Đảng cộng sản cầm quyền Trung Quốc muốn những người trẻ trong nước phải có tham vọng, làm việc chăm chỉ và luôn chuẩn bị tinh thần cho nghịch cảnh. Để đáp lại, những người trẻ Trung Quốc phản ứng một cách thụ động theo cách của họ rằng họ không muốn bị xỏ mũi dắt đi theo con đường nào đó ngoài ý muốn của họ.

Bị mất tinh thần bởi tình trạng kinh tế yếu kém, công việc làm không được như ý và một chính quyền luôn lên giọng gia trưởng, những người trẻ Trung Quốc hiện nay đang tự đi tìm con đường riêng để thoát khỏi cuộc sống được sắp đặt một cách cẩn thận mà những người lớn tuổi trong gia đình như ông bà, cha mẹ mong muốn cho họ, khiến họ cảm thấy bối rối, đôi khi bực mình vì cứ phải nghe nhắc nhở về bổn phận và trách nhiệm của họ đối với các ưu tiên của đất nước.

Từ ngoan ngoãn …

Kể từ khi đảng cộng sản Trung Quốc đàn áp các sinh viên bất mãn chính quyền tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, hầu hết thanh niên, là những người trẻ trưởng thành trong thời đại tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và cuộc sống ngày càng khá hơn, đã ngoan ngoãn làm những gì họ được khuyến khích phải làm – và được khen thưởng vì những việc làm đó.

Họ học hành chăm chỉ để vào được các trường đại học danh tiếng, làm việc hàng giờ không dám kêu ca mệt mỏi tại các công ty đang phát triển nhanh chóng và tuân theo những kỳ vọng truyền thống về sự nghiệp và gia đình, để thúc đẩy sự bùng phát kinh tế của Trung Quốc đến những thành công về vật chất.

Nhiều người trẻ vẫn đang làm điều đó. Nhưng ngày càng có nhiều người trẻ thành thị thuộc tầng lớp trung lưu ở độ tuổi 20 và 30 ở Trung Quốc đang bắt đầu đặt câu hỏi về con đường đi đó, nếu không muốn nói là họ bác bỏ nó hoàn toàn, trong khi triển vọng về thăng tiến trong công việc và cuộc sống đang ngày càng mờ dần.

Xem thêm:   Phong tỏa Đài Loan

… đến phản kháng

Hơn 2 năm dưới chính sách kiểm soát Covid khắc nghiệt của chính quyền khiến một số người trẻ không khỏi có lúc phải suy nghĩ về vai trò của đảng cộng sản và các nguồn quyền lực khác ngự trị trong cuộc sống của họ, hoặc thậm chí là ý nghĩa của cuộc sống và tương lai cá nhân mà họ khao khát muốn có – là những câu hỏi mà trước đây nhiều người chưa bao giờ nghĩ đến.

Tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục ở giới trẻ lên đến 21% trong năm nay đã làm xói mòn thêm niềm tin vào con đường thành đạt truyền thống ở Trung Quốc. Một số người trẻ cũng cảm thấy thất vọng về các vấn đề khác, chẳng hạn như bạo lực đối với phụ nữ ở Trung Quốc hay nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn cấm người dân truy cập các ứng dụng ngoại quốc như Twitter hay Instagram.

Nhiều người trẻ đang bỏ việc và tìm tới thiền tịnh và những hình thức tâm linh khác. Một số rời bỏ các đô thị lớn của Trung Quốc để bắt đầu cuộc sống mới ở những nơi như Đại Lý, một thành phố phía tây nam Trung Quốc được nhiều người biết tới như là trung tâm của những người bỏ học ngang và bỏ công việc kỹ thuật để sống một cuộc sống tự do không định hướng, kiểu như hippy ngày xưa vậy.

Nhiều người khác thì tìm tới các ngôi chùa Phật giáo nằm trong những vùng núi non, hoặc tìm hiểu tư tưởng của các triết gia và nhà văn Trung Quốc và phương Tây từ Lão Tử đến Hermann Hesse. Một số khác thì tổ chức các buổi “tiệc rũ bỏ” trang hoàng với các biểu ngữ ca ngợi đời sống tự do mới có được của họ.

Tình trạng tiêu cực

Theo công ty nghiên cứu BigOne Lab, các cuộc thảo luận trên mạng xã hội về việc đi chùa và căn bệnh lo lắng – mối bận tâm chính của nhiều người trẻ Trung Quốc – đã tăng cao trong năm 2023.

