“Ai cầm gươm sẽ chết vì gươm, ai cầm bút sẽ chết vì bút. Tôi viết kinh sẽ chết vì kinh”. Đặng Thơ Thơ đã viết như vậy trong truyện ngắn “Đi tìm bản kinh thánh cuối” như một trải qua và cảm nghiệm cần thiết của nhân loại và dân tộc mình.
Ðặng Thơ Thơ bắt đầu viết năm 20 tuổi khi còn ở Việt Nam, theo tác giả những truyện này chịu ảnh hưởng Văn học Miền Nam, qua các tạp chí Văn, Bách Khoa, Tự Lực Văn Ðoàn… Năm 1992, gia đình cô được bảo lãnh sang Mỹ. Tác phẩm đầu tiên cô gửi đăng là truyện ngắn “Mùa xuân xám” in trên tạp chí Văn học do nhà văn Nguyễn Mộng Giác giới thiệu năm 1995. Truyện ngắn này, Ðặng Thơ Thơ đổi lại thành “Mùa xuân trắng” khi in trong tập “Phòng triển lãm mùa Ðông”. Từ đó đến nay, Ðặng Thơ Thơ đã đi vào nhiều thể loại, từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến phê bình, dịch thuật, nhiếp ảnh, phỏng vấn…
Tác phẩm của cô xuất bản không nhiều, nhưng được chọn lọc kỹ, thường xuất hiện trên tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Gió Văn, Chủ Ðề.
Các tác phẩm đã in: Tuyển tập truyện ngắn “Phòng Triển Lãm Mùa Ðông”, Văn Mới xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2002; “Khả Thể”, Người Việt xuất bản tại Hoa Kỳ 2014. Tác phẩm mở: “Khi Phong Linh Vỡ” – truyện dài.
Ðặng Thơ Thơ là một tác giả nữ đặc biệt trong dòng Văn học Việt Nam di dân, với một tâm hồn nhạy cảm luôn giằng xé trước thực tại và bản thân, tác giả thường trực khủng hoảng nội tâm, mâu thuẫn với chính bản thân mình, thích sống khép mình lui vào sự cô đơn, đọc tác phẩm của cô người đọc luôn tìm thấy sự tự tra vấn này.
Một trong những ám ảnh thường trực trong tác phẩm Ðặng Thơ Thơ là sự “sống” và cái “chết”. Tác giả thường cho nhân vật tự hỏi: “Người ta có thể sống nhiều cuộc đời không? Người ta có thể chết nhiều lần không? …
Mình có thể ngất đi, rồi tỉnh dậy hóa ra người khác, đúng không? Nếu mỗi lần sống lại, mình biến ra một con người khác, thì chuyện chết đi sống lại là tất nhiên. Ðúng không? Nói chung, con người vẫn từng chết đi sống lại mà không hay biết”.(1)
Và linh cảm về một cái chết trước mắt. “Mân hay ngồi đó viết thư cho một người nào đó, báo tin thì đúng hơn, về cái chết của chính cô. “Mình sẽ tự tử vào một ngày mùa thu””, cô viết cho một người bạn có tên bắt đầu bằng chữ S, “Mình không bình tĩnh chút nào, mình rất hồi hộp, như sửa soạn đi chơi xa, mà có lẽ sẽ không về nữa.”(1)
Có thời gian nhà văn bị trầm cảm và hội chứng OCD (tâm thần thôi thúc ám ảnh), viết văn là một cách giúp tác giả thoát ra khỏi sự cô đơn và khủng hoảng đó. Giống như Thanh Tâm Tuyền viết “Tôi Không Còn Cô Ðộc” nhưng đến chết hẳn tác giả vẫn còn cô độc. Nhà thơ phải bám vào nỗi cô độc để thơ ông được tiếp tục viết và tiếp tục sống, hoặc để vượt thoát chính ông. Ðặng Thơ Thơ cũng vậy.

Đặng Thơ Thơ
Có lần tôi hỏi Ðặng Thơ Thơ có chịu ảnh hưởng nhà văn nào không, cô cho biết ảnh hưởng nhiều bởi các tác giả như Borges, Virginia Woolf, Murakami, Kundera, Kafka, các tác phẩm của cô thời gian sau này phảng phất những xung đột nội tâm như vậy. Hiện nay Ðặng Thơ Thơ thích đọc những tác giả nữ và da màu như Sandra Cisneros, Gloria Anzaldúa, Yiyun Li, Shan Sa, Yoko Ogawa, và Jeanette Winterson. Về tác giả Việt Nam, có 3 người viết mà phong cách của họ gây ấn tượng mạnh cho nhà văn là Trần Vũ, Nguyễn Hương, và Nguyễn Thúy Hằng.
