Dự phóng khán đài Lễ khai mạc tại quảng trường Concorde – Nguồn internet    

Kể từ khi Pierre de Coubertin (*) phục hồi các cuộc tranh tài thể thao tại Thế vận hội, Paris đã từng vinh dự được đăng cai hai lần: 1900 và 1924. Đúng một trăm năm sau, 2024, Paris sẽ khai mạc Thế vận hội mùa hè/Jeux Olympique (JO) lần thứ 33 vào ngày 26 tháng 07. So với các Thế vận hội mùa hè đã từng được tổ chức trước đây, Thế vận hội Paris 2024 có hai điểm đặc biệt được lưu ý:

– Thay vì diễn ra trong khuôn viên một vận động trường, lần đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội, Lễ khai mạc sẽ được tổ chức dọc theo 6 km của đoạn sông Seine chảy ngang thủ đô nước Pháp, với phần diễu hành của các vận động viên trên 160 tàu và ca-nô lớn nhỏ.

– Có 35 địa điểm trên khắp nước Pháp, từ nội địa ra đến hải ngoại (Marseille, Nice, Bordeaux, Tahiti…), gồm Làng thế vận, Làng truyền thông và các vận động trường, đoạn sông, khoảng biển sẽ dành cho các cuộc thi đấu thể thao từ 26.07.2024 đến 11.08.2024, với 25 địa điểm tập trung tại Paris và vùng phụ cận.

Dù chỉ có 4 (trong tổng số 35) địa điểm được xây mới hoàn toàn, nhưng ước tính có khoảng 6.8 tỉ euro đã, đang và sẽ được dùng vào các khoản chi phí cho việc chuẩn bị JO Paris 2024.

Đuốc thiêng olympique đã được chiếc thuyền buồm Belem chở từ Hy Lạp về Pháp qua ngả Địa Trung Hải và cập bến cảng Marseille ngày 08.05.2024. Từ đó, đuốc Thế vận hội sẽ được 10,000 người chuyền tay nhau để chạy qua 64 vùng-miền cùng hơn 400 thành phố trước khi đến thủ đô đúng vào ngày khai mạc. Cuộc chuyển lửa của đuốc Thế vận hội sẽ được chia làm hai giai đoạn. Từ 08.05 đến 07.06, đuốc băng qua các thành phố phía nam, trung và tây nước Pháp trước khi ra biển. Sau đó, từ 07.06 đến 26.07, đuốc được rước qua các đảo và vùng đất của Pháp ở Trung Mỹ, Nam Mỹ, Đông Nam Phi, Đông Úc trước khi quay về Pháp rồi tiếp tục xuyên qua các thành phố phía đông, trung và bắc, cuối cùng đổ về Paris và các thành phố phụ cận (Île-de-France).