Theo diễn đàn xã hội và trang mạng tìm kiếm việc làm Maimai của Trung Quốc, khoảng 34% số người được khảo sát ở độ tuổi trên dưới 25 đã nghỉ việc hoặc đang cân nhắc bỏ việc làm trong các ngành dịch vụ liên quan tới internet của Trung Quốc – nơi có rất nhiều người trẻ làm việc – trong nửa đầu của năm 2023.

Xem thêm:   Châu Âu không có Hoa Kỳ

Thậm chí chơi xổ số cũng đang trở thành xu hướng giải trí đặc biệt đối với những người ở độ tuổi 20 và 30, và việc mua vé số của họ đã giúp đẩy doanh thu xổ số lên tới $67 tỷ từ tháng 1 đến tháng 10, tăng 53% so với năm trước và trung bình là $48 đổ đồng cho mỗi người dân Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát tại Trung Quốc được thực hiện bởi công ty nghiên cứu Tsingyan Group vào năm ngoái cho thấy có khoảng 96% trong số gần 6,000 người được hỏi cho biết họ cảm nhận rằng có tình trạng phản kháng thụ động ở những mức độ khác nhau trong khu vực họ sống. Cuộc khảo sát cũng cho thấy cách phản kháng này được những người từ 40 tuổi trở xuống tham gia nhiều hơn so với những người dân Trung Quốc khác.

Ở Trung Quốc, nơi những cuộc biểu tình công khai thường hiếm khi xảy ra, thì những người trẻ hiện nay đang nổi loạn theo cách khác và tình trạng này có thể tạo áp lực lên giới lãnh đạo.

Giới lãnh đạo lo lắng

Các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc từ lâu đã lo lắng rằng những người trẻ có thể khuấy động tình trạng bất ổn, như họ đã làm vào năm 1989. Đảng cần những người trẻ tuổi tham gia vào các chính sách ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh, không chỉ để giữ cho nền kinh tế hoạt động tốt và tránh bất ổn, mà còn giúp cho Trung Quốc mạnh hơn trong thời đại đang xảy ra cuộc cạnh tranh siêu cường với Hoa Kỳ.

Trong bài diễn văn tại Đại hội Đảng Cộng sản hồi năm ngoái được truyền thông Trung Quốc trích dẫn rộng rãi, lãnh tụ Tập Cận Bình đã đưa ra tầm nhìn tương lai cho giới trẻ, kêu gọi họ phải có “lý tưởng, lòng dũng cảm, tinh thần sẵn sàng chịu đựng gian khổ và cống hiến phấn đấu” để góp phần “xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại.”

Xem thêm:   Miễn hạnh phúc...

Trong một bài báo năm 2021 đăng trên tạp chí Cầu Thị (Qiushi) của đảng, ông Tập đặc biệt cảnh báo không nên có tinh thần tiêu cực trong công việc. Các cuộc thảo luận về hiện tượng này thường bị kiểm duyệt trên các mạng xã hội.

Theo kết toán hồi đầu năm nay của một giáo sư Đại học Bắc Kinh, nếu tính hết tất cả những người trẻ đã rời khỏi lực lượng lao động Trung Quốc và sống bám vào cha mẹ thì tỷ lệ thất nghiệp thực sự của người trẻ Trung Quốc có thể lên tới 46.5%.

Xu hướng bỏ đi

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua bị chậm lại. Nhiều kinh tế gia lo ngại Trung Quốc có thể bị mắc kẹt trong cái “bẫy thu nhập trung bình”, trong đó mức độ phát triển của một quốc gia sẽ khựng lại trước khi trở nên giàu có.

Nhiều công ty từng thu hút người trẻ trước đây – như Alibaba, Tencent và ByteDance – đã phải sa thải nhân viên trong bối cảnh tăng trưởng yếu và sự đàn áp của chính phủ đối với khu vực kinh doanh tư nhân. Lương bổng trong ngành kỹ thuật cũng đã giảm trong 3 năm qua.

Một số người trẻ còn tính đến chuyện di chuyển hẳn ra ngoại quốc. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, con số khác biệt giữa người rời đi và tới Trung Quốc trong năm 2012 là 125,000 khi nền kinh tế trong nước bùng phát; trong 11 tháng đầu năm 2023, con số đó tăng lên hơn 313,000. Trong khi đó thì người già ở Trung Quốc ngày càng đông hơn. Điều này cho thấy một khi kinh tế hồi phục (có thể phải mất vài năm nữa) Trung Quốc sẽ không có đủ người trẻ làm việc. Nhưng đây là vấn đề nhức đầu của tương lai. Đảng cộng sản Trung Quốc đang phải giải quyết vấn đề trước mắt: sự thất vọng của người trẻ – mà vẫn chưa biết phải giải quyết thế nào.

VH