Ðặc biệt từ năm 2006, khi tham gia chủ trương trang web Văn học nghệ thuật không biên giới damau.org, Ðặng Thơ Thơ sáng tác hàng loạt truyện cực ngắn, truyện chớp và nhận định phê bình: Luân hồi đen; Nữ Quyền Trốn Học; Người vợ Khổng Tử và cô giáo nữ quyền; Nữ Quyền Trốn Học / Feminism Plays Hooky; Polonium 210(*); Chiến tranh trên cánh đồng hoa tu-líp; Ðiều xảy ra sau khi Chúa chết; Hoa cúc trắng (đen) trên nền đen (trắng); Cấy Óc; Lối thoát cho Ted Haggart; Tình Yêu trước ngày Tận Thế; Ở khoảng giữa một gang tay; Lịch sử nhìn từ âm bản; Những vần thơ của Bác; Uncle’s Poetry; Buổi chiều ở Prague; Cuộc chơi của dân da màu; Con yêu tinh thứ một trăm lẻ tám; Cung Tích Biền nói chuyện với Ðặng Thơ Thơ; Quà Giáng Sinh Ý Nghĩa Nhất; Quà cho người đàn bà lý tưởng; Tùy Bút của Thu Tứ; Những Bài Thơ Ðến Trước Giấc Ngủ của vi lãng; 30 tháng 4 và một ngày ở phía tương lai; Vô đề; Con yêu ai nhất; Tôi đọc Thảo Trường; Hoàng Ðạo – tiểu sử và sự nghiệp văn hóa; Lễ bế mạc một mùa hè; Ði Tìm Bản Kinh Thánh Cuối.
Thời gian này, ngòi bút của cô trở nên sắc bén với một cảm quan thẩm mỹ mới. Ðặng Thơ Thơ là một tác giả nữ luôn tìm cách làm mới mình qua nội dung và hình thức thể hiện. Hầu như mỗi tác phẩm là một thử nghiệm bút pháp trong một tư tưởng mới lạ. Những đề tài cô quan tâm thường là những vấn đề nhạy cảm mang tính thời sự xã hội, có ý thức dấn thân rõ nét. Hành trình cô tìm kiếm là một hành trình mở chưa có hồi kết.
Văn chương tranh đấu cho nữ quyền là một trong những đề tài quan trọng đã được Ðặng Thơ Thơ đề cập đến nhiều trong quá trình sáng tác của cô. Trong “Người vợ Khổng Tử và cô giáo nữ quyền” tác giả viết: “Ðằng sau mỗi vĩ nhân là một người đàn bà vĩ đại. Tôi rất thích viết về đàn bà vĩ đại. Nhưng vợ Khổng Tử có thật vĩ đại không? Chẳng ai biết gì về người vợ của ông. Nàng tên gì? Dung nhan nàng ra sao? Tài năng nàng thế nào? Nàng đã thành đạt gì trong cuộc sống, ngoại trừ việc cho ông mấy người con, trong đó có con trai nối dòng họ Khổng? Nàng có biết nói, biết khóc, biết cười không? Nàng có biết đọc, biết viết, biết làm thơ không? Chẳng sách vở nào nói đến nàng. Chẳng ai vẽ chân dung nàng. Làm sao vẽ chân dung một người không có chân dung? Tìm trong tiểu sử của Khổng Tử cũng không có tên nàng. Nàng là người đàn bà vĩ đại không tiểu sử.”
Khắc họa cách nào khi sự hiện hữu của nhân vật hầu như không được chứng giám?Và nhà văn Ðặng Thơ Thơ đi tìm vợ Khổng Tử trên trang sách Kinh lễ.
“Tôi tìm thấy những mảnh quần áo đông phương bị xé rách khi đọc kinh. Những trang kinh sắp trở về với hư vô, hơn hai ngàn năm đã trôi qua trên đó, nhưng Khổng Tử vẫn nhồi nhét thêm những người đàn bà mới vào sách của ông. Ông là vĩ nhân, có tài biến đàn bà thành chữ, thành nét, thành tư tưởng, thành tinh chất. Ông đã hiểu ý nghĩa của cuộc đời là chắt lọc thân xác đổi lấy tiếng thơm. Như người ta ép tinh dầu. Bông hoa và mùi hương không thuộc về nhau. Bông hoa không được sở hữu mùi hương của nó. Hãy để ý đến động tác của họ, rất ngoạn mục: Họ cởi đồ chầm chậm, mỗi hành động buông áo, hạ quần, rút dây lưng kéo dài hàng thế kỷ. Họ ngần ngại và bị lôi cuốn, đến thiên niên kỷ thứ 3 mới bạo dạn dám khoe chút rốn. Ngôn ngữ của họ cũng lơ lửng; một chữ buông hờ ở cửa miệng rồi cứ đọng lại ở đó, một câu nói chưa thành tiếng đã bị mất hút vào không gian. Một ý nghĩ mất cả đời để thành hình. Một câu nói truyền từ người này sang người kia mất thêm vài trăm năm nữa. Chỉ có nước mắt của họ là vẫn vậy, xưa cũng như nay, những giọt lệ chảy nhanh, lăn tròn, đều đặn. Vận tốc của nước mắt là hằng số. Ðêm đêm họ ngồi khóc bên những ngọn đèn lồng đỏ thắp lập lòe trên ruộng cao lương.” (2)
Nước mắt của người nữ là “Lệ đá” (3), dòng nước thổn thức bật ra từ lòng núi câm lặng mấy ngàn năm.
