Nhạc sĩ Anh Thy tên thật là Phạm Văn Khổn (1943-1973), quê quán ở Thái-Bình và theo làn sóng người miền Bắc di cư vào Nam sau hiệp định Genève năm 1954. Được thọ giáo với nhạc sĩ Y Vân từ nốt nhạc đầu tiên và tại lớp học nhạc “gia đình” này, ông quen biết với các nhạc sĩ khác như Y Vũ, Nhật Ngân và Trần Thiện Thanh. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh thương mến người “em nuôi” hiền lành và đặt cho bút danh Anh Thy, đọc lái từ chữ “Y Thanh” (‘Y’ trong Y Vân và ‘Thanh’ trong Trần Thiện Thanh).

Nhạc sĩ Anh Thy
Nhạc sĩ Anh Thy gia nhập QLVNCH (Quân lực Việt Nam Cộng Hòa), ngành hải quân và được điều về hải đoàn Xung Phong 32 rồi văn phòng tâm lý chiến hải quân VNCH. Bên cạnh những sáng tác về hải quân như Biển tuyết, Hải đăng, Hải quân Việt-Nam, Hoa biển, Mắt buồn hải đảo, Một đêm hải hành, Tâm tình người lính thủy, Trùng dương vương mắt em v.v. Anh Thy cũng được nhắc nhở qua nhiều nhạc phẩm như Cô bạn học, Đừng gọi anh bằng chú, Lời nguyện cầu nửa đêm, Đám cưới nghèo, Anh về một chiều mưa v.v.
“Hoa biển” là nhạc phẩm nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Anh Thy, tên bài hát được mượn từ tựa của một bài thơ cùng tên trong tập thơ “Lướt sóng” của thi sĩ Vũ Thất. Do số lượng lớn khán thính giả gửi thư yêu cầu và được phát đi, phát lại nhiều lần trên làn sóng điện với tiếng hát Nhật Trường trước ngày miền Nam thất thủ nên gây ra sự ngộ nhận bài hát này là của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Nhạc sĩ Anh Thy là nạn nhân duy nhất qua đời trên chuyến xe bị lật trên đường đi công tác từ Cam-Ranh ra Quy-Nhơn ngày 21 tháng 4 năm 1973.
Giống như bao trai tráng lớn lên giữa hoàn cảnh chiến tranh, nhạc sĩ Anh Thy gia nhập hải quân và làm bạn với biển trời xa xôi, bao la sóng nước. Con tàu tách bến, phố thị xa dần, ngọn đèn đêm cũng bùi ngùi đưa tiễn. Trùng dương bát ngát, trời nước một màu xanh thắm và những bọt sóng trắng xóa, nhấp nhô được ví von như những cánh hoa biển lung linh, ngây ngất ..
Trùng khơi nổi gió lênh đênh triền sóng thấy lung linh rừng hoa
Màu hoa thật trắng, ôi hoa nở thắm ngất ngây lòng thêm
Vượt bao hải lý chưa nghe vừa ý lắc lư con tàu đi
Chỉ thấy bọt nước tan theo ngọn sóng dáng hoa kia mịt mùng

hình bìa tờ nhạc “Hoa biển”
Ngày nắng, đêm mưa hay những khi đất trời thịnh nộ, nổi cơn giông bão khiến cho người lính trẻ xa nhà chợt thấy lòng mình chơi vơi và nhớ nhung người nơi hậu tuyến. Chiến cuộc còn đăng đẳng nên ngày tương phùng còn diệu vợi, xa xôi. Gửi về người thương một chút ân cần và mong cho tình mình mãi trắng trong như màu hoa biển ..
Tại em khi xưa yêu màu trắng
Tại em suy tư bên bờ vắng
Nên đêm vượt trùng anh mong tìm gặp hoa trắng về tặng em
Cho anh thì thầm
Em ơi tình mình trắng như hoa đại dương
Chấp nhận làm người lính biển là chấp nhận cuộc đời hải hồ, lênh đênh theo muôn trùng sóng nước. Người thương dù có giận, có buồn nhưng xin hãy cảm thông cho nhiệm vụ người trai thời đất nước còn tao loạn. Dù xa nhau nhưng vẫn nhớ về nhau và nét buồn vấn vương khóe mắt sẽ tan biến nhanh chóng như bọt sóng, như hoa biển trên mặt đại dương mênh mông, dạt dào …
Biển khơi không mang hoa màu trắng
Tàu anh xa xôi chưa tìm bến
Nên em còn hờn, nên em còn buồn
Sao chưa thấy anh sang
Em ơi giận hờn
Xin như hoa sóng tan trong đại dương
“Hoa biển” với lời ca nhiều cảm xúc chân thành và cũng là cuộc đời lênh đênh của nhạc sĩ Anh Thy, mượn biển trời làm nhà, mượn bọt sóng gom thành những chùm hoa tươi thắm theo từng bước chân người lính thủy trên vạn nẻo đường xa. Cuộc đời ngắn ngủi của nhạc sĩ Anh Thy cũng được xem như là bọt biển mong manh, dễ vỡ và sớm hòa tan vào lòng đại dương thăm thẳm, mịt mùng.

Anh Thy (trái), Mặc Thế Nhân (phải)
TV (21.04.2024)