Huế là xứ của thơ. Thơ viết cho Huế… thì nhiều lắm. Kể từ Nam Trân và Hàn Mặc Tử trở đi, đã có biết bao người làm thơ cho dòng sông Hương. Để nhớ mãi nét đẹp của Huế, tâm tình với Huế, xin ghi lại nơi đây thơ của một vài tác giả nổi tiếng hiện đại. Dòng sông xưa còn mãi trong tim này. SAO KHUÊ
Nguyễn Hoàng Anh Thư
em vẫn Huế
Ngày anh bảo luôn thấy em là Huế
Tà áo mềm lả lướt một trời thương
Em lóng ngóng vội đưa tay giấu tóc
Con đường buông theo nhiều dạo vấn vương.
Mở mắt đếm bao ngày vui đến lạ
Em vẫn bên nên Huế rất chiêm bao
Hôm em đến răng mà trời lớ quớ
Chẳng nghe chi ngoài lời gió lao xao.
Em vẫn Huế áo vẫn đôi là lượt
Ðường quanh co khắp muôn lối giăng giăng
Huế làm chi mà đổ tràn tơ lụa
Nhịp cầu thưa chẳng giữ được mùa trăng.
Em sẽ bảo lòng mình thôi đừng khóc
Mượn cỏ cây và nắng khỏa trong xanh
Huế lòng vòng từng nỗi buồn chực vỡ
Một ngày thôi mà như đã mong manh.
Ðường tần ngần có còn ai đó đợi
Ai hẹn hò mà sương trắng bâng khuâng
Biết răng chừ anh mới nghe Huế nói
Nhìn sông trôi và ôm Huế thật sâu.
Hoàng Xuân Sơn
Huế buồn chi
Huế buồn chi Huế không vui
Huế o ở lại Huế tui đoạn đành
O đau sương khói một mình
Tui đi ray rứt Nội thành tái tê
Huế buồn chi tội rứa thê
Tình xưa nghĩa cũ ngó về tựa nương
Huế ơi mộng tới đường trường
Kim Luông Vỹ Dạ dòng hương có còn
Trèo tình lên núi mà thương
Cỏ cây chất ngất phố phường ở mô
Huế chừ cách mấy triệu o
Mưa qua cửa Thượng chiều co bến Thừa.
*Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Anh Dũng phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
Xuyên Trà
Huế và em
em không Huế
làm sao tôi biết?
buổi qua cầu thơm tóc dòng Hương
nón nghiêng che mát tình Ðồng Khánh
lòng xôn xao thuở áo trắng sân trường
em không Huế
làm sao tôi biết?
gió Nội thành thổi khúc Nam Ai
mưa tháng giêng ướt hoài nỗi nhớ
người với thơ, về thức trắng đêm dài
em không Huế
làm sao tôi biết?
ngọt chén tình hạnh ngộ ban sơ
dẫu trăm năm đá vàng chưa hẹn
thuyền quyên ơi! Mai sóng vỗ đôi bờ
em không Huế
làm sao tôi biết?
buổi xa người, thương đài miếu thâm cung
em huyền hoặc như ngàn xưa bí sử
Huế và em, tôi vẫn nhớ vô cùng…
Nhã Ca
tiếng chuông thiên mụ
Tôi lớn lên bên này sông Hương
Con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ
Cây trái Kim Long, sắt thép cầu Bạch Hổ
Cửa từ bi vồn vã bước chân sông
Mặt nước xanh trong suốt tuổi thơ hồng
Tháp cổ chuông xưa sông hiền sóng mọn
Những đêm tối bao la những ngày tháng lớn
Những sáng chim chiều dế canh gà
Tiếng chuông buồn vui dợn thấu xương da
Người với chuông như chiều với tối
Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi
Ðêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông
Cuối cơn điên đầu giấc ngủ đau buồn
Tiếng chuông đến dịu dàng lay tôi dậy
Tiếng chuông đến và đi chỉ mình tôi thấy
Chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan…
Từ dạo xa chuông khôn lớn giữa đời
Ðổi họ thay tên viết văn làm báo
Cơm áo dạy mồm ăn lơ nói láo
Cửa từ bi xưa mất dấu đứa con hư
Tháp cổ chuông xưa, sông nhỏ sương mù
Dòng nước cũ trong mắt nhìn ẩm đục
Con đường cũ trong hồn nghe cỏ mọc
Chuông cũ giờ đây bằn bặt trong da
Tuổi hồng sa chân chết đuối bao giờ
Ngày tháng cũ cầm bằng như thác lũ
Nhưng sao chiều nay bỗng bàng hoàng nhớ
Tiếng chuông xưa bừng sống lại trong tôi
Tiếng chuông xưa kìa tuổi dại ta ơi
Chuông oà vỡ trong tôi nghìn tiếng nói…
Tôi thức dậy rồi đây chuông ơi chuông hỡi
Tôi thức dậy đây tôi thức dậy rồi
Thức dậy thực sự rồi
Thức dậy cùng giông bão, thức dậy cùng tan vỡ
Thức dậy cùng lịch sử
Mẹ hiền ơi thành phố cũ chiều nay
Có tiếng chuông nào rơi như lệ trên tay
Trên mặt nước trên mặt người mặt lộ
Cho con trở về đừng mê sảng ngó
Sài Gòn, 9-1963