Ðặng Thơ Thơ kết luận:
“Ký ức lịch sử Ðông Phương không có chỗ cho một thân phận nữ đơn lẻ. Vì vậy Khổng Phu Nhân, người phụ nữ vĩ đại này đã tan biến vào tập thể và tồn tại như hương hoa để ướp thơm những trang kinh của chồng là đức Khổng”. (2)
Ðúng vậy, với Ðặng Thơ Thơ quá trình sáng tạo là một hành trình tìm kiếm, luôn luôn bất ngờ, luôn luôn thay đổi. Từ “Mùa xuân Trắng” đến “tìm bản kinh thánh cuối” là một cuộc lột xác ngoạn mục.
Giai đoạn đầu nội dung trong tác phẩm của Ðặng Thơ Thơ thiên về những chủ đề nhẹ nhàng như tình bạn, gia đình, tình yêu đôi lứa, cái đẹp trong nghệ thuật, văn mượt mà trong sáng, cảm xúc tuôn chảy như thơ. Trái lại, giai đoạn sau những đề tài tác giả phản ảnh lại mang tính gai góc như văn chương nữ quyền, ẩn ức của những người đồng tính, lưỡng tính…hay các vấn đề nhạy cảm mà người viết trong nước thường tránh né như đối diện quá khứ, lật lại lịch sử. Giai đoạn này, văn phong thiên về tính chính luận, lý trí nhiều hơn, tác giả chú trọng nhiều đến kỹ thuật sáng tác. Một trong những tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này là truyện ngắn “Ði tìm bản kinh thánh cuối”.
Lấy tư liệu từ Kinh Thánh làm chất xúc tác, Ðặng Thơ Thơ đưa ra những luận đề: Vị trí và giá trị của người phụ nữ trong một xã hội giáo điều, mối tương quan giữa Niềm tin – Tri thức, Giáo điều – Tình yêu, và sự khả tín chính trị.
Kết luận của tác giả ở cuối truyện: Hành trình đi tìm chân lý của mỗi dân tộc là phải đi ngược lại lịch sử của dân tộc đó cho đến ngọn nguồn, bằng cách tự xoay lưng đi ngược. Không chân lý nếu không xét lại và không thể trốn tránh nếu muốn tìm ra sự thật.(4)
Thông điệp truyện cho chúng ta một chiều kích rộng, con đường phải đi của mỗi dân tộc là phải biết xoay lưng với lịch sử chính thống ngụy biện để tìm ra lịch sử thật của dân tộc mình. Ðây là một trong những thông điệp chính của truyện. Một tác phẩm xuất sắc phải mang trong mình một nội dung tầm cỡ, “Ði tìm bản kinh thánh cuối” là một trong ít những tác phẩm đó.
Trong một lần trao đổi, tôi hỏi Ðặng Thơ Thơ: “Quan niệm nghệ thuật của Thơ Thơ là gì?”, cô trả lời không do dự: “Nghệ thuật có thể không mục đích từ cương vị người nghệ sĩ, nhưng tác động của nghệ thuật đúng nghĩa sẽ làm thay đổi hoặc nâng cao thẩm mỹ, cách nhìn, chiều kích, và tính nhân bản trong mỗi chúng ta”.
Hành trình đi tìm cái mới trong sáng tạo cũng là hành trình tìm kiếm bản thể của tác giả, nhưng làm sao ta biết bản thể nào là bản thể cuối, cũng như sáng tạo cái đẹp không bao giờ dừng, nó luôn biến chuyển, luôn thay đổi, “Viết Là Phá Căn Nhà Kín Tự Nhốt Mình Ðể Thoát Ra” đó là tâm tình của Ðặng Thơ Thơ.
BM
(1) Hoa Cúc trắng trên nền đen
(2) Người vợ Khổng Tử và cô giáo nữ quyền
(3) Thơ Thanh Tâm Tuyền
(4) Đi tìm bản kinh thánh cuối