Biểu tượng (logo) – Nguồn internet

Ước tính có 10,500 vận động viên của 206 đội tuyển quốc gia sẽ tham gia thi đấu 32 môn thể thao, với tổng cộng 329 cuộc thi đơn, đôi, đồng đội và đôi nam-nữ. Nước chủ nhà sẽ có một đội ngũ đông đảo gồm hơn 300 vận động viên tham gia thi đấu tất cả các môn thể thao có tên trong danh sách. Hai nước Nga và Bạch Nga (Biélorussie) không được tham dự, nhưng các vận động viên của hai nước này có thể tham gia thi đấu với tính cách cá nhân, không dưới một màu cờ sắc áo nào cả, và phải thêm điều kiện: không được ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đang diễn ra trên đất nước Ukraine. Lần đầu tiên, môn breakdance (tạm dịch: múa nhào lộn đường phố) sẽ được đưa vào chương trình thi đấu. Môn thể thao này, cùng với trượt ván skateboard, bóng rổ 3×3 (3 người mỗi đội) và nhào lộn cùng xe đạp BMX (BMX freetime) sẽ được thi đấu ngoài trời, ngay tại quảng trường Concorde, nơi vua Louis XVI, hoàng hậu Marie Antoinette, nhà bác học Lavoisier, các nhà cách mạng Danton, Robespierre cùng nhiều người khác đã bị đưa lên máy chém thời Cách mạng Pháp. Khán đài được dựng lên khắp nơi, Paris biến thành một đấu trường khổng lồ: tháp Eiffel sẽ chứng kiến các cuộc thi nhu đạo, đấu vật và bóng chuyền trên cát, trục điện Phế Binh/Invalides-cầu Alexandre III-viện bảo tàng Grand Palais với các môn thi bắn cung, điền kinh, 3 môn phối hợp (chạy bộ-bơi lội-xe đạp), đấu kiếm, thái cực đạo. Bên cạnh đó, các sân quần vợt Roland-Garros tiếp tục truyền thống tennis, sân vận động Parc des Princes với môn túc cầu/football… Khu vườn mênh mông của lâu đài Versailles cũng sẽ được trưng dụng cho các cuộc thi cưỡi ngựa và 5 môn phối hợp hiện đại (đấu kiếm – bắn súng – bơi lội – cưỡi ngựa – chạy việt dã), trong khi các vận động trường của Paris và những thành phố lân cận được sử dụng cho các môn thi dưới nước, điền kinh, bóng bầu dục, bóng rổ, bóng chuyền, bóng ném, bóng bàn, cầu lông, cử tạ, thể dục dụng cụ, thể dục nhịp điệu… Đa số vận động trường các thành phố khác của nước Pháp được dùng cho các trận bóng đá. Đặc biệt, bãi biển Tahiti ở Đông Úc châu (cách Paris gần 16 ngàn cây số) sẽ đón tiếp các lực sĩ của môn lướt sóng/surf.

Dự phóng Lễ khai mạc trên sông Seine – Nguồn internet

Từng không được chọn khi muốn đăng cai JO 2012, đến giữa năm 2017, Paris lại được các thành viên của Uỷ ban Thế vận hội Quốc tế (CIO) nhất loạt đồng ý cho tổ chức Thế vận hội mùa hè tại thành phố này. Từ biểu tượng/logo tháp Eiffel cách điệu thành con số 2-4 mang màu sắc của các vòng tròn olympique khi dự thi đăng cai, biểu tượng chính thức của JO Paris 2024 do nhà tạo mẫu Sylvain Boyer thiết kế thuộc dạng «3 trong 1» đã thay thế biểu tượng ban đầu và được trình làng vào tháng 10.2019, gồm huy chương vàng – đuốc thiêng olympique – khuôn mặt nàng Marianne. Ngoài ra, phúc vật/mascotte của JO 2024 mang hình chiếc nón đỏ/bonnet phrygien có lịch sử lâu đời, đã xuất hiện từ thời La Mã cổ đại và trong Cách mạng Pháp 1789, tượng trưng cho sự tự do, cũng đã được một hội đồng thiếu nhi lựa chọn. Đôi song sinh Phryges, một lành lặn và một với chiếc chân giả bằng thép đang xuất hiện khắp nơi trên đất Pháp, ở những địa điểm có hay không tổ chức JO và Thế vận hội cho người khuyết tật.

Phúc vật (mascotte) Phryges – Nguồn internet

Về phần chính phủ, bộ Giáo dục Pháp đã quyết định chi khoảng 16 triệu euros để tặng cho 4 triệu học sinh tiểu học trên toàn quốc một tập sách tóm lược các thông tin về JO cùng một đồng 2€ đặc biệt có hình tháp Eiffel đang tham gia chạy bộ trên đường thi Thế vận hội. Với cộng đồng người Việt sống tại Pháp, tin vui về việc em Anne Trần có mặt trong đội tuyển quốc gia Pháp gồm 5 vận động viên thi đấu môn cầu lông đang lan rộng. Bố mẹ của em là những thành viên tích cực của Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris, từng phụ trách việc thi đấu môn badminton trong khuôn khổ các Đại hội Thể thao Âu châu của người Việt trước đây.

