây hư hại nặng nề cho khu phố cổ mấy trăm năm bao quanh Notre Dame de Paris.

(**) Với tên gọi ban đầu “Nhà thờ Đức Bà Paris, 1482”, Victor Hugo đã phục dựng lại một Paris đầy sinh khí vào cuối thế kỷ XV của thời Trung Cổ, mà nhân vật trung tâm, không ai khác hơn, chính là ngôi giáo đường.

(***) Trong bộ chuông của nhà thờ Đức Bà Paris, có chuông cả “Emmanuel” hơn 300 tuổi, nặng 13 tấn và chuông ấu “Thế vận hội” chưa đầy tuổi tôi, đã được dùng để các tuyển thủ gióng lên mừng chiến thắng ở Stade de France trong kỳ tranh giải Olympic mùa hè vừa qua.