Có thể nói rằng dốc Phú Cam và nhà thờ Phú Cam – Huế là một góc rất riêng, một góc mang dáng dấp 4 mùa, mang màu sắc 3 miền và mang cả cái hồn Đông Tây Kim Cổ trong đó.

“..Ai đi ngược dốc Phú Cam một mình” 

(…) Chợ chiều bến Ngự chưa tan/ Ai đi ngược dốc Phú Cam một mình”, hồi học cấp ba, tức trung học phổ thông, không hiểu sao tôi lại rất thích cặp lục bát này của nhà thơ Nguyễn Duy, cứ mỗi khi đọc đến, hình như cả một Huế buồn hiện ra trước mắt với gam màu xám trầm, với chút buồn thê thiết, với chút lãng mạn mang vết dấu tổn thương nào đó từ vô thức. Dường như Huế trong tôi chưa bao giờ lành lặn, Huế mang vẻ đẹp của một người đẹp giấu nỗi bi thảm đời mình trong dáng bộ kiêu kỳ và trầm tĩnh… Sau này, tôi mới hiểu rằng Phú Cam đẹp, nó khiến cho Nguyễn Duy bật thành thơ cũng dễ hiểu.

Có thể nói rằng dốc Phú Cam và nhà thờ Phú Cam – Huế là một góc rất riêng, một góc mang dáng dấp 4 mùa, mang màu sắc 3 miền và mang cả cái hồn Đông Tây Kim Cổ trong đó. Nói thì nghe có vẻ hơi ngoa nhưng sự thật là vậy. Nếu người ta chịu để ý, hiếm có nơi nào, con dốc nào lại thân thiện và đẹp như Phú Cam.

Dấu ấn đầu tiên đập vào mắt tôi, đương nhiên là nhà thờ Phú Cam, trong một đêm mùa Đông, chưa đến dịp lễ Giáng Sinh, Huế mưa tầm tã, từ cửa sổ khách sạn đối diện tôi nhìn sang sân giáo đường, một sân nước lênh láng và lạnh, một vài người cầm dù đi dưới đèn vàng, một con đường hun hút sâu về phía sau nhà thờ, một con đường kéo về phía núi, và ngoài kia là tiếng còi tàu, tàu hỏa xuất phát từ ga Huế, ra đến đây chừng gần 1000 mét theo đường chim bay và tốc độ vẫn còn rất thấp, đi dọc theo đường dốc Phú Cam, có những hàng cây, một chút sông An Cựu thoáng qua và một vài quán ăn rặt chất Huế như bánh canh cua, bún bò Huế, cơm hến và vài món có chút lạc điệu ở xứ này nhưng lại mang phong vị Sapa.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (07/03/2025)

Đặc biệt nhất với tôi, có lẽ là một số căn nhà cũ đối diện khách sạn, nó vẫn giữ nguyên nét nghèo cổ xưa, tức nhà lợp ngói bò, lợp tôn và nhỏ, chật, nằm cheo leo bên sườn dốc. Chiều chiều, chủ nhà bắc một cái bàn gỗ ra trước hiên để bán heo quay lá mắc mật, tức món heo quay chỉ có ở Lạng Sơn và một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Từ khách sạn đối diện sân nhà thờ Phú Cam, nhìn sang bên kia đường, dường như có một góc Sapa đang hiện hữu ở đó với một vài người dân tộc thiểu số, nghèo khổ, thích nhâm nhi rượu gạo và đang nhắm đến mấy miếng tai mũi heo quay, những thứ khác người ta dành để bán. Điều đó khiến bạn nhớ tới những người H’Mong trưa nắng chang chang tay ôm chiếc đầu heo quay, tay dắt sợi dây buộc một con heo con đi lang thang dưới nắng và họ hình như cũng chưa biết đi đâu, cứ đi như vậy, có khi về bản, có khi gặp một bạn rượu thì lại cùng sà vào quán, mang chiếc đầu heo quay ra để uống rượu. Một cách sống không quan tâm lắm đến tương lai và cũng không biết sợ tương lai là gì, vừa lì lợm vừa dễ thương, hồn nhiên như đất, như cây trên núi…

Một góc nhà thờ Phú Cam

Cái hay là giữa thành phố, giữa một nơi không hề có người H’Mong nhưng bạn lại gặp một góc hiên mà cái góc hiên đó tự dưng lại cho bạn cảm giác tít tận miền Bắc xa xôi, chỉ chừng đó thôi cũng đủ để bạn ngồi cả ngày ngắm và chiêm nghiệm cái góc phố lạ ấy nếu bạn vẫn còn đang lười biếng đi đâu.

Xem thêm:   Cầu thang thoát hiểm

Ngay trong khuôn viên khách sạn mà tôi quên mất tên, chỉ nhớ rằng khách sạn này nằm đối diện, hơi xéo phía trước nhà thờ Phú Cam và trong sân khách sạn có quán cà phê, nhà hàng, có cả một khu chợ ẩm thực nho nhỏ. Ở đây, bạn có thể gặp đủ sắc màu Huế, vì hầu hết giáo viên và công chức Huế chiều chiều kéo đến đây ăn uống, nhậu nhẹt, nhưng phong cách ăn nhậu của người Huế không ồn ào lắm nên nhìn cũng hay hay.

Đi bộ một đoạn, băng qua đường ray tàu hỏa là gặp cơ man các quán ăn, nói là cơ man vì không khí luôn cho bạn cảm giác quán ăn quá xá là nhiều, kỳ thực chỉ có mấy quán thôi, khách ra vào khá là đông đúc bởi quán bánh canh cua ở đây thuộc dạng ngon có tiếng của thành phố Huế và các quán khác cũng vậy. Hầu như các quán ngon đều đổ về đây. Sau khi bạn ăn uống và cảm thấy yên bụng để đi bộ, bạn lại lội ngược dốc Phú Cam, vào sân nhà thờ ngồi tĩnh lặng. Cái tĩnh lặng ở đây hình như không giống cái tĩnh lặng mà người ta thường định nghĩa. Bởi từ sân nhà thờ dõi ra ngoài, bạn thấy đời sống trôi qua trước mắt với đủ các sắc màu, nhất là các quán cà phê cóc gần sân nhà thờ.

Xem thêm:   Quê nhà một góc nhớ mênh mông!

Và bạn có thể ngắm khu nhà thờ đẹp tráng lệ, lộng lẫy này một chút rồi chiêm nghiệm về chiến tranh, bởi nơi đây vẫn lưu dấu trận Mậu Thân 1968.

Vì năm 1967, nhà thờ Phú Cam xây dựng, đến 1968 thì bị pháo kích, bị đạn phá còn trơ xương bộ khung, cũng từ chính bộ khung này, người ta tiếp tục xây dựng nhà thờ và ngôi giáo đường này đứng sừng sững như một chứng tích thời gian cho đến ngày nay.

Có dịp đến và thể nghiệm nơi đây vài hôm, nếu gặp trời mưa thì càng thú vị, lúc đó, bạn mới thấu được cái lạnh se se rất lạ của xứ Huế về đêm, sương sớm chiều tà. Và không chừng, bạn sẽ thấy yêu Huế hơn, yêu thiên nhiên, yêu cảnh vật và yêu con người hơn cho dù ở nơi nào.

Xin cầu chúc các bạn có một chuyến đi Huế thật vui vẻ, sâu lắng và mãn nguyện!

 Bài và hình HT