Grand Palais-Paris – Nơi diễn ra các cuộc thi đấu kiếm, thái cực đạo

Bị đình trệ gần 2 năm vì nạn covid-19, các công trường xây dựng, tu bổ trên bề mặt và dưới lòng đất Paris (nối dài đường xe điện ngầm, đặt thêm dây điện, cáp…) đang hối hả hoàn tất cho kịp kỳ hạn, gây nhiều khó khăn, bực mình cho dân bản địa. Đã vậy, các công đoàn còn kêu gọi thành viên của mình liên tục đình công để đòi tiền thưởng vì phải dời các tuần lễ nghỉ hè và làm thêm giờ trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Đời sống xáo trộn, nạn kẹt xe trở nên trầm trọng, nhiều chuyến xe lửa ra ngoại ô bị huỷ bỏ vào cuối ngày hay cuối tuần, một số trạm métro phải đóng cửa để tân trang hay để bảo đảm an ninh, an toàn cho việc hoàn tất các khán đài trên mặt đất… dân parisien đã thường trực bị stress, nay phải chịu thêm sự mệt mỏi, bực dọc vì những vấn nạn mới phát sinh. Cộng với sự thay đổi thời tiết trên toàn nước Pháp: mùa thu với những cơn mưa rả rích kéo dài suốt 9 tháng, lấn đất mùa đông lạnh lẽo và mùa xuân ấm áp, nắng thiếu, vitamine D thiếu, khiến ai nấy nhìn nhau ngao ngán, đúng là «mặt xanh, nanh vàng» cả bọn!

Breakdance-Bordeaux – Môn thể thao lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu JO

Vì vậy, không mấy ngạc nhiên, khi khách du lịch và người hâm mộ thể thao trên khắp thế giới đang nô nức chuẩn bị kéo về Paris, một số không ít dân thủ đô nước Pháp lại quyết định bỏ lỡ dịp may trăm năm có một này, về tỉnh hay ra ngoại quốc vào đúng thời gian tổ chức Thế vận hội. Họ tránh đám đông, tránh chuyện ùn tắc trong giao thông, và nhất là tránh nỗi phập phồng lo sợ phải thường trực đối mặt với nạn khủng bố. Thật vậy, các tổ chức Hồi giáo cực đoan và hệ thống truyền thông Nga đã nhiều lần lớn tiếng đe doạ về vấn đề này. Chỉ trong vòng hơn một tháng, bản dự án thiết kế cho việc bảo đảm an ninh Thế vận hội 2024 đã bị đánh cắp hai lần. Chưa hết! Đầu tháng 06, Netflix vừa tung ra bộ phim «Dưới lòng Seine», kể về cuộc tấn công của cá mập khát máu, do biến dị và thay đổi môi trường, vào đoàn vận động viên đang bơi dọc sông Seine trong cuộc thi 3 môn phối hợp. Nếu chuyện cá mập nước ngọt thật sự sẽ xảy ra trong cuộc tranh tài tại cầu Alexandre III trong tháng 07 sắp tới, chắc hẳn các ngài Nostradamus và Trạng Trình phải ngả nón chào thua đạo diễn Xavier Gens của bộ phim «củ cải/navet» này (**)!

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 17 tháng 7 năm 2025

CN (06.2024)

(*) Nam tước Pierre de Coubertin (1863-1937), nhà giáo dục học và sử gia người Pháp, người sáng lập ra Uỷ ban Thế vận hội Quốc tế (CIO) năm 1894 và vẽ mẫu 5 vòng tròn thế vận lồng vào nhau, tượng trưng cho sự đoàn kết trong thể thao của năm châu. Thế vận hội đầu tiên của thời hiện đại được tổ chức năm 1896 tại thủ đô Nhã Điển (Athène) của Hy Lạp, nơi các cuộc thi thể thao thời cổ đại đã từng diễn ra trước đó hơn 2500 năm.

(**) Xếp ngang hàng với loại báo lá cải hay tiểu thuyết diễm tình.

Tài liệu tham khảo :

https://fr.wikipedia.org/wiki/Jeux_7%C3%A9t%C3%A9_